- Kĩ năng: Tập trung vào các thao tác, cách mà một cá nhân biến kiến thức thành hành động cụ thể và thực tế trong quá trình làm việc. Đây là một khía cạnh quan trọng trong việc phát triển bản thân và thành công trong công việc. Các kĩ năng này đóng vai trò quan trọng trong việc thành công trong công việc và đạt được mục tiêu cá nhân của nhân viên. (Bảng 2)
Nguồn: Vuorikari và cộng sự (2022)
3. Phân tích thực trạng đào tạo văn hóa số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam
3.1. Thực trạng đào tạo và bồi dưỡng văn hóa số
Văn hóa số được đào tạo và bồi dưỡng tại ba nhóm đơn vị gồm: Các trường đại học, các trung tâm/chương trình đào tạo online trong nước và các chương trình đào tạo quốc tế. Sau đây là nội dung phân tích thực trạng công tác đào tạo bồi dưỡng với từng nhóm.
Thực trạng tại các trường đại học
Xu hướng hội nhập quốc tế đã tạo ra những thách thức và yêu cầu cao hơn đối với người lao động, không chỉ về năng lực mà cả khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng và tâm thế sẵn sàng trang bị thêm những kiến thức mới cũng như phát triển thêm những kĩ năng mới. Từ đó, dẫn đến các đơn vị đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo, phát triển những ngành, nghề mới phù hợp xu thế.
Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục, quản lí, thời gian gần đây một số trường đại học tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư cho quá trình chuyển đổi số, tiến tới mô hình đại học số, đại học thông minh.
Trước định hướng CMCN 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của thời kì chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, nhiều trường đại học đã và đang khẩn trương mở chương trình đào tạo các ngành Công nghệ tài chính (Fintech) hoặc Công nghệ tài chính và Kinh doanh số. Đây là các ngành đào tạo lai ghép giữa công nghệ và tài chính. Khi theo học, người học sẽ được đào tạo những kiến thức về công nghệ thông tin để ứng dụng trong việc giải quyết các công việc về tài chính. Thông qua chương trình đào tạo, người học sẽ khám phá các lí thuyết về tài chính và ứng dụng của chúng cũng như các công nghệ như chuỗi khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể tạo đổi mới trong các hoạt động tài chính. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030. Vì vậy, đây là các ngành học phù hợp với xu thế chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam.
Dữ liệu đang trở nên cực kì quan trọng trong mọi lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng, marketing, sản xuất, kinh doanh, y tế. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện nay nước ta có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Phân tích dữ liệu và Khoa học dữ liệu trong kinh doanh với chương trình đào tạo chất lượng, giáo trình đạt chuẩn quốc tế. Đây là ngành học mang tính ứng dụng cao dựa trên 03 nguồn tri thức chính là máy học, toán học và tri thức nhằm phục vụ cho công việc tương lai sau khi tốt nghiệp. Khi theo học các ngành này, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, người học còn được phát triển thêm các kĩ năng mềm, tạo điều kiện tham gia những học kì quốc tế, những buổi hội thảo, giao lưu với các nước bạn để trau dồi, nâng cao kiến thức và giao lưu văn hóa.
Từ khi Internet hình thành và phát triển, thương mại điện tử được biết đến và sử dụng rộng rãi như một phương thức kinh doanh hiệu quả. Khác với phương thức thương mại truyền thống, thương mại điện tử thực hiện giao dịch thương mại, mua sắm hoàn toàn qua Internet. Trong những năm gần đây, thương mại điện tử là xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp phát triển, mở ra những cơ hội khởi nghiệp kinh doanh theo mô hình mới. Đây là ngành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch thương mại, thanh toán điện tử, marketing điện tử.
Cũng dựa trên nền tảng mạng Internet, chương trình đào tạo Marketing số ra đời và cung cấp cho người học cơ hội học tập và thực hành chuyên sâu từ marketing căn bản tới cách thức áp dụng công nghệ số trong việc thực hiện các chiến dịch marketing online. Trong ngành học này, người học được trang bị kiến thức, kĩ năng về kinh doanh dựa trên mạng Internet để từ đó có thể xây dựng được chiến lược kinh doanh online hoàn chỉnh cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Trên đây là những ngành được kết hợp giữa ngành truyền thống với công nghệ thông tin, nhằm thích ứng với thời đại số. Ngoài việc được trau dồi về kiến thức, sinh viên còn được đào tạo về thái độ và kĩ năng (kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc, kĩ năng thích ứng với mọi thay đổi trong nghề nghiệp) khi tham gia học tập. Nếu sớm được trang bị và nâng cao năng lực số, sinh viên sẽ mang những trải nghiệm, thói quen, hành vi liên quan đến các công nghệ số từ quá trình học tập, nghiên cứu vào quá trình làm việc sau này.
