Để giúp các QTDND triển khai đúng, hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022, về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2023) thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023, ngày 29/7 và buổi sáng ngày 30/7/2023, Hiệp hội đã tổ chức khóa tập huấn về Nghị định và thông tư nêu trên cho gần 500 cán bộ QTDND trên cả nước.
Giảng dạy và trao đổi tại khóa tập huấn là Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia Giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp; Bà Bùi Thúy Hằng - Phó viện trưởng vụ chính sách tiền tệ.
Về đăng ký biện pháp bảo đảm, Ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh giao dịch bảo đảm là một loại của hợp đồng dân sự do các bên tự thoả thuận hoặc tuân thủ theo quy định pháp luật, là sự thoả thuận giữa các bên về việc lựa chọn biện pháp bảo đảm đã được pháp luật quy định để thực hiện nghĩa vụ với tính chất ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu khi không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không được yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ gì mà pháp luật không quy định trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm; không được yêu cầu các bên ký kết hợp đồng sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung hợp đồng bảo đảm, nếu không thuộc trường hợp sai sót do lỗi kê khai của người yêu cầu đăng ký.
Chính vì vậy, giảng viên hướng dẫn học viên về các nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm nhấn mạnh vào nguyên tắc: đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…và nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản là động sản (những tài sản chủ yếu QTDND đăng ký bảo đảm cho các khoản vay), giúp các QTDND hiểu rõ hơn về việc đăng ký bảo đảm để kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin tránh những phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung không cần thiết khi có sự biến động về giá trị của tài sản đăng ký bảo đảm…Trong bài giảng, giảng viên chỉ ra cơ quan có thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng giao dịch bảo đảm gắn với tài sản đảm bảo. Bài giảng lồng kép các ví dụ, tình huống cụ thể nhằm giúp các học viên hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đối với Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Bà Bùi Thúy Hằng đã trình bày điểm mới đáng chú ý, cụ thể: Đối với các nhu cầu về vốn không được cho vay tại các tổ chức tín dụng bổ sung 04 trường hợp mới, bổ sung quy định đối với hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử hay còn gọi là cho vay online, cho phép trả nợ bằng đồng tiền khác đồng tiền cho vay, giải thích cụ thể hơn về thỏa thuận lãi suất cho vay ngắn hạn, bổ sung quy định về trả nợ gốc và lãi với khoản vay quá hạn, phong tỏa khoản vay đảm bảo nghĩa vụ đến khi chấm dứt nghĩa vụ… Ngoài ra, giảng viên và học viên trao đổi về phương thức cho vay, cách xác lập điều khoản giải ngân để có thể giám sát được cách thức sử dụng vốn vay đúng mục đích của khách hàng…
Mặc dù khóa học được tổ chức trực tuyến nhưng trong suốt thời gian diễn ra khóa học các học viên QTDND không chỉ tiếp thu được những kiến thức mới mà khóa học được học viên đánh giá rất cao và tạo ra sự thành công nhất trong khóa học là sự tương tác, trao đổi từ hai phía giảng viên và học viên, đã có rất nhiều câu hỏi, ý kiến thảo luận được các học viên đưa ra được các giảng viên giải đáp thỏa đáng đáp ứng yêu cầu tháo gỡ vướng mắc cho các QTDND hoạt động được tốt hơn.
Một số hình ảnh tại khóa học
Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia Giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp giảng về đăng ký biện pháp bảo đảm
Khóa tập huấn thu hút sự tham gia của gần 500 cán bộ hệ thống QTDND trên toàn quốc.