07.07.2014 10:22

Tín dụng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long: Thành tựu và hạn chế

Tín dụng chính thức dành cho Tam nông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nông hộ nơi đây - những người sản xuất ra một lượng lớn nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu trong một số điều kiện, hoàn cảnh vẫn khó tiếp cận và phải vay phi chính thức nên chưa cải thiện nhiều về thu nhập. Mục tiêu của bài viết này là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này để đề xuất giải pháp khắc phục.

Chiếm hơn 70% dân số và sản xuất ra một lượng nông sản lớn (đặc biệt là gạo, thủy sản, cà phê và hồ tiêu) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên nông hộ ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Song, thực tế cho thấy các nông hộ đang đối mặt với nhiều thách thức khó vượt qua nếu chỉ bằng nỗ lực riêng bản thân, đó là diện tích đất canh tác bị thu hẹp do sự phát triển nhanh chóng của đô thị, khu công nghiệp, công trình công ích (đường sá, hệ thống thủy lợi, cơ quan hành chính, khu vui chơi - giải trí,...), trong khi dân số lại gia tăng không ngừng. Rủi ro bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên và dịch bệnh làm cho kết quả sản xuất của nông hộ càng thêm bất ổn. Hơn nữa, nông sản mau hỏng nhưng đa số nông hộ lại thiếu phương tiện sơ chế và bảo quản đúng chuẩn nên phải bán sản phẩm ngay sau khi thu hoạch cho thương lái với giá bất lợi. Hệ quả là thu nhập của nông hộ thấp và bấp bênh.

Thu nhập thấp nên vốn tích lũy rất hạn chế, do đó nông hộ cần được cung ứng vốn kịp thời để hiện đại hóa sản xuất, giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa nguồn thu nhập nhằm đảm bảo đời sống và đóng góp ngày một nhiều cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thiếu vốn nhưng một số trường hợp khó tiếp cận tín dụng chính thức nên còn phải vay phi chính thức là hiện tượng được ghi nhận từ các nông hộ ở ĐBSCL và cũng là một yếu tố khiến cho sản xuất nông nghiệp nơi đây chưa phát triển nhanh và đời sống của người dân nông thôn chưa được cải thiện nhiều. Thực tế trên đặt ra yêu cầu là phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này để có giải pháp khắc phục nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên vốn của nền kinh tế. Nhận thức vấn đề trên, bài viết này được hình thành nhằm mục tiêu đó, với trọng tâm là nông thôn ĐBSCL - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

1. Chính sách tín dụng nông thôn ở nước ta

Thị trường tín dụng nói chung và tín dụng nông thôn nói riêng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các chính sách của Chính phủ do chính sách ảnh hưởng đến rủi ro, lãi suất và chi phí giao dịch của cả người cho vay (tổ chức tín dụng) lẫn người vay. Do đó, để đánh giá đúng thực trạng hoạt động của thị trường này, trước tiên cần đi sâu tìm hiểu chính sách tín dụng nông thôn của Chính phủ.

Nói chung, chính sách phát triển hệ thống tín dụng nông thôn có hai mục tiêu cơ bản. Một là hình thành cơ chế thích hợp để khích lệ các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay nông hộ với lãi suất thị trường. Hai là tạo điều kiện thuận tiện cho nông hộ tiếp cận nguồn tín dụng chính thức để không còn bị lệ thuộc vào tín dụng phi chính thức thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, minh bạch hóa thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch và bảo hiểm rủi ro cho người vay (nhất là các rủi ro bất khả kháng thường gặp trong sản xuất nông nghiệp).

Trong thời gian qua, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông) ở nước ta liên tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng mạng lưới TCTD nông thôn, tăng lượng vốn cho vay với kỳ hạn, lượng tiền cho vay linh hoạt và đa dạng hóa đối tượng vay. Cụ thể, có thể kể đến các chính sách sau mà Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện.

(i) Quyết định 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999 và Quyết định 148/1999/QĐ-TTg ngày 7/7/1999 của Chính phủ cho phép các hộ sản xuất nông, lâm, ngư và diêm nghiệp vay đến 10 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản. Sau đó, Nghị quyết 11/2000/NQ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ cho phép các hộ làm kinh tế trang trại được vay 20 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản.

