14.10.2021 09:47

Công nghệ trong hoạt động của quỹ tín dụng

Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) - một tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động một số các lĩnh vực ngân hàng - nếu không bắt kịp với nhịp độ phát triển công nghệ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ứng dụng công nghệ thông tin tại QTDND ngày càng rộng

Thời gian đầu mới thành lập các QTDND, do chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, mà việc nắm bắt thông tin để quản lý các QTDND của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp không ít khó khăn, nhất là lấy thông tin về tình hình hoạt động của các QTDND để thiết lập bảng cân đối tiền tệ toàn ngành… Đi khảo sát các QTDND thời đó thì mỗi quỹ chỉ có 1 máy tính để hạch toán các giao dịch nghiệp vụ, chưa kết nối được với NHNN.

Việc đưa các ứng dụng công nghệ tài chính vào hoạt động kinh doanh của QTDND sẽ đem lại cả những triển vọng tích cực. Vì vậy, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất chú trọng vào việc định hướng phát triển công nghệ thông tin cho hoạt động QTDND, với mục tiêu tiến tới là các QTDND có hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ thực tế đó, khi Hiệp hội QTDND ra đời đã thành lập công ty tin học để hỗ trợ quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong hoạt động của các QTDND hội viên. Sau đó, các QTDND mới bắt đầu kết nối được với NHNN để thực hiện chế độ báo cáo.

Từ đó đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của các QTDND không ngừng cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện. Nhờ nâng cấp công nghệ thông tin mà báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh hàng ngày của QTDND cho NHNN đã được thực hiện, qua đó hỗ trợ kịp thời công tác quản lý, giám sát của NHNN đối với các QTDND.

Bên cạnh đó, các QTDND đã có sự kết nối với Ngân hàng Hợp tác xã để triển khai thực hiện một số sản phẩm dịch vụ, như thanh toán, chuyển tiền… Nhiều quỹ đã thực hiện được dịch vụ SMS với khách hàng thành viên để nâng cao hình ảnh, quảng bá sản phẩm và tạo tính chuyên nghiệp hơn cho các nghiệp vụ tại QTDND.

Ngoài ra, việc nâng cấp các chức năng phần mềm giúp người dùng dễ dàng sử dụng; thao tác nhanh gọn, chính xác; giảm bớt chi phí nhân công và giúp lãnh đạo QTDND quản trị tốt hơn hoạt động của đơn vị, hạn chế rủi ro, đáp ứng quy định của NHNN.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống QTDND còn có khoảng cách khá xa so với các NHTM, vì vậy các sản phẩm dịch dụ của các QTDND còn nghèo nàn, việc bảo mật thông tin còn bất cập…

Một số định hướng cho thời gian tới

Trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin cho các QTDND. Theo tinh thần đó, Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 về việc phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và Quyết định số 1173/QĐ-NHNN ngày 30/5/2019 về việc ban hành Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND đã đặt mục tiêu phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại các QTDND, nhấn mạnh vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã, Hiệp hội QTDND trong việc thực hiện chủ trương nay.

Nhưng khác với các NHTM, mô hình hoạt động của các QTDND nhỏ, không thể tự đổi mới, nâng cấp công nghệ một cách độc lập nên công việc này đều thực hiện qua một công ty tin học. Hiện nay, 1.182 quỹ đã và đang được một số công ty tin học hỗ trợ nâng cấp về công nghệ.

Việc nhiều công ty tin học tham gia cung cấp phần mềm cho hệ thống QTDND cũng có những ưu điểm là tạo sự cạnh tranh, qua đó sẽ thúc đẩy các công ty tin học tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có những bất cập nhất định trong công tác quản lý, bảo mật thông tin khách hàng…

Từ thực tế trên, nhằm giúp khắc phục các hạn chế trong công tác giám sát đối với QTDND, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như tăng quản trị rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cho các QTDND, nên chăng, đơn vị cung cấp phần mềm cho hệ thống QTDND phải chịu sự giám sát quản lý của NHNN. Trên thực tế, hiện chỉ có công ty tin học trực thuộc Hiệp hội QTDND đáp ứng được yêu cầu này.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống QTDND cần phải được triển khai từng phần và diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời gian dài.

Cũng cần phát huy vai trò của người đứng đầu tại QTDND trong triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin. Việc nhận thức và đánh giá đúng vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những yếu tố hết sức quan trọng nhằm giúp quá trình này đạt được hiệu quả cao.

Ngoài ra, cần đầu tư có trọng điểm để tạo sự đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Nguồn tài chính là yếu tố đầu tiên quyết định cho sự thành công hay thất bại của việc triển khai công nghệ thông tin, vì vậy đòi hỏi các QTDND và công ty cung ứng phần mềm phải có chiến lược tích lũy tài chính để đổi mới công nghệ.

Liên quan đến yếu tố con người, QTDND cần đào tạo về công nghệ thông tin cho cả lãnh đạo và cán bộ nhân viên tại quỹ. Đây là điều kiện để đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được ổn định và cải tiến thường xuyên.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan