03.07.2025 15:33

Sau 1/7/2025: Không cập nhật Căn cước công dân sẽ bị khóa tài khoản ngân hàng, đúng không?

Các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo tài khoản chính chủ, phòng chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng các quy định này để tránh hoang mang không cần thiết.

Trước thực trạng nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định mới nhằm siết chặt quản lý. Theo đó, người dân bắt buộc phải cập nhật thông tin Căn cước công dân (CCCD) cho tài khoản ngân hàng. Đáng chú ý, quy định nhấn mạnh rằng khi giấy tờ tùy thân (CCCD) hết hạn mà không được cập nhật bản mới, tài khoản sẽ bị tạm ngừng giao dịch.

Khi giấy tờ tùy thân (CCCD) hết hạn mà không được cập nhật bản mới, tài khoản sẽ bị tạm ngừng giao dịch

Căn cước công dân hết hạn sẽ bị tạm ngừng giao dịch

Hiện nay, các ứng dụng ngân hàng đã bắt đầu gửi thông báo cho khách hàng khi CCCD của họ sắp hết hạn. Quy định này được nêu rõ tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN:

Ngân hàng có trách nhiệm theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản.

Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày CCCD hết hiệu lực, yêu cầu khách hàng cập nhật giấy tờ mới.

Nếu khách hàng không cập nhật, ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng đó.

Như vậy, khi nhận được thông báo mà không thực hiện cập nhật, tài khoản của bạn sẽ bị tạm ngưng các hoạt động như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn hay rút tiền tại ATM ngay sau ngày CCCD cũ hết hiệu lực.

Phân biệt "Tạm ngừng giao dịch" và "Khóa tài khoản"

Nhiều người lo lắng việc CCCD hết hạn sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Việc CCCD hết hạn chỉ dẫn đến "tạm ngừng giao dịch". Còn việc "khóa/đóng tài khoản" chỉ xảy ra trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, được quy định rõ tại Thông tư 17 và Nghị định 52/2024/NĐ-CP, bao gồm:

Chủ tài khoản có yêu cầu đóng tài khoản.

Chủ tài khoản là cá nhân bị chết hoặc bị tuyên bố đã chết.

Tổ chức có tài khoản đã chấm dứt hoạt động.

Sử dụng giấy tờ giả mạo để mở tài khoản.

Không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài (theo quy định của từng ngân hàng).

Vi phạm các hành vi bị cấm như:

Mở hoặc sử dụng tài khoản nặc danh, mạo danh.

Mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng.

Sử dụng tài khoản để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, hoặc các hoạt động trái pháp luật khác.

Các trường hợp khác theo thỏa thuận bằng văn bản hoặc quy định của pháp luật.

Như vậy, trong các quy định trên, không có trường hợp nào nêu rằng CCCD hết hạn sẽ bị khóa tài khoản.

Ảnh minh họa

Cần làm gì khi Căn cước công dân sắp hết hạn?

Khi nhận được thông báo từ ngân hàng (thường trước 30 ngày), bạn cần thực hiện các bước sau:

- Tiến hành cấp đổi CCCD: Chủ động đi làm thủ tục cấp đổi CCCD mới tại cơ quan công an có thẩm quyền.

- Cập nhật thông tin với ngân hàng: Ngay khi nhận được thẻ Căn cước mới, hãy dùng nó để cập nhật thông tin với ngân hàng. Bạn có thể thực hiện qua hai cách: Sử dụng tính năng cập nhật thông tin trên ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng hoặc mang CCCD mới ra quầy giao dịch gần nhất để được nhân viên ngân hàng hỗ trợ.

Việc cấp đổi và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân là cần thiết để đảm bảo quyền lợi và giao dịch của bạn không bị gián đoạn. Kể cả khi đã có thẻ Căn cước mới trên tay, bạn vẫn bắt buộc phải thông báo và cập nhật với ngân hàng, nếu không tài khoản vẫn sẽ bị tạm ngừng giao dịch khi thẻ cũ hết hạn.

Lưu ý quan trọng để tránh lừa đảo khi cập nhật:

TUYỆT ĐỐI KHÔNG bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email tự xưng là ngân hàng yêu cầu cập nhật thông tin. Đây là chiêu trò lừa đảo phổ biến để chiếm đoạt tài sản.

KHÔNG cung cấp mã PIN, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Chỉ thực hiện cập nhật trên ứng dụng chính thức của ngân hàng hoặc trực tiếp tại quầy giao dịch.
Theo Đời sống & pháp luật.

Các tin liên quan