Các trung tâm/chương trình đào tạo online trong nước
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhu cầu đào tạo về chuyển đổi số là rất quan trọng. Ngoài các ngành học được cung cấp bởi các trường đại học thì các trung tâm, chương trình đào tạo nhân lực chuyển đổi số cũng bắt đầu ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.
Hiện nay, các ngân hàng xây dựng rất nhiều chương trình đào tạo từ cấp quản lí đến cấp nhân viên, cử nhân sự đi học các lớp nghiệp vụ tại các trung tâm đào tạo có uy tín, luân chuyển cấp quản lí trong hệ thống để học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số. Ngoài ra, có nhiều ngân hàng đã thành lập trung tâm đào tạo để nâng cao vai trò của công tác đào tạo trong giai đoạn mới. Tại các trung tâm này, đa số thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước trực tiếp đứng lớp đào tạo nội bộ cho nhân viên. Các trung tâm đào tạo tập trung vào việc đào tạo sản phẩm, quy trình, chính sách, các kĩ năng mềm... nhằm trang bị, cập nhật kịp thời cho cán bộ các kiến thức về sản phẩm, quy trình mới, các kĩ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục. Chương trình đào tạo liên tục được rà soát, đổi mới theo hướng bổ sung nội dung đào tạo nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số, phát triển và vận hành môi trường ngân hàng số. Bên cạnh việc tập trung đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng cũng tập trung đầu tư phát triển năng lực cho nhóm lãnh đạo cấp cao và chuyên gia thông qua các chương trình hợp tác với Microsoft, AWS, Harvard, Standford.
Ngoài ra, các khóa học về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cũng thường xuyên được tổ chức với sự kết hợp giữa các trung tâm, các trường đại học và các chuyên gia hàng đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số tại Việt Nam. Các khóa học này trang bị cho người học khả năng đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến hệ thống kinh tế, phân tích doanh nghiệp, cùng khả năng đánh giá rủi ro, kiến thức trong quản trị dự án. Cụ thể, thông qua các môn học ứng dụng trong thời đại CMCN 4.0 như: Phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng AI trong kinh doanh, hay Fintech; thông qua việc được trang bị các kĩ năng tự nghiên cứu, tự học hỏi, người học có được sự tự tin khi tiếp cận với những công việc, những dự án mới và sự biến chuyển liên tục trong lĩnh vực ngân hàng.
Chương trình đào tạo chuyển đổi số của các trung tâm hiện nay được thiết kế linh hoạt với nhiều hình thức đào tạo khác nhau như hội thảo, lớp học trực tuyến, khóa học trực tiếp, đào tạo tại chỗ và các nội dung đào tạo được tùy biến dựa trên yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp hay tổ chức.
Nhìn chung, các khóa học này cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tế về triển khai chuyển đổi số thông qua các dự án thực hành thực tế. Thông qua các lớp đào tạo, các công cụ truyền thông nội bộ, ban lãnh đạo các ngân hàng luôn nhắc nhở cán bộ, nhân viên ý thức thực hiện và xây dựng văn hóa số trong bối cảnh chuyển đổi số.
Các chương trình đào tạo quốc tế
Trên thực tế, việc tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ nhân lực bắt kịp yêu cầu của chuyển đổi số đã được các ngân hàng chú trọng từ lâu. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế đào tạo chuyên sâu hoặc các khóa học trực tuyến nhằm chuẩn bị nhân sự chất lượng cao cho chuyển đổi số.