(ii) Nghị định 41/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 41) ngày 12/4/2010 cho phép các TCTD cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với hộ gia đình tối đa lên đến 50 triệu đồng, đối với hộ sản xuất - kinh doanh tối đa 200 triệu đồng và đối với hợp tác xã, trang trại tối đa 500 triệu đồng. Trường hợp khách hàng vay chưa trả nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh,...), TCTD được phép cơ cấu lại nợ, xem xét cho vay mới mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, TCTD được khoanh nợ và không tính lãi người vay, với thời gian khoanh nợ tối đa là hai năm.

(iii) Để giúp nông hộ giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, Chính phủ ban hành Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về Hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 sửa đổi và bổ sung Quyết định 63. Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65/2011/TT-BTC ngày 16/5/2011 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 và Thông tư 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6/2012 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản.

Theo Quyết định 63, các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được hỗ trợ lãi suất vay đối với các khoản vay dài hạn, được áp dụng lãi suất đầu tư phát triển và được hỗ trợ về khoa học - công nghệ. Đặc biệt, nông hộ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba. Để được hưởng các ưu đãi đó, nông hộ phải mua máy móc có tỷ lệ nội địa hóa ≥ 60% từ các doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ định. Mặc dù Quyết định 63 được ban hành nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng cho các đối tượng trên, nhưng ràng buộc này làm hạn chế động cơ vay vốn của người có nhu cầu, bởi máy nội địa chất lượng thấp, hao tốn nhiên liệu, dễ hỏng, khó phục hồi và tuổi thọ ngắn, trong khi máy nhập ngoại tuy đắt nhưng chất lượng tốt, tiện dụng và hiệu suất cao.

(iv) NHNN còn nới lỏng chính sách tiền tệ để khích lệ các TCTD đẩy mạnh cho vay tam nông. Cụ thể, NHNN cho phép NHTMCP Phát triển Mêkông (MDB), NHTMCP Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB), NH NNo&PTNT (Agribank), NHTMCP Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng Hợp tác được áp dụng mức trích tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ 2/2012 đến 7/2012) theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 1 của Thông tư 20/2010/TT-NHNN ngày 29/9/2010. Theo đó, các TCTD có dư nợ cho vay tam nông trên tổng dư nợ vào cuối các quý trong năm tài khóa liền kề từ 40 - 70% thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam chỉ bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.

(v) Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua cùng với chủ trương khuyến khích các TCTD cho vay lãi suất thấp đối với tam nông. Gần đây, theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 về Tín dụng đối với hộ cận nghèo (có hiệu lực từ 16/4/2013), lãi suất cho vay hộ cận nghèo bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo trong cùng thời kỳ và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay hộ nghèo năm 2012 là 7,8%/năm, do đó lãi suất cho vay hộ cận nghèo sẽ là 10,14%/năm.

Kỳ hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và hộ cận nghèo thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất và năng lực trả nợ của khách hàng. Cụ thể, các khoản cho vay trồng cây ngắn ngày, nuôi gia cầm và thủy sản sẽ có kỳ hạn một năm; các khoản cho vay nuôi đại gia súc và trồng cây lâu năm thì kỳ hạn cho vay là 5 - 7 năm. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ cận nghèo giống như hộ nghèo. NHCSXH xây dựng kế hoạch nguồn vốn hàng năm để cho vay các chương trình tín dụng chính sách (trong đó có cho vay hộ cận nghèo) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quyết định này đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nông hộ, qua đó giúp hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất nhằm thoát nghèo bền vững.

Nhìn chung, chính sách tín dụng nông thôn ở nước ta chú trọng hình thành cơ chế ưu đãi cho nông hộ (về bố trí nguồn vốn, kỳ hạn, lượng tiền cho vay, lãi suất,...) nên đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhiều TCTD có tỷ trọng cho vay tam nông trong tổng dư nợ ở mức cao, như Agribank, MHB, Quỹ TDNDTƯ, MDB... Mặc dù vậy, nguồn vốn tín dụng chính thức dành cho tam nông vẫn khá hạn chế so với các lĩnh vực khác nên một số nông hộ vẫn còn phải tiếp tục vay tín dụng phi chính thức (Bảng 1). Có nhiều cách lý giải cho hiện tượng này.

