Ngày 4/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu. Dự và chủ trì Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện cơ quan Đảng, bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh, thành phố phía Bắc, các đơn vị thuộc NHNN, một số UBND cấp xã, BHTG và các chi nhánh trực thuộc cùng một số QTDND. Về phía Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Văn Giang - Phó Tổng Giám đốc Thường trực.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhận định: Hệ thống QTDND được thành lập từ năm 1993, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống QTDND đã từng bước được mở rộng và củng cố, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hỗ trợ an sinh xã hội ở cơ sở. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển hệ thống QTDND cũng bộc lộ một số hạn chế như hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích của mô hình hợp tác xã, năng lực tài chính, quản trị điều hành còn yếu; tính liên kết hệ thống chưa chặt chẽ.
Trong bối cảnh đất nước đang cải cách thể chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính và chuyển đổi số toàn diện không chỉ tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các tổ chức kinh tế phải đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh phát triển mới của đất nước. Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết quan trọng về phát triển toàn diện kinh tế trong đó có hệ thống QTDND. Mục tiêu của Đề án là đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể, đột phá nhằm cơ cấu toàn diện hệ thống TCTD là HTX, phù hợp với yêu cầu thực hiện và định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Cùng chung nhận định bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đánh giá: Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 1.176 QTDND, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với gần 2 triệu thành viên tham gia. Tổng tài sản hệ thống đạt 191,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức rất thấp 0,68%, lợi nhuận toàn hệ thống tăng cao, phản ánh hiệu quả quản lý và sự tin tưởng ngày càng lớn của cộng đồng. Riêng Co-opBank, tổ chức đầu mối của hệ thống, hiện có tổng tài sản 60,3 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,35%, cho thấy khả năng quản trị rủi ro ngày càng được củng cố.
Đồng thời, bà Trần Kim Anh nhấn mạnh định hướng hoạt động của hệ thống QTDND trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy tinh thần “tương trợ lẫn nhau”, tập trung phục vụ các thành viên, hộ nông dân, hộ sản xuất nhỏ và các đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra Co-opBank cần thực hiện đầy đủ vai trò trung tâm: điều tiết vốn, hỗ trợ thanh khoản, kiểm soát rủi ro, cung cấp dịch vụ công nghệ và đào tạo nhân lực, đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng nông nghiệp, tín dụng phục vụ nông thôn mới. Liên kết không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ mà còn là yêu cầu chiến lược để củng cố niềm tin cộng đồng và xây dựng hệ sinh thái tài chính cộng đồng bền vững.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Giang - Phó Tổng Giám đốc Co-opBank trình bày tham luận và khẳng định rằng: Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045” là một chủ trương lớn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm cụ thể hóa các định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, với mục tiêu tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND và Co-opBank, qua đó góp phần ổn định và phát triển hệ thống tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Giang cũng nhấn mạnh vai trò của Co-opBank đối với sự phát triển của hệ thống QTDND thông qua việc điều hòa vốn, cho vay hỗ trợ đối với QTDND gặp khó khăn nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng mang ý nghĩa ngăn chặn hệ thống không đổ vỡ dây chuyền; hỗ trợ cho gần 1.000 QTDND tham gia các dịch vụ ngân hàng số do Co-opBank triển khai; hỗ trợ toàn bộ chi phí liên quan đến đào tạo, tập huấn, chuyển giao hệ thống chuyển tiền điện tử cho QTDND; tham gia kiểm tra 300 QTDND và hiện cử gần 60 cán bộ trực tiếp hỗ trợ QTDND yếu kém...
Đây là minh chứng cho vai trò không thể thay thế của Co-opBank trong việc duy trì an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND. Khẳng định vai trò của TCTD là HTX đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp kể trên, Co-opBank cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thực thi vai trò đầu mối hệ thống: Năng lực tài chính còn hạn chế, vốn điều lệ chỉ hơn 3.000 tỷ đồng không đủ năng lực tài chính để đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển công nghệ hạ tầng phục vụ cho hệ thống Co-opBank và QTDND; mạng lưới hoạt động còn mỏng, số lượng chi nhánh và PGD còn khiêm tốn; hành lang pháp lý chưa đồng bộ và thiếu sự liên kết ngang giữa các QTDND khiến mô hình hợp tác xã tài chính vốn dựa trên nguyên lý tương hỗ chưa thể hiện đúng bản chất.
Để hoàn thiện Đề án, Co-opBank đã đưa ra một số giải pháp cụ thể: Nâng cao năng lực hoạt động của Co-opBank thông qua xây dựng phương án tăng vốn điều lệ; phối hợp chặt chẽ với NHNN, các Vụ, Cục chức năng nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động của Co-opBank đối với QTDND; đề xuất NHNN nghiên cứu bổ sung quy định đối với hoạt động cho vay các QTDND được kiểm soát đặc biệt, can thiệp sớm, bị rút tiền hàng loạt và nâng cao vai trò toàn diện của Co-opBank đối với QTDND và tính liên kết hệ thống.
Trong khuôn khổ Hội thảo còn có ý kiến tham luận của Bộ Tài chính, UBND TP. Hà Nội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, NHNN Khu vực và một số QTDND… Theo đó khẳng định, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng hợp tác xã, trọng tâm là QTDND và Co-opBank không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Các đại biểu cũng tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của toàn hệ thống, chúng ta sẽ thành công trong việc cơ cấu lại hệ thống QTDND, xây dựng được một hệ thống tín dụng nhân dân minh bạch, vững mạnh, hiện đại, gắn kết cộng đồng và phát triển bền vững.
Để tiếp tục lấy ý kiến của các đơn vị Khu vực phía Nam nhằm hoàn thiện Đề án, NHNN sẽ tổ chức Hội thảo tại Thành phố Cần Thơ vào ngày 11/7/2025.
Một số hình ảnh tiêu biểu tại Hội thảo:
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì Hội thảo
Bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank tham dự Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Giang - Phó Tổng Giám đốc Co-opBank phát biểu tại Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảoTheo Website Co-opBank.