Các chương trình đào tạo quốc tế được thiết kế tương thích với sự thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho các cán bộ ngân hàng hiện tại, tương lai và các cá nhân đang và sắp trở thành quản lí cấp cao, cán bộ điều hành trong các ngân hàng hoặc doanh nghiệp, tổ chức có các nghiệp vụ liên quan. Dưới đây là một số chương trình đào tạo quốc tế liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số:
- Chương trình đào tạo quốc tế về Ngân hàng bán lẻ (CIRB.UK) hợp tác đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện đào tạo quốc tế về Ngân hàng bán lẻ - RBI có trụ sở tại London, Anh cung cấp cho các ngân hàng bán lẻ ở mọi cấp độ tại Việt Nam các khóa đào tạo chuyên nghiệp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam đã hợp tác với Amazon Web Services, công ty con của Amazon, nhà cung cấp uy tín thế giới về giải pháp điện toán đám mây để triển khai các chương trình chia sẻ thông tin, đào tạo tăng cường kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây cũng như các giải pháp quản lí và khai thác dữ liệu. Sáng kiến này giúp hoàn thiện những kiến thức, kĩ năng làm việc thực tế cho đội ngũ cán bộ công nghệ.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình giáo dục thông minh được triển khai trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin giúp hỗ trợ việc cá nhân hóa học tập theo nhu cầu và khả năng của từng người học bằng các hệ thống công nghệ thông tin tự động, làm cho việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng được thuận tiện và hiệu quả.
Ví dụ, các khóa học trực tuyến về chuyển đổi số từ các nền tảng như Coursera, Microsoft, Udacity, Udemy sẽ giúp người học hiểu rõ hơn tác động thay đổi đột phá của công nghệ tới kinh doanh và cải thiện hiệu quả làm việc. Dưới đây là một số khóa học dựa trên nền tảng trực tuyến có liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
- Khóa học Data Science Specialization - Coursera được thành lập bởi trường Đại học John Hopkins bao gồm 10 khóa học đi sâu vào các chuyên ngành bao gồm: Lập trình thống kê, phân tích cụm và xử lí ngôn ngữ tự nhiên...
Theo đó, sau khi hoàn thành chương trình học thì người học có khả năng tạo ra được những sản phẩm dữ liệu có thể giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.
- Khóa học Data Analyst được thiết kế bởi Microsoft cung cấp cho các học viên kiến thức về hai ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay là R hoặc Python. Ngoài ra, học viên còn được dạy về xác suất thống kê, giới thiệu về học máy, trực quan hóa và khám phá dữ liệu và sử dụng khung Microsoft Azure.
Cùng với đó, các chương trình đào tạo hệ quốc tế tại một số trường đại học ở Việt Nam đã giúp sinh viên tốt nghiệp có được các vị trí việc làm rất đa dạng trong các tổ chức kinh tế, tài chính, ngân hàng, đặc biệt là cơ hội làm việc tại nước ngoài. Việc mở rộng hợp tác đa dạng đã tạo nên những môi trường học tập chuyên nghiệp hơn cho các trường đại học. Với hệ thống phòng học đa phương tiện, phòng lab, phòng thư viện số, sinh viên có cơ hội trải nghiệm hệ thống kinh doanh thực tế ảo, hệ điều hành Blackboard do các đối tác đại học, doanh nghiệp quốc tế trực tiếp cung cấp.
Các chương trình đào tạo quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển chuyên môn, kĩ năng, nâng cao nhận thức về xu hướng và văn hóa số trong bối cảnh chuyển đổi số.
3.2. Đánh giá thực trạng
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng và cơ sở giáo dục đều nhấn mạnh đến công tác đào tạo văn hóa số trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc thúc đẩy đào tạo văn hóa số được thực hiện thông qua đào tạo kiến thức số, ứng dụng phương pháp làm việc và phát triển phần mềm linh hoạt, ra quyết định dựa trên dữ liệu để đưa sản phẩm ra thị trường trên các kênh số nhanh hơn.
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) (2020) cho thấy, nhiều ngân hàng đã sớm có ý thức xây dựng phương án đào tạo, đào tạo lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số với 25/60 ngân hàng (chiếm 40%) và 20/62 ngân hàng (chiếm 32%) đã triển khai các phương án, chương trình đãi ngộ, giữ chân nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, việc đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho nhân sự cấp cao (cấp lãnh đạo) đang được triển khai ở mức thấp nhất, chỉ có 10/62 ngân hàng cho biết đã và đang triển khai, 30/62 ngân hàng cho biết dự kiến triển khai trong 02 năm tới. Việc đào tạo văn hóa số theo mô hình ASK để trở thành ngân hàng số toàn diện không hề đơn giản bởi ngoài vấn đề kinh phí, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các thách thức như: (i) Sự khó khăn trong việc phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh; (ii) Cán bộ, nhân viên ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn; (iii) Lãnh đạo thiếu hiệu quả.