Tín dụng ưu đãi làm nảy sinh tâm lý muốn nhận được ngày càng nhiều hỗ trợ từ Chính phủ và xem “của vay là của được” nên một số nông hộ thiếu trách nhiệm trả nợ hay sử dụng vốn sai mục đích. Hầu hết nông hộ không đủ năng lực lập dự án, phương án sản xuất và trả nợ theo yêu cầu của các TCTD bởi không chủ động được đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, nông hộ thiếu hệ thống sổ sách ghi chép các khoản chi phí và thu nhập phát sinh nên các TCTD không thể theo dõi kết quả sản xuất - kinh doanh của nông hộ, do đó sẽ rất ngần ngại cho vay (đặc biệt là tín chấp).

Ngoại trừ NHCSXH, hầu hết các TCTD đều yêu cầu thế chấp tài sản nên nông hộ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thức do phần đông sở hữu diện tích đất nhỏ và không tiện đường giao thông nên giá trị thấp. Để khuyến khích các TCTD cho vay tín chấp, cần phối hợp nhiều ngành hữu quan (dưới sự điều tiết của Chính phủ) để hỗ trợ nông hộ từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng cường khả năng trả nợ cho nông hộ và giảm thiểu rủi ro cho các TCTD.

Hiệu quả thực sự của chính sách tín dụng ưu đãi phụ thuộc vào tính minh bạch và sự công tâm trong việc xem xét hồ sơ xin vay ưu đãi cũng như bảo lãnh đối với nông hộ. Do không tuân theo nguyên tắc thị trường nên việc xem xét chấp nhận bảo lãnh và cho vay ưu đãi có thể sinh ra lệch lạc (thậm chí tiêu cực), khiến cho các chính sách trên mặc dù rất đúng đắn nhưng dễ bị bóp méo, tạo cơ hội cho (nhóm) người có quyền nhưng biến chất thực hiện hành vi nhũng nhiễu (thậm chí đòi hối lộ). Điều đó làm cho nông hộ - những người thực sự cần vốn để phát triển sản xuất - khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Các nghiên cứu (như Chaudhuri & Dastidar, 2011) và thực tiễn ở nhiều nước luôn nhấn mạnh quan điểm nhất quán tuân thủ nguyên tắc thị trường, minh bạch hóa thông tin (nhất là thông tin về tín dụng ưu đãi) và triệt để chống tham nhũng để chính sách tín dụng ưu đãi trở nên thiết thực hơn đối với nông hộ.

2. Tín dụng chính thức

Các TCTD chính thức ở nông thôn ĐBSCL bao gồm các NHTM nhà nước, cổ phần, NHCSXH, Quỹ TDND và hợp tác xã tín dụng. Phần lớn các TCTD đều đã hình thành mạng lưới chi nhánh khắp các tỉnh, thành phố trong Vùng. Riêng bốn NHTM nhà nước, MHB, NHCSXH và Quỹ TDND đã phát triển hệ thống chi nhánh từ tỉnh đến huyện, xã nên đã làm khá tốt vai trò trung gian tài chính ở nông thôn bằng việc đa dạng hóa hình thức huy động vốn, cho vay và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Các TCTD triển khai nhiều chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn ĐBSCL, như cho vay xây nhà vượt lũ, đánh bắt xa bờ, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản, bảo quản sau thu hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển mạng lưới an sinh xã hội.

Bên cạnh vai trò chủ lực Ngân hàng NN&PTNT, các TCTD khác như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, MDB và MHB cũng chú trọng cho vay tam nông. Tuy nhiên, dư nợ lĩnh vực này của các ngân hàng nói trên chưa đến 10% tổng dư nợ - một con số khá khiêm tốn, cho thấy sự ngần ngại của các TCTD trong cho vay nông hộ và tạo ra dư địa cho tín dụng phi chính thức. Thật vậy, tỷ lệ nông hộ vay tín dụng phi chính thức vẫn còn đáng kể theo ghi nhận của các nghiên cứu (Bảng 1). Thực tế trên có nhiều nguyên nhân.

