24.07.2014 15:38

Giải bài toán lãi suất

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm 2014 chính là áp lực trong việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng. Liệu việc giảm lãi suất có kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) hay việc đẩy mạnh cho vay lại để lại hệ lụy về nợ xấu ngày càng lớn lên?

Lãi suất cho vay vốn được dự báo sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2014 của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), công bố, trên 70% TCTD cùng khẳng định hoặc dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên hoặc giảm nhẹ mức giá bình quân sản phẩm dịch vụ trong quý III và cả năm 2014.

Chạy đua với thời gian

Cũng theo báo cáo, 88% các TCTD tin rằng xu hướng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. Trên 70% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều giảm với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng 1,24%/năm và 1,43%/năm (tính chung cả năm 2014 so với năm 2013)...


Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% trong năm 2014 chính là áp lực trong việc giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng

Cùng quan điểm trên, báo cáo 6 tháng đầu năm của CTCK Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra nhận định với kỳ vọng lạm phát 2014 ở mức thấp 4,6 - 4,7%, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt nhưng tín dụng tăng trưởng thấp, đặc biệt là tín dụng bằng VND, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng cuối năm được dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định và có chiều hướng giảm nhẹ với mức giảm khoảng 0,5%/năm.

“Nếu lãi suất huy động, đầu vào của các ngân hàng được điều chỉnh giảm thì nhiều khả năng, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo sau đó khoảng vài tháng”, VCBS phân tích.

Việc giảm lãi suất để kích cầu cũng được nhiều ngân hàng thừa nhận. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết áp lực đẩy mạnh cho vay ra đối với ngân hàng rất lớn, bởi nó tác động tới lợi nhuận của ngân hàng, do vậy, nhiều ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất khủng.

Giới chuyên gia cũng cho rằng đến cuối tháng 6 mà tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 3,52% so với cuối năm 2013, trong khi mục tiêu đề ra là 12 - 14%, thì đây là áp lực lớn với ngành ngân hàng trong nửa năm còn lại.

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, NHNN đưa ra giải pháp là cho phép nhiều ngân hàng được cho vay vượt mức quota NHNN cấp và khuyến khích các TCTD giảm lãi suất cũng như tạo điều kiện cho DN vay vốn theo hình thức tín chấp, vay bằng ngoại tệ...

Tuy nhiên, câu chuyện giảm lãi suất trong điều kiện kinh tế hiện nay lại không phải là động lực thúc đẩy nhanh tín dụng ra nền kinh tế nhưng việc đẩy nhanh tín dụng ra nền kinh tế một cách hiệu quả.

Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vẫn sẽ rất khó khăn do rào cản chính của điều này không phải đến từ việc lãi suất chưa ở mức hợp lý mà chủ yếu vì quá trình giải quyết nợ xấu chưa có nhiều tiến triển và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lòng tin của khu vực tư nhân, còn yếu.

Lãi suất sẽ giảm tiếp?

Lãnh đạo một ngân hàng cũng cho rằng thật ra dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới gần như không có, bởi lãi suất đã giảm xuống mức hợp lý. Do vậy, NHNN nên điều hành lãi suất theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, thay vì ép lãi suất giảm tiếp. Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Chính phủ và NHNN nên tập trung vào các chính sách kích cầu.

"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy mức lãi suất huy động và cho vay đang ở mức hợp lý. Người gửi tiền thấy hài lòng với mức lãi suất huy động tiết kiệm. Còn phía DN không kêu ca phàn nàn về lãi suất cho vay. Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các mô hình tín dụng mới, chuỗi liên kết bảo đảm chu trình luân chuyển dòng vốn, bảo đảm an toàn tín dụng liên kết, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN...", ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết.

Cùng quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng cho rằng câu chuyện tăng trưởng tín dụng không phải chỉ dựa vào quyết tâm của ngành ngân hàng mà ở cả một hệ thống bao gồm các bộ ngành khác nhằm giúp thị trường tháo gỡ vướng mắc về nợ xấu, tài sản đảm bảo, sức cầu của nền kinh tế, nợ đọng của ngân sách... Tăng trưởng tín dụng phải nói lên được tiếng nói tự thân của nền kinh tế chứ không phải là cuộc “chạy marathon”.

Bởi vậy, theo vị này, lãi suất giảm ở mức nào để cho người gửi tiền cũng thấy hài lòng và người đi vay cũng thấy hợp lý là được, chứ không phải cố gồng lên. Còn các ngân hàng thương mại cũng nên cẩn trọng với việc cho vay, tăng trưởng tín dụng cao thì lợi nhuận cao đấy, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì tăng trưởng tín dụng không còn là mục tiêu cố phải đạt mà quan trọng hơn vẫn là duy trì sự ổn định về năng lực tài chính.

Nếu vẫn giữ quan điểm “độc canh tín dụng”, có nghĩa, 1 đồng đổ ra nền kinh tế thì tạo ra 1 đồng GDP như hiện nay, thì chất lượng tín dụng khó mà tăng được. Ngành Ngân hàng cần phải tính đến kiểu hoạt động cho vay đầu tư vào lĩnh vực có hiệu quả cao hơn là đầu tư tín dụng, ví như công nghệ chẳng hạn, thì nền kinh tế mới bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Còn hệ thống Ngân hàng cũng từ đó mà bớt áp lực nợ xấu, áp lực tăng trưởng tín dụng mỗi khi đến kỳ tổng kết cuối năm. Có nghĩa, ngành ngân hàng hết “luẩn quẩn” với bài toán tăng trưởng tín dụng như hiện nay và tập trung vào củng cố phát triển năng lực của chính mình, giải quyết nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị ngân hàng.

“Khi đó, bài toán lãi suất cũng sẽ không theo kiểu “đong đếm” như hiện nay mà sẽ chủ động lên xuống theo cung cầu, năng lực hấp thụ của thị trường”, vị này bình luận.

Huệ Lan/Thời báo kinh doanh

Các tin liên quan