Đối với các cơ sở giáo dục, bên cạnh những kết quả chuyển biến tích cực, quá trình đào tạo văn hóa số trong giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể: (i) Quá trình tiếp cận về kiến thức trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn; (ii) Chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện về học liệu số (giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra, đánh giá điện tử...); (iii) Kiến thức và kĩ năng ứng dụng công nghệ của đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập.
Sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng AI với các công cụ mạnh như ChatGPT, Gamma AI góp phần thúc đẩy tinh thần tự học, là trợ lí hiệu quả với cả người dạy và người học, giúp tối ưu hóa thời gian học tập và cải thiện các kĩ năng nghiên cứu phân tích. Tuy vậy, các công cụ này cũng gây ra nhiều thách thức như: Gian lận trong thi cử, thông tin sai lệch, người học có thể nảy sinh tâm lí dựa dẫm vào AI.
4. Một số đề xuất
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng luôn có tính cấp thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững của Ngành cũng như đáp ứng nhu cầu đổi mới của kinh tế - xã hội. Bất kì nỗ lực chuyển đổi nào, dù là về tổ chức, công nghệ hay văn hóa đều phải bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy thông qua đào tạo, tập huấn, hội thảo hoặc các hoạt động chia sẻ tri thức nội bộ. Bài viết chia thành hai hướng đề xuất dành cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực hiện tại đang làm việc và đào tạo tại các cơ sở giáo dục.
Đối với nhân lực hiện tại đang làm việc tại các ngân hàng
Trong bối cảnh chuyển đổi số, sự đổi mới và sáng tạo là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh. Để xây dựng văn hóa số, ngân hàng nên khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng mới, thử nghiệm công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tiên phong. Điều này đòi hỏi nhân viên cần có thái độ làm việc linh hoạt, không sợ thất bại, sẵn lòng học hỏi, sử dụng công nghệ mới và thích ứng với thay đổi trong môi trường kinh doanh. Ban lãnh đạo ngân hàng cần tạo ra môi trường làm việc tích cực; thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ thông tin; khuyến khích sự giao tiếp, cởi mở và tinh thần đồng đội trong tổ chức. Điều này tạo ra sự tương tác tích cực giữa các nhân viên, khích lệ cho sự sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và động lực làm việc.
Thách thức trong quá trình xây dựng văn hóa số cũng có thể liên quan đến sự chống đối hoặc khó khăn trong việc thay đổi từ các thành viên trong tổ chức. Do đó, việc xây dựng lòng tin, giáo dục và đào tạo nhân viên về lợi ích, cơ hội của chuyển đổi số là rất quan trọng để vượt qua thách thức này. Điều này đảm bảo rằng nhân viên có những kĩ năng và kiến thức cần thiết để làm việc trong môi trường số hóa phức tạp. Ngân hàng nên đầu tư vào chương trình đào tạo liên tục, đồng thời tạo ra các cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên cấp dưới nên trao đổi, bày tỏ ý kiến, quan điểm tới đội ngũ lãnh đạo quản lí về công nghệ, kĩ năng số, các sáng kiến đổi mới... để tăng cường kết nối giữa cán bộ với đội ngũ lãnh đạo các cấp, đồng thời, từng bước xây dựng, hình thành kĩ năng và môi trường, phong cách làm việc phù hợp yêu cầu chuyển đổi số ngân hàng.
Ngoài ra, để đào tạo văn hóa số của ngân hàng phù hợp với chuyển đổi số, cần có sự chuyển đổi từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lí cấp cao nhằm tạo chuyển biến nhận thức từ trên xuống dưới, từ cao xuống thấp. Giải pháp đưa ra là yêu cầu lãnh đạo, quản lí đào tạo, huấn luyện cho cán bộ cấp dưới về chuyển đổi số theo định kì (việc này bắt buộc bản thân đội ngũ lãnh đạo phải học hỏi, cập nhật để tránh tụt hậu).