Mặc dù mở rộng mạng lưới hoạt động xuống tận cơ sở nhưng các TCTD nói chung vẫn còn xa cách nông hộ nên không đủ thông tin để phân biệt giữa nông hộ rủi ro và an toàn. Nông hộ là người trực tiếp thực hiện hoạt động sản xuất trong điều kiện không chắc chắn (về kết quả thu hoạch và giá sản phẩm) nên hiểu rõ hơn TCTD về rủi ro mà bản thân gặp phải. Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp bắt nguồn từ việc thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường rất khó dự báo trong khi năng lực kiểm soát rủi ro của nông hộ là yếu tố nội tại chỉ bản thân nông hộ mới tường tận. Điều đó làm xuất hiện hiện tượng thông tin bất đối xứng giữa TCTD và nông hộ.

Với sự hiện diện của thông tin bất đối xứng, TCTD không thể ước lượng chính xác mức độ rủi ro của riêng từng nông hộ nên chỉ có thể ấn định lãi suất đồng đều cho tất cả. Nếu lãi suất áp dụng đồng đều thì nông hộ rủi ro cao (như nuôi tôm chẳng hạn) sẽ có xu hướng đi vay bởi lãi suất sẽ rẻ nếu điều chỉnh theo mức độ rủi ro. Ngược lại, các nông hộ an toàn (như chỉ trồng lúa) sẽ đắn đo khi vay bởi lãi suất cao. Khi chỉ nông hộ rủi ro cao vay thì rủi ro của các TCTD cũng sẽ tăng, khiến TCTD phải tăng lãi suất. Lãi suất tăng càng khuyến khích các nông hộ rủi ro cao đi vay, trong khi nông hộ rủi ro thấp hơn sẽ hạn chế tham gia thị trường. Hệ quả là tập hợp khách hàng có rủi ro ngày một cao nên hiệu quả kinh doanh của TCTD sẽ thấp. Đây được gọi là hiện tượng lựa chọn sai lầm.

Lựa chọn sai lầm không phải là nguyên nhân duy nhất của sự kém phát triển của thị trường tín dụng nông thôn nói riêng và thị trường tín dụng nói chung. Một nguyên nhân khác (cũng là hệ quả của thông tin bất đối xứng) đó là động cơ lệch lạc. Động cơ lệch lạc xuất hiện sau khi nông hộ vay rồi thay đổi hành vi để làm tăng lợi nhuận bằng cách thực hiện các hoạt động rủi ro hơn (do thường đi kèm với khả năng sinh lợi cao hơn) bởi, với sự hiện diện của thông tin bất đối xứng và chi phí giao dịch, các TCTD không thể hay rất tốn kém để theo dõi sát sao hành vi của nông hộ nhằm điều chỉnh hay cưỡng chế kịp thời.

Hai lý do trên khiến các TCTD chỉ tăng lãi suất khi khoản lợi nhuận tăng do lãi suất tăng vẫn còn lớn hơn khoản lợi nhuận giảm do ảnh hưởng của chọn lựa sai lầm và động cơ lệch lạc và sau đó không cho vay thêm (hạn chế tín dụng) nên nhiều nông hộ (nhất là các nông hộ rủi ro cao) không thể vay được. Thật vậy, theo Ninh & Ánh (2012), các nông hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu luôn muốn vay tín dụng chính thức nhưng thường bị từ chối (kể cả khi chấp nhận thế chấp tài sản) bởi quá rủi ro nên có đến 70,6% số nông hộ được khảo sát ở đây phải vay phi chính thức. Phan & cộng sự (2013) cũng ghi nhận trường hợp tương tự.

Để tránh phải hạn chế tín dụng, các TCTD cần tìm cách giảm thiểu rủi ro, nhưng điều này khá khó khăn vì chi phí chọn lọc, kiểm soát và cưỡng chế khách hàng rất cao bởi các nông hộ thường vay khoản nhỏ, phân bố rải rác trên địa bàn nông thôn rộng lớn và rất khác biệt trên nhiều phương diện. Để giảm thiểu rủi ro, các TCTD còn yêu cầu nông hộ thế chấp tài sản.

Đối với các ngành nghề nhiều rủi ro (đặc biệt là nuôi tôm), yêu cầu thế chấp càng nghiêm ngặt, bởi đây là phương cách cuối cùng và hữu hiệu nhất để ràng buộc trách nhiệm của người vay và giảm thiểu (chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn) rủi ro cho các TCTD. Giá trị tài sản thế chấp (chủ yếu là đất) phụ thuộc vào khả năng sinh lợi của chính nó (yếu tố phụ thuộc vào thị trường đầu ra của sản phẩm) và thị trường bất động sản. Ở nước ta, do thị trường bất động sản kém phát triển, thiếu minh bạch nên đất thường được định giá ảo, gây ra rủi ro cho các TCTD. Nếu khắc phục được khó khăn đó thì nông hộ vẫn khó vay do việc cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất chậm, trong khi TCTD luôn yêu cầu nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi xét duyệt cho vay.

Do hạn chế về khả năng kiểm soát và cưỡng chế người vay nên hoạt động cho vay của các TCTD mới chỉ tập trung vào tín dụng ngắn hạn, chủ yếu là tài trợ cho các hoạt động dễ kiểm soát, rủi ro thấp và lợi nhuận cao (như thu mua lương thực, đặc biệt là theo chính sách mua lúa gạo tạm trữ của Chính phủ, nhập khẩu phân bón hay nông dược), chưa phù hợp với đặc điểm mùa vụ và đối tượng cây trồng, vật nuôi nên tín dụng chính thức chưa thật sự hữu ích đối với nông hộ trên phương diện phát triển sản xuất. Các hộ nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm và cây ăn quả cần lượng vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài nên khó vay được vốn, bởi các TCTD yêu cầu phải có vốn đối ứng. Chi phí tác nghiệp trong cho vay ở nông thôn cao. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hay gặp rủi ro bất khả kháng, do đó mức trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay tín chấp (như theo Nghị định 41) sẽ tăng theo trong khi cơ hội thu hồi nợ thấp.

Cho vay nông hộ đòi hỏi nhiều cán bộ tín dụng phải quản lý, kiểm soát một lượng lớn khách hàng nên vượt quá khả năng, trong khi kiến thức về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, các định mức kinh tế - kỹ thuật,... còn hạn chế bởi không được đào tạo ở trường và các TCTD lại khá biệt lập với nông thôn (chỉ có phòng giao dịch đến thị trấn hay thị tứ) nên cán bộ tín dụng khó tiếp cận thực tế. Cuối cùng, dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng nông nghiệp chưa phát triển để hỗ trợ cho sản phẩm tín dụng truyền thống (Ninh, 2013). Do đó, rủi ro trong cho vay ở khu vực nông thôn còn rất cao nên các TCTD ngần ngại mở rộng cho vay ở đây.

Do các hạn chế trên nên TCTD chưa là nguồn vốn đáng tin cậy cho nông hộ ở ĐBSCL. Thật vậy, mặc dù các nghị quyết về tam nông và Nghị định 41 được ban hành khá sớm (2010) nhưng các TCTD vẫn không mặn mà với khu vực này. Do đó, đầu năm 2013, NHNN đã yêu cầu các Ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank và MHB đẩy mạnh cho vay tam nông. Theo đó, khách hàng có phương án sản xuất - kinh doanh khả thi sẽ được vay với mức lãi suất tối đa 11%/năm, mà không phụ thuộc vào việc có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại.

3. Tín dụng bán chính thức

Hệ thống tín dụng bán chính thức ở nông thôn ĐBSCL bao gồm các tổ chức chính trị, xã hội hay nghề nghiệp, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Làm vườn, Hội Sinh vật cảnh,... Ở một số nơi, các hội tương trợ tự nguyện cũng tham gia phân phối tín dụng bán chính thức. Hoạt động của các TCTD bán chính thức phải tuân thủ pháp luật nhưng không chịu sự giám sát trực tiếp của NHNN.

Ưu điểm của tín dụng bán chính thức là tập trung vào các nông hộ nghèo, thiếu đất canh tác với điều kiện cho vay dễ dàng và lãi suất thấp. Các TCTD bán chính thức hiểu rõ người vay nên có thể chọn lọc đúng đối tượng và áp dụng cơ chế cưỡng chế trả nợ một cách linh hoạt và hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các TCTD bán chính thức chỉ làm trung gian phân phối vốn cho các dự án tín dụng của Chính phủ, các nhà tài trợ hay các TCTD chính thức ở một mức độ hạn chế thông qua mạng lưới thành viên. Vì vậy, lượng vốn tài trợ từ tín dụng bán chính thức chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với nông hộ.

