22.12.2021 14:07

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam: Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ QTDND phát triển

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là hợp tác xã là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Luật Hợp tác xã năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các TCTD được tổ chức vận hành theo mô hình hợp tác xã.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghi quyết 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp

Nhìn lại 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, hoạt động của các TCTD là hợp tác xã, trong vai trò của cơ quản lý nhà nước đối với các TCTD là hợp tác xã bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) NHNN đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về tổ chức và hoạt động của các TCTD là hợp tác xã. NHNN đã ban hành/trình Chính phủ ban hành một hệ thống cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của Co-opBank và QTDND. Đồng thời, để kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với các TCTD là hợp tác xã, NHNN đã thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các TCTD theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 13 - NQ/TW. Đến nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TCTD là hợp tác xã tương đối đầy đủ và phù hợp với quy định tại Luật các TCTD và quy định pháp luật có liên quan, góp phần hoàn thiện mô hình TCTD là hợp tác xã theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững.

Hệ thống QTDND ngày càng phát triển về chất và lượng. Đặc biệt, từ năm 2013, Co-opBank được chuyển đổi từ QTDND Trung ương đã đóng vai trò là ngân hàng đầu mối, thực hiện chức năng như là một ngân hàng trung ương của hệ thống QTDND, thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn, hỗ trợ cho các QTDND trên địa bàn toàn quốc, tham gia hỗ trợ xử lý các QTDND yếu kém. Tổng nguồn vốn của Co-opBank đến nay đạt gần 49.000 tỷ đồng, tăng 15,5 lần so với năm 2001; dư nợ cho vay đạt 21.400 tỷ đồng, tăng 7,4 lần so với năm 2001.

Hệ thống QTDND có sự phát triển mạnh mẽ, tăng 275 Quỹ và hơn 1 triệu thành viên so với cuối năm 2001. Đến nay, toàn hệ thống có gần 1.200 QTDND, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố, với hơn 1,8 triệu thành viên tham gia. Tổng nguồn vốn của các QTDND gần 155.000 tỷ đồng (bình quân 131 tỷ đồng/Quỹ), tăng 51,2 lần so với 31/12/2001; dư nợ cho vay đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng 41,6 lần so với 31/12/2001 (2.559,1 tỷ đồng).

Nhìn chung, hoạt động của hệ thống QTDND cơ bản vẫn tiếp tục duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả, đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn giải quyết bài toán vốn tại chỗ. Hoạt động của hệ thống QTDND đảm bảo đúng tôn chỉ, mục tiêu tương trợ thành viên, phát triển cộng đồng nhưng vẫn bù đắp được chi phí, bảo toàn được vốn và có tích lũy để phát triển. Trong những năm qua, sự có mặt của mô hình TCTD là hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, cải thiện đời sống, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành quan hệ sản xuất mới trên địa bàn nông thôn.

Hành trình phát triển của khu vực KTTT, hợp tác xã đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế vì vậy để thúc đẩy khu vực KTTT, hợp tác xã phát triển trong thời gian tới, NHNN kiến nghị một số nội dung như sau:

1. Đối với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục xác định vai trò quan trọng của khu vực KTTT, hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời, tiếp tục thống nhất nhận thức về quan điểm phát triển KTTT phải theo đúng bản chất là tương trợ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, phục vụ thành viên là chính và tách bạch với mô hình doanh nghiệp. Theo đó, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết mới về phát triển KTTT phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế giai đoạn tới.

 2. Ban cán sự Đảng Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển hợp tác xã nói chung, hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng, trong đó có các TCTD là hợp tác xã như: sửa đổi một số nội dung chưa thống nhất, phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật các TCTD;  bổ sung một số quy định tại Luật Hợp tác xã trong đó có quy định về nhân sự, HĐQT của QTDND; chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của QTDND; quy định về quản lý vốn Nhà nước tại hợp tác xã; quy định về chính sách hỗ trợ các TCTD là hợp tác xã; quy định về áp dụng Luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển KTTT, hợp tác xã nói chung và các hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng, trong đó ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ 26.800 hợp tác xã trong đó có 9316 hợp tác xã phi tín dụng; thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với hợp tác xã theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của hợp tác xã trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật; phát huy vai trò cầu nối giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp và thị trường, phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp; đẩy mạnh triển khai nghị định 45/2021 về quỹ hỗ phát triển hợp tác xã tại trung ương và địa phương để tăng cường vốn cho hợp tác xã, hoạt động ủy thác cho vay; phải làm rõ hơn từ cách pháp nhân của tổ chức kinh tế mô hình hợp tác xã cũng như làm rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn, thẩm quyền pháp lý tài chính, tài sản chung của hợp tác xã để làm cơ sở rõ ràng, minh bạch  trong quan hệ vay vốn ngân hàng kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Hợp tác xã phi nông nghiệp là các TCTD có vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho các thành viên. Hiện số lượng hợp tác xã này chiếm 12,9 % số lượng hợp tác xã phi nông nghiệp. Để phát triển loai hình hợp tác xã này, NHNN kiến nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quan tâm, có cơ chế tạo kết nối liên kết với các hợp tác xã thuộc loại hình khác trong hoạt động; có cơ chế chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình hợp tác xã là TCTD phát triển, tạo hành lang pháp lý đồng bộ như cơ chế hỗ trợ về đạo tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã trong kế hoạch đào tạo hàng năm của liên minh Hợp tác xã Việt Nam; cơ chế hỗ trợ chính sách về thuế, phí, hỗ trợ về cơ sở vật chất.

Ngoài ra Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để bổ sung cho các hợp tác xã là TCTD, nhất là Co-opBank nhằm nâng cao năng lực tài chính, cung cấp, đáp ứng nhu cầu vốn vay của các thành viên, cho vay khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa

 NHNN mong cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các QTDND trên địa bàn, đảm bảo hoạt động của các QTDND an toàn, hiệu quả; quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND hoạt động.

(Minh Ngọc - Lược trích phát biểu của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghi quyết 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp)

Theo Website NHHTX

Các tin liên quan