Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đối tượng phục vụ chính của Ngân hàng Hợp tác xã (NHHT) Chi nhánh Vĩnh Phúc là các QTDND giảm nhu cầu vay vốn do khó mở rộng cho vay được thành viên. Khối khách hàng ngoài hệ thống là doanh nghiệp, cá nhân cũng có nhu cầu vốn không cao khi khó khăn cận kề và sự thận trọng trong mở rộng sản xuất kinh doanh.
Song nhìn lại cả năm 2020, NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc vẫn tròn vai là đầu mối của hệ thống QTDND, giúp thành viên đảm bảo thanh khoản, mở rộng tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, sự chủ động của Chi nhánh trong việc tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay cá nhân; phục vụ đời sống đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ giáo viên các trường học, đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn và thách thức.
Tiếp sức phát triển hệ thống QTDND
Giám đốc NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc, bà Lê Hoàng Hạnh cho biết, để có thể chủ động cung ứng vốn cho hệ thống QTDND và các thành phần kinh tế trên địa bàn trong những năm qua cũng như năm 2020, Chi nhánh luôn coi công tác huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt trong quá trình hoạt động và phát triển. Tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn đạt 1.004,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2019. Tổng vốn huy động đạt 863,4 tỷ đồng, tăng 48,6% so với năm 2019. Tiền gửi tiết kiệm dân cư và tổ chức kinh tế đạt 148,3 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm 2019. Đáng nói là tiền gửi điều hòa của các QTDND tăng 61,2% so với năm 2019, đạt 715,1 tỷ đồng. Điều này cũng phần nào cho thấy bức tranh khó khăn của các QTDND trong mở rộng tín dụng và xu hướng người dân giảm nhu cầu đầu tư sản xuất và hướng vào kênh tiền gửi để tìm kiếm lợi nhuận và chờ cơ hội mới. QTDND thừa vốn dẫn tới cho vay của Chi nhánh NHHT đối với các QTDND giảm 62,7% so với năm 2019, chỉ còn 55,350 tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại trụ sở NHHT Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc
Chi nhánh đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ làm đầu mối cho các QTDND trên địa bàn. Đặc biệt là công tác điều hòa vốn, công tác thanh toán trong hệ thống, hỗ trợ vốn chi trả tiền gửi kịp thời cho các QTDND khi gặp khó khăn tạm thời về khả năng chi trả. Đồng thời, Chi nhánh đã thường xuyên thực hiện các quy định về kiểm tra sử dụng vốn vay, giám sát các chỉ tiêu đối với các QTDND theo quy định. Từ đó giúp tư vấn, hỗ trợ QTDND hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.
Vai trò ngân hàng của hệ thống tiếp tục được lan tỏa với việc đào tạo và hướng dẫn tham gia dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng điện tử CF-eBank cho các QTDND. Hiện đã có 16 QTDND được tham gia tập huấn, trong đó 9 QTDND tham gia dịch vụ chuyển tiền điện tử, thu hộ, chi hộ cho các thành viên thông qua CF-eBank của NHHT Việt Nam. Ngoài ra, các quỹ còn được cấp hạn mức thấu chi để việc chuyển tiền thuận lợi hơn.
Trong những năm qua, Chi nhánh cũng đã thực hiện hỗ trợ về kỹ thuật và nghiệp vụ xử lý lệnh chuyển tiền đi, chuyển tiền đến của các QTDND nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Tính trong năm 2020, NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc đã xử lý 1.976 lệnh chuyển tiền đi với doanh số 16,8 tỷ đồng và 917 lệnh chuyển tiền đến với doanh số 32,7 tỷ đồng cho các QTDND. Dịch vụ chuyển tiền điện tử đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của các QTDND, giúp tăng thu nhập cho các QTDND trên địa bàn, tạo điều kiện cho thành viên của các QTDND được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Năm 2020 cũng ghi dấu năm đầu tiên NHHT Việt Nam làm đầu mối in ấn và cung cấp thẻ tiết kiệm trắng cho QTDND. Tại Vĩnh Phúc, Chi nhánh đã thực hiện tốt công tác nhận và bàn giao thẻ tiết kiệm trắng kịp thời, đầy đủ về số lượng cho các QTDND. Trong năm 2020, Chi nhánh đã bàn giao 67.000 thẻ tiết kiệm trắng cho các QTDND. Năm 2021, Chi nhánh tiếp tục tổng hợp nhu cầu sử dụng thẻ tiết kiệm của các QTDND để in và bàn giao kịp thời về cho các QTDND.