4. Tín dụng phi chính thức

Tín dụng phi chính thức được cung ứng bởi các cá nhân hoạt động không tuân theo luật định. Tranh chấp trong các giao dịch tín dụng phi chính thức không được giải quyết theo luật. Tín dụng phi chính thức bám rễ sâu ở các cộng đồng bởi có thể xử lý gần như hoàn hảo các vấn đề mà các TCTD chính thức không làm được (như thông tin bất đối xứng và chi phí giao dịch) nên có thể tiếp cận các nông hộ bị tín dụng chính thức từ chối. Nguồn tín dụng phi chính thức xuất phát từ người cho vay chuyên nghiệp, đại lý vật tư nông nghiệp (mua chịu) và chơi hụi (hội).

Người cho vay phi chính thức. ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhưng nhu cầu vốn của nông hộ ở đây được các TCTD đáp ứng một cách rất hạn chế, tạo ra dư địa cho những người cho vay phi chính thức. Người cho vay phi chính thức ở nông thôn ĐBSCL nhạy bén và linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất và các chi tiêu đột xuất, cấp bách của nông hộ. Tín dụng phi chính thức tồn tại và phát triển ở nông thôn do cả người vay lẫn người cho vay đều nhận được lợi ích (kỳ vọng) trong giao dịch (cung cầu gặp nhau), khác với tín dụng chính thức, ở đó nông hộ có lợi khi vay nhưng TCTD lại không nhận được nhiều lợi ích khi cho vay (cung cầu không gặp nhau).

Do đặc điểm về sản xuất, thu nhập, rủi ro,... nên nông hộ không thể luôn trả nợ đúng hạn. Để tránh việc không được vay tiếp từ các TCTD nên các nông hộ phải vay phi chính thức (với kỳ hạn ngắn hay rất ngắn) để trả nợ cho các TCTD. Hiện tượng này càng trở nên phổ biến đối với các nông hộ ở các ngành sản xuất rủi ro (như nuôi tôm chẳng hạn) và ở những nơi có thị trường tín dụng chính thức kém phát triển. Điều đó cũng lý giải vì sao các hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu lệ thuộc rất nặng nề vào tín dụng phi chính thức.

Mua chịu vật tư nông nghiệp. Khi cần vốn để sản xuất, nhiều nông hộ không thể vay tín dụng chính thức do không đủ uy tín hay thiếu tài sản thế chấp. Khi đó, các nông hộ muốn vay tín dụng phi chính thức bởi tính tiện lợi của nó nhưng lại e ngại lãi suất cao nên không trả được nợ và rơi vào vòng xoáy nợ nần. Trong hoàn cảnh đó, mua chịu (trả chậm) vật tư nông nghiệp được xem là một hình thức thay thế tiện lợi nên nhiều nông hộ sử dụng.

Ưu điểm của mua chịu là cho phép nông hộ có ngay vật tư để dùng vào sản xuất mà không phải mất thời gian tìm nguồn vay tiền rồi mới tìm nơi mua vật tư, không tốn chi phí giao dịch để vay tiền, không phải thế chấp tài sản và nhất là có thể kiểm chứng chất lượng hàng hóa trước khi trả tiền mua. Như vậy, mua chịu sẽ làm tăng lợi ích cho nông hộ, đặc biệt là các nông hộ thiếu tài sản thế chấp nên không thể vay tín dụng chính thức hay các nông hộ sinh sống ở những vùng nông thôn xa xôi bị các TCTD bỏ ngỏ.

Xét trên phương diện quản trị rủi ro tín dụng, người bán chịu có ưu thế hơn hẳn các TCTD do, thông qua giao dịch hàng hóa, người bán sẽ thu thập được nhiều thông tin hữu ích về người mua (cũng là người vay) mà các TCTD khó có thể có được hay phải tốn nhiều chi phí để thu thập (Burkart & Ellingsen, 2004). Chẳng hạn, người bán chịu vật tư biết chắc là sau khi giao dịch được thực hiện, người mua sẽ có ngay số vật tư cần thiết để sử dụng cho sản xuất nên khoản cho vay gần như chắc chắn được sử dụng đúng mục đích. Trong khi đó, để biết người vay có sử dụng tiền vay đúng mục đích hay không, các TCTD phải tốn chi phí và thời gian để xác minh, mà việc này lại không dễ dàng do ảnh hưởng của hiện tượng thông tin bất đối xứng và chi phí giao dịch cao bởi địa bàn nông thôn rộng lớn, đi lại khó khăn mà người vay lại sống phân tán.

