Đồng chí Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam khẳng định, nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn luôn là lĩnh vực được NHNN và ngành Ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư vốn tín dụng. Tín dụng và dịch vụ ngân hàng sẽ tiếp tục là giải pháp và nguồn lực quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Ngày 16/12/2021, đồng chí Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có buổi làm việc trực tuyến với Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi có đồng chí Đặng Ngọc Huy – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh…
Đồng chí Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát biểu tại buổi làm việc
Phát huy tốt lợi thế của địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương), Phó Thống đốc Thường trực NHNN nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược và là lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đến nay, sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, nông thôn mới trở thành phong trào phát triển trên cả nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế và đặc biệt sau 13 năm thực hiện Nghị quyết, tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi, tình trạng biến đổi khí hậu, sự phát triển của khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng… Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm đánh giá việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.
“Nghị quyết 26-NQ/TW là Nghị quyết đầu tiên của Trung ương về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, cần thực hiện tổng kết sâu sắc, toàn diện, khách quan, khoa học, bám sát thực tế, phản ảnh đúng thực tế theo chỉ đạo của Trung ương”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã báo cáo về công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức tổng kết; đánh giá tình hình, kết quả triển khai 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW theo Đề cương và yêu cầu của Ban Chỉ đạo tại Kế hoạch số 08-KH/BCĐ ngày 7/5/2021.
Theo đó, sau 13 năm triển khai, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả, tập trung ở các khía cạnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực nông, lâm, thủy sản năm sau tăng cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2020 là 5,58%, cao hơn mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là 3,5%-4%/năm và tốc độ tăng trưởng bình quân ngành này toàn quốc là 2,94%; Cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp và thủy sản tăng, phát huy lợi thế so sánh và thị trường tiêu thụ của địa phương.
Tỉnh đã chủ động đẩy mạnh xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn, dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh: cây dược liệu, cây ăn trái, rau màu, vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như cây lúa, ngô, mía, thủy hải sản, chăn nuôi, diêm nghiệp,... là những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Một số sản phẩm nông sản truyền thống của tỉnh đã xác lập được nhãn hiệu tập thể như tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, hành tím Bình Hải, cây ăn quả Nghĩa Hành. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn cũng được quan tâm phát triển với 23 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng và thu hút các dự án sản xuất kinh doanh. Hạ tầng giao thông nông thôn được cải thiện, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 89/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60% (cao hơn mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là 50%, tiệm cận tỷ lệ này của toàn quốc là 62,4%); số tiêu chí bình quân toàn tỉnh là 16,5 tiêu chí/xã (bình quân cả nước là 16,7 tiêu chí/xã); 02 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vượt kế hoạch Trung ương giao và đạt kế hoạch do tỉnh đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh năm 2020 là 6,41% (cao hơn mức 2,75% của cả nước và mức 3,95% của khu vực Duyên hải miền Trung) nhưng ghi nhận nỗ lực giảm nghèo mang tính bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo của tỉnh, giảm 14,59% từ mức 21% của năm 2008. Bình quân giai đoạn 2011-2015, mỗi năm giảm 2,94%, giai đoạn 2016-2020 mỗi năm giảm 1,76%, đều đạt các mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn cuối năm 2020 đạt mức 65,4 triệu đồng (thấp hơn mức bình quân của cả nước 80,4 triệu đồng), tăng gấp 72,6 lần so với năm 2008 (cao hơn nhiều mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 26 của Trung ương là gấp 2,5 lần)…
Ngoài việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chú trọng tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ về giống cây, con giúp tăng năng suất và giá trị cây trồng vật nuôi như các giống lúa mới, vật nuôi có giá trị như vịt biển, giống bò, ươm giống thủy sản nước ngọt, nước mặn… Để phát triển nhanh kinh tế nông thôn, tỉnh đã xây dựng cơ chế lồng ghép, quản lý các nguồn vốn đầu tư thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 6 huyện miền núi của tỉnh.
Đại diện sở, ban, ngành của tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện/xã, mô hình tiêu biểu cũng báo cáo làm rõ thêm những thành tựu đạt được, trong đó nêu bật các chỉ tiêu, các điển hình trong triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW tại địa phương. Các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu NHNN
Nguồn vốn tín dụng góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chia sẻ kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tại Hội nghị, đại diện NHNN Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, trong 13 năm qua, nguồn vốn huy động đã tăng hơn 11 lần, tín dụng tăng gần 7 lần, đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng trưởng tốt qua các năm với mức tăng bình quân chung đạt 22,4% (cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân lĩnh vực này của cả nước là 18,59%), những năm gần đây luôn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 gần 43%) trong tổng tín dụng chung của tỉnh, dư nợ trung, dài hạn luôn chiếm trên 50%.
Đặc biệt, vốn tín dụng cũng góp phần hỗ trợ phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn như thủy sản (đạt 2.746 tỷ đồng, chiếm 12%), chăn nuôi (đạt 3.755 tỷ đồng, chiếm 16%) và một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như lúa gạo (tăng trưởng 2020 so với năm 2019 là 42%), rau quả (tăng 38%), mía (tăng 69%)...
Vốn tín dụng cũng đã góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, với tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến nay đạt 4.703 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tích cực cho vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu đời sống thiết yếu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng chí Đào Minh Tú ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo tiến độ tổng kết Nghị quyết theo Kế hoạch và yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Qua nghe các báo cáo, trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Đào Minh Tú đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được qua 13 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Tỉnh đã thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình của địa phương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, ban hành 24 cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp, tập trung khai thác lợi thế từ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh.
“Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt từ các cấp, các ngành của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, kể từ sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW đến nay, tỉnh đã đạt được những bước tiến quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, đồng chí Đào Minh Tú nói.
Theo đồng chí Đào Minh Tú, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn những khó khăn, tồn tại sau quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW như: Phần lớn sản xuất vẫn là nhỏ lẻ, phân tán; tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; Nguồn lực đầu tư cho các chương trình dự án, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp.
Việc tiếp cận các nguồn vốn của hợp tác xã, chủ trang trại để hoạt động sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao; đời sống nhân dân nhìn chung vẫn còn thấp, thu nhập chủ yếu vẫn từ sản xuất nông nghiệp thuần túy...
Để định hướng và đưa ra những giải pháp phù hợp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, đồng chí Đào Minh Tú đề nghị Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bám sát định hướng tại các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu xây dựng “nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” để đề xuất quan điểm, chủ trương, thể chế thực hiện cho giai đoạn mới...
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
Lĩnh vực "tam nông" luôn được ngành Ngân hàng quan tâm
Đồng chí Đào Minh Tú khẳng định, nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn luôn là lĩnh vực được NHNN và ngành Ngân hàng quan tâm, chú trọng đầu tư vốn tín dụng. Tín dụng và dịch vụ ngân hàng sẽ tiếp tục là giải pháp và là nguồn lực quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn là đối tượng, là mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới một nền kinh tế bao trùm, bền vững.
Đồng chí Đào Minh Tú yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cần nắm bắt kịp thời các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương để kịp thời chỉ đạo các TCTD cho vay, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn của người dân và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn.
Trên cơ sở bám sát mục tiêu và kế hoạch của tỉnh, định hướng của Ngân hàng Trung ương, NