Trước xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, trong thời gian qua, với sự khuyến khích của cơ quan quản lý, các TCTD chủ động triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm.
Theo thông tin mới nhất NHNN công bố trong tuần qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số TTKDTM có mức tăng trưởng khá, một số phương thức tăng trưởng ấn tượng. Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị. Đặc biệt, giao dịch qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị...
Trước xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, trong thời gian qua, với sự khuyến khích của cơ quan quản lý, các TCTD chủ động triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực.
Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền... Nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.
Có thể nói, để có được kết quả ấn tượng trên, trong thời gian qua NHNN đã luôn rà soát, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới song vẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, NHNN đã nghiên cứu, trình ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy TTKDTM và hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Cũng không nằm ngoài mục tiêu trên, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về TTKDTM, chuyển đổi số, trong tuần qua NHNN đã đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. So với bản dự thảo trước đó, các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm đã giảm từ 6 xuống còn 3 giải pháp. Việc rút gọn được cơ quan soạn thảo cho biết dựa trên nguồn lực triển khai, ý kiến thẩm định lần 1 của Bộ Tư pháp và trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật có liên quan.
Các lĩnh vực được thử nghiệm gồm chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); và Cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây được đánh giá nhóm giải pháp
Fintech “có tiềm năng và nhu cầu, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực quản lý của Việt Nam”. Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Việc sớm có Nghị định về cơ chế thử nghiệm đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được giới chuyên môn đánh giá là rất cần thiết nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đồng thời giúp cơ quan quản lý ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn đầu tư cho các sản phẩm số mới trong thời gian tới... Bên cạnh đó, cũng giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý.
Nhìn xa hơn trong tương lai với cách tiếp cận khung pháp lý vừa cởi mở vừa khích lệ của Nhà nước thông qua cơ chế thử nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ có nhiều “kỳ lân công nghệ” lớn lên ở Việt Nam, góp phần tăng tốc độ chuyển đổi số cho hệ thống ngân hàng.
Theo Thời báo Ngân hàng.