Phát biểu trong Hội nghị phát động hai phong trào thi đua trọng điểm: "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng đã nhận định: “Trong bối cảnh đầy biến động, chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là mệnh lệnh thời đại và con đường sống còn để ngành ngân hàng thích ứng và phát triển bền vững”. Với mục tiêu nâng cao nhận thức và hoàn thiện kỹ năng số cho toàn hệ thống, Co-opBank chính thức triển khai chương trình “Bình dân học vụ số”, hướng đến việc xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao và văn hóa số trên toàn hệ thống.
Lấy cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào "Bình dân học vụ số" mang trong mình sứ mệnh mới: Phổ cập kỹ năng số, giúp toàn dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả, hình thành thế hệ công dân số chủ động, sáng tạo, linh hoạt. Tinh thần này được cụ thể hóa qua từng chủ trương, chính sách lớn cụ thể như: Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân Nhà nước (NHNN) về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 1938/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về việc ban hành kế hoạch ngành ngân hàng triển khai Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, Co-opBank đã ban Kế hoạch số 05/KH-NHHT về việc phát động phong trào thi đua “Bình dân học vụ số” trong toàn hệ thống Co-opBank, nhằm lan tỏa tinh thần thi đua học tập và rèn luyện kỹ năng số, kiến thức số để phục vụ công tác và nhiệm vụ được giao, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong ngành ngân hàng.
Chuyển đổi số - Chuyển đổi tư duy, nâng tầm hành động
Mục tiêu của Co-opBank hướng tới trong phong trào “Bình dân học vụ” là: Trong năm 2025, 100% cán bộ nhân viên được phổ cập các kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ cho công việc (ở cấp độ cơ bản), trong đó 50% được phổ cập các kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và sử dụng tốt được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ cho công việc (ở cấp độ nâng cao); 100% người học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, có kỹ năng an toàn trong học tập và tương tác xã hội trong môi trường số; Mỗi đơn vị có ít nhất 01 sáng kiến số để cải tiến, đổi mới quy trình công việc được Hội đồng sáng kiến Co-opBank công nhận; 100% các đơn vị đều có “Hạt nhân số” để chia sẻ kiến thức, kỹ năng số và kinh nghiệm làm việc trên môi trường số cho các đồng nghiệp trong đơn vị.
Đến năm 2026, phấn đấu đạt 100% CBNV được phổ cập các kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ cho công việc; Mỗi đơn vị có ít nhất 01 sáng kiến số để cải tiến, đổi mới quy trình công việc được Hội đồng sáng kiến Co-opBank công nhận.
Tại Hội thảo “Ngân hàng và cuộc đua chuyển đổi số” do Co-opBank phối hợp tổ chức, Viện sáng tạo và chuyển đổi số đã trao tặng sách cùng bộ khung chuyển đổi số cho Lãnh đạo Co-opBank.
Hành trình kiến tạo hệ sinh thái số toàn diện
Trong thời gian qua, Co-opBank đã tổ chức nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và CBNV đã tích cực áp dụng những kiến thức được đào tạo vào công việc. “Bình dân học vụ số” tại Co-opBank không chỉ là phát động phong trào học tập rộng khắp trong toàn hệ thống, mà còn hướng tới xây dựng một môi trường học tập chủ động, liên tục, nơi mỗi cán bộ, nhân viên có thể hàng ngày, hàng giờ học hỏi nâng cao năng lực số bằng nhiều hình thức đa phương tiện, đa nền tảng. Qua đó, từng bước hình thành tổ chức học tập hiện đại và chuẩn hóa phương thức làm việc trong môi trường số.
Theo đó, phong trào thi đua định hướng tập trung nâng cao nhận thức, phát triển tư duy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ, tinh gọn bộ máy và hiện đại hóa hoạt động. Trọng tâm là phổ cập kỹ năng số, phát triển mô hình ngân hàng số, đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và triển khai hiệu quả các mô hình “Hạt nhân số”. Đồng thời, phong trào cũng gắn kết chặt chẽ với các chương trình thi đua lớn như “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2023–2030, nhằm lan tỏa tư duy chuyển đổi số trong nội bộ và cộng đồng, tạo nền tảng phát triển bền vững cho hệ thống.
Trên hành chuyển đổi số toàn diện, Co-opBank luôn đặt khách hàng và QTDND Thành viên làm trung tâm. Với hình thức tiếp cận chủ động, sáng tạo, Co-opBank tích cực triển khai công tác truyền thông, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các nền tảng số, dịch vụ tài chính trực tuyến, tuyên truyền video cảnh báo các hành vi lừa đảo trên không gian số tới khách hàng và QTDND và thành viên. Qua đó, từng bước nâng cao hiểu biết và kỹ năng số cho cộng đồng, đặc biệt là các QTDND và thành viên, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững tại các địa phương.
Với sứ mệnh là “Ngân hàng của các QTDND”, Co-opBank tin rằng chuyển đổi số chính là bước tiến quan trọng và là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao năng lực phục vụ và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định vị thế của một ngân hàng hiện đại, đồng hành cùng QTDND trong hành trình phát triển bền vững.
Co-opBank phối hợp cùng Công ty CP Đào tạo và Phát triển Nhân tài (Talent Gene) tổ chức khóa đào tạo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)Theo Website Co-opBank.