Nhằm tiếp tục đồng hành cùng hệ thống QTDND trong công tác nâng cao năng lực cho cán bộ, ngày 15 và 16/7/2025, Hiệp hội QTDND Việt Nam đã tổ chức khai giảng hai khóa đào tạo Nghiệp vụ QTDND theo Quyết định số 1011/QĐ-NHNN bằng hình thức học trực tuyến.
Bỏ qua mọi giới hạn về khoảng cách địa lý, chương trình đào tạo đã thu hút 225 học viên đến từ 133 QTDND trên toàn quốc, cho thấy sức hút và tính thiết thực của khóa đào tạo trong bối cảnh hiện nay. Hình thức học trực tuyến giúp học viên dễ dàng tiếp cận kiến thức, vừa đảm bảo tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa đáp ứng hiệu quả nhu cầu nâng cao nghiệp vụ, bổ sung kiến thức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ QTDND trên cả nước. Giảng dạy tại các khóa học là các giảng viên được lựa chọn từ Học viên Ngân hàng phân viện Bắc Ninh và Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ khai giảng, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam cho biết: đây là khóa học được xây dựng với nội dung bao quát toàn diện các nghiệp vụ cơ bản và cốt lõi nhất của QTDND, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hoạt động QTDND hiện nay đang chịu nhiều tác động từ sự thay đổi của hệ thống pháp lý, sáp nhập địa bàn... Do vậy, chương trình giảng dạy tại khóa học đã được Hiệp hội phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị đào tạo có uy tín để cập nhật liên tục, đảm bảo nội dung giảng dạy luôn bám sát thực tiễn và phù hợp với các quy định mới nhất.
Bà Thanh cũng nhấn mạnh, bên cạnh nội dung giảng dạy, chất lượng của mỗi khóa học còn phụ thuộc rất lớn vào thái độ học tập chủ động, tích cực của học viên. Bà đề nghị các học viên nghiêm túc tham gia, chủ động trao đổi, thảo luận với giảng viên để tiếp thu tốt hơn các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phục vụ cho công việc.
Đáng lưu ý, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã đang đặt ra không ít thách thức cho hoạt động của các QTDND, vốn là loại hình tổ chức tín dụng đặc thù gắn bó mật thiết với địa bàn cấp xã, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ điều kiện địa lý, dân cư, kinh tế của từng địa phương. Do đó, bà khuyến khích học viên cần tranh thủ cơ hội này để cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau từ thực tiễn xử lý về địa bàn hoạt động, con dấu..., góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND trong thời gian tới.
Theo bà Thanh Kim Huệ - Giám đốc Học viện Ngân hàng Phân viện Bắc Ninh, QTDND đã và đang khẳng định được vai trò tích cực trong việc hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Sự phát triển bền vững của QTDND chính là minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng và phát triển mô hình tổ chức tín dụng đặc thù này. Trong đó, vai trò quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, sự hỗ trợ từ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là Ngân hàng của các QTDND, cũng như nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực từ Hiệp hội QTDND đóng vai trò hết sức quan trọng giúp hệ thống QTDND ngày càng hoạt động hiệu quả.
Bà Thanh Kim Huệ cho biết, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, khóa đào tạo Nghiệp vụ QTDND theo Quyết định 1011/QĐ-NHNN chính thức đủ điều kiện triển khai. Khóa học được thiết kế với 8 học phần, 2 chuyên đề thực tế, tập trung vào các nội dung cốt lõi như quản lý rủi ro, tài chính, kiểm soát nội bộ và tín dụng, những nghiệp vụ thiết yếu, mang tính nền tảng đối với hoạt động QTDND trong giai đoạn hiện nay. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, Học viện Ngân hàng Phân viện Bắc Ninh sẽ bố trí đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, sẵn sàng đồng hành, trao đổi cùng học viên, qua đó giúp các học viên lĩnh hội được những kiến thức hữu ích, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác tại đơn vị.
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị phối hợp tham gia giảng dạy tại khóa đào tạo Nghiệp vụ QTDND cũng rất quan tâm phối hợp với Hiệp hội để tinh chọn đội ngũ giảng viên có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ, chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, am hiểu sâu sắc nghiệp vụ QTDND cũng như bám sát thực tế hoạt động. Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, thông qua khóa học, các học viên không chỉ tiếp thu được những kiến thức chuyên môn hữu ích, thiết thực áp dụng vào công việc, mà còn có cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND trong thời gian tới.
Một số hình ảnh về các buổi khai giảng:
Nam Sơn