Đối với đào tạo nguồn nhân lực tương lai tại các cơ sở giáo dục
Xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: Hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém giúp thu hẹp được khoảng cách vùng, miền. Với giải pháp này, có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực xã hội. Tăng cường kết hợp công nghệ như dữ liệu lớn, Al, chuỗi khối... với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.
Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học): Hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn Ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số trong giáo dục là thiếu kiến thức và kĩ năng công nghệ. Do đó, giáo viên cần được đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục về các kĩ năng công nghệ cơ bản để có thể thiết lập nền tảng học tập trực tuyến, phân phối các bài tập kĩ thuật số và tạo động lực cho học sinh/sinh viên của mình.
Tối ưu hóa các công cụ AI như ChatGPT một cách hiệu quả, hạn chế các tác động tiêu cực. Cụ thể: Xây dựng quy định, nội quy sử dụng công cụ trong đào tạo; sử dụng AI như một công cụ bổ sung kiến thức; trang bị cho người học nhận thức đúng đắn để chắt lọc thông tin khi sử dụng công nghệ.
Tóm lại, để hệ thống ngân hàng có thể phát triển nhanh và bền vững, từng bước theo kịp các quốc gia phát triển trên thế giới thì cần có một đội ngũ cán bộ đủ mạnh, trong đó đào tạo văn hóa số theo mô hình ASK là một trong những yếu tố mà các ngân hàng và các cơ sở giáo dục cần phải lưu tâm.
Tài liệu tham khảo:
1. Goumeh, F. & Barforoush, A. A. (2021). A Digital Maturity Model for digital banking revolution for Iranian banks. 26th International Computer Conference, Computer Society of Iran, CSICC 2021.
2. Hecklau, F., Galeitzkea, M., Flachsa, S. & Kohl, H. (2016). Holistic approach for human resource management in Industry 4.0. 6th CLF - 6th CIRP Conference on Learning Factories, ScienceDirect.
3. Legner, C., Eymann, T., Hess, T., Matt, C., Bhmann, T., Drews, P., Madche, A., Urbach, N. & Ahlemann, F. (2017). Digitalization: opportunity and challenge for the business and information systems engineering community. Business & Information systems engineering, 59(4), pages 301-308.
4. Mazurchenko, A., Zelenka, M. & Maríková, K. (2022). Demand for employees’ digital skills in the context of banking 4.0. Business Administration and Management, 25(2), pages 41-58.
5. Morakanyane, R., Grace, A. A. & O’Reilly, P. (2017). Conceptualizing Digital Transformation in Business Organizations: A Systematic Review of Literature. Bled eConference, 21, pages 428-444.
6. Nguyễn Cúc & Trần Hương (2023), ChatGPT trong giáo dục: Tác động, cơ hội và thách thức ngành giáo, https://funix.edu.vn/chia-se-kien-thuc/chatgpt-trong-giao-duc/
7. NHNN (2020). Khảo sát hiện trạng chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
8. Radovi-Markovi, M., Toma-Miskin, S. & Markovi, D. (2019). Digitalization and agility of enterprises and banks: It competencies of managers and virtual team members. International Journal of Entrepreneurship, 23(4).
9. Santoso, W., Sitorus, P. M., Batunanggar, S., Krisanti, F. T., Anggadwita, G. & Alamsyah, A. (2021). Talent mapping: a strategic approach toward digitalization initiatives in the banking and financial technology (FinTech) industry in Indonesia. Journal of Science and Technology Policy Management, 12(3), pages 399-420.
10. Sia, S. K., Weill, P. & Zhang, N. (2021). Designing a Future-Ready Enterprise: The Digital Transformation of DBS Bank. California Management Review, 63(3).
11. Vial, G. (2019). Understanding digital transformation: A review and a research agenda. The Journal of Strategic Information Systems, 28(2), pages 118-144.
12. Vuorikari, R., Kluzer, S. & Punie, Y. (2022). DigComp 2.2: The Digital Competence Framework for Citizens - With new examples of knowledge, skills and attitudes, EUR 31006 EN, Publications Office of the European Union, Luxembourg.
13. World Economic Forum (2016), The Future of Jobs - Employment, Skills and Workforce Strategy for the Fourth Industrial Revolution. Global Challenge Insight Report.
14. World Economic Forum (2021). Digital Culture: The Driving Force of Digital Transformation.
Theo Tạp chí Ngân hàng