Ưu thế của người bán chịu bắt nguồn từ sự khác biệt về bản chất giữa tiền mặt và hàng hóa (vật tư nông nghiệp). Tiền mặt có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong khi vật tư nông nghiệp chỉ có thể được sử dụng vào mục tiêu sản xuất như đã dự định, khó bán lấy tiền để chi xài cho việc khác hay chỉ có thể bán với giá rẻ nên người mua sẽ ưu tiên sử dụng nó vào sản xuất để sinh lợi nhiều hơn. Do đó, sẽ ít xảy ra hiện tượng sử dụng vật tư sai mục đích và rủi ro người bán không thu hồi được nợ sẽ được giảm thiểu. Hơn nữa, ngay khi người mua có dấu hiệu lệch lạc hay không thể trả nợ, người bán có thể lập tức thu hồi số vật tư đã bán để bán lại cho người khác. Ngược lại, các TCTD khó làm được điều đó bởi không có chức năng cũng như kỹ năng kinh doanh hàng hóa (vật tư nông nghiệp) để chuyển đổi số vật tư mà người vay đã mua thành tiền mặt nhằm thu hồi vốn.

Hụi (hội). Hụi là loại hình tín dụng tập hợp một nhóm người họp mặt định kỳ để góp một số tiền nhất định vào quỹ chung nhằm phân phối cho từng thành viên trong nhóm mỗi người một lần. Nguyên tắc phân phối số tiền góp chung có thể là thỏa thuận, ngẫu nhiên (bằng bốc thăm) hay đấu thầu.

Ưu điểm của hụi là cho phép sử dụng ngay tiền tiết kiệm của người này để tài trợ cho người khác mà không phải chờ đến khi tự tích lũy đủ tiền, qua đó làm tăng lợi ích cho những người tham gia và giảm lãng phí do tiền tiết kiệm không được sử dụng nhanh chóng (Besley & cộng sự, 1993). Bên cạnh đó, các dây hụi có thể được thiết lập nhanh chóng giữa hàng xóm, người thân, đồng nghiệp,... nên rất thuận lợi, do đó thu hút các nông hộ tham gia.

5. Kết luận

Bài viết cho thấy, do khả năng tự tích lũy thấp nên nông hộ ở ĐBSCL rất cần vay tín dụng chính thức với quy mô lớn. Để mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ, Chính phủ đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, các chính sách này chưa phát huy tác dụng như mong đợi do làm tăng rủi ro cho các TCTD.

Các TCTD chính thức đã xây dựng hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp ĐBSCL nên đã thực hiện khá tốt vai trò cung ứng vốn hỗ trợ cho sản xuất của nông hộ ở đây. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi thông tin bất đối xứng, chi phí giao dịch và rủi ro nên các TCTD chỉ cung cấp một lượng vốn hạn chế cho các nông hộ và bỏ ngỏ một phần thị trường tín dụng nông thôn - đặc biệt là ở những vùng xa xôi - cho tín dụng phi chính thức vận hành bởi những người cho vay phi chính thức, các đại lý vật tư nông nghiệp (mua bán chịu) và các đầu nậu hụi (hội). Tín dụng phi chính thức, nhờ vào ưu thế là ở ngay cạnh nông hộ nên thông tin đầy đủ, chi phí giao dịch thấp và rất linh hoạt nên đã thu hút khá đông nông hộ tham gia. Mặc dù một số loại hình của tín dụng phi chính thức (như hụi) tiềm ẩn những rủi ro nhất định nhưng vì tính tiện lợi và hữu ích của nó nên người tham gia vô tình bỏ qua mặc dù các cơ quan quản lý cũng như các nhà nghiên cứu đã cảnh báo.

Giải pháp để tăng cường vốn tín dụng chính thức cho sản xuất của nông hộ là: (i) Chính phủ cần kiểm soát giá cả, phát triển thị trường hàng hóa và hệ thống kết cấu hạ tầng; (ii) các TCTD cần tìm tòi các sáng kiến trong cho vay để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng thông tin bất đối xứng và chi phí giao dịch; và (iii) các nông hộ cần liên kết trong sản xuất.
Mặc dù hụi đã được chính thức hóa nhưng những người tham gia hụi (thường là các cá nhân) ít khi giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan pháp luật.

PGS.,TS. Lê Khương Ninh

Các tin liên quan