Không chỉ cung ứng các dịch vụ truyền thống, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tính liên kết hệ thống và vai trò Ngân hàng đầu mối của các QTDND của Chi nhánh càng thể hiện rõ qua việc chia sẻ khó khăn đối với thành viên vay vốn của QTDND. NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc đã thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ QTDND từ 7,2%/năm xuống 6,2%/năm (đối với cho vay ngắn hạn) và từ 8%/năm xuống 7%/năm (đối với cho vay trung, dài hạn). Lãi suất tiền vay áp dụng đối với các QTDND thường thấp hơn từ 0,8% đến 2,8%/năm so với lãi suất tiền vay đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Chi nhánh luôn có chính sách lãi suất huy động tiền gửi của QTDND cao hơn tiền gửi khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế, nhận tiền gửi và chi trả tiền gửi tận nơi cho các QTDND khi các quỹ có nhu cầu.
Những trợ lực này của NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc đã giúp 31 QTDND trên địa bàn hoạt động ổn định và phát triển, từ đó, gia tăng năng lực cung ứng vốn phát triển sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, thực hiện chiến lược hiện đại hóa nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước đề ra.
Kích thích kinh tế qua tín dụng sản xuất và tiêu dùng
Ở một kênh khác, Chi nhánh phát huy vai trò là một TCTD hỗ trợ trực tiếp phát triển kinh tế địa phương thông qua việc thường xuyên chủ động tìm kiếm, lựa chọn khách hàng có năng lực về tài chính, sản xuất kinh doanh tốt để mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp, cá nhân; cho vay phục vụ đời sống đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ giáo viên các trường học. Tính đến 31/12/2020, dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân đạt 626,6 tỷ đồng. Những con số này đã góp phần đưa tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 681,9 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2020, NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì và phát huy các tổ thu hồi, xử lý nợ xấu, quán triệt đến từng cán bộ tín dụng, xác định công tác xử lý nợ xấu phải quyết liệt, thống nhất. Đồng thời, Chi nhánh phát huy tối đa mọi nguồn lực và năng lực hiện tại để tập trung xử lý nợ xấu, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của ngân hàng và các bên liên quan, đồng thời chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài việc hướng tới mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, các giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn liền với phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu phát sinh trong tương lai. Kết quả, tính đến hết năm 2020, thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 là 20,03 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc luôn dành sự quan tâm đặc biệt cùng với những đóng góp thiết thực cho công tác an sinh xã hội. “Việc tham gia vào các chương trình an sinh xã hội không chỉ thể hiện trách nhiệm của Chi nhánh đối với cộng đồng mà còn là nguyện vọng chung của toàn thể cán bộ, nhân viên nhằm hướng tới một ngân hàng phát triển bền vững vì cộng đồng”, Giám đốc Chi nhánh cho biết. Riêng trong năm 2020, cán bộ nhân viên Chi nhánh đã tham gia nhiệt tình các phong trào quyên góp, ủng hộ do các cấp phát động với số tiền ủng hộ là: 99.378.500 đồng. Và ngay trong những ngày đầu xuân mới, Chi nhánh đã tham gia ủng hộ phong trào “Tết vì người nghèo” với số tiền trên 7 triệu đồng. Bước sang năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của đất nước cũng như của tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù dự báo tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn và tăng trưởng chậm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Tuy nhiên, để chung tay cùng Chính phủ và địa phương thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát huy vai trò Ngân hàng của các QTDND, trong năm 2021, Chi nhánh đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn từ 10-15%; huy động vốn tăng trưởng 10%; cho vay tăng trưởng 10% so với năm 2020. Thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Đặc biệt, Chi nhánh sẽ tăng cường hơn nữa tính liên kết và hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND; tăng cường công tác phối hợp với Hiệp hội QTDND và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong việc đào tạo cán bộ QTDND nhằm nâng cao năng lực trình độ quản lý, điều hành và tác nghiệp trong hoạt động của các QTDND. | |
Theo Thời báo Ngân hàng |
13.11.2024
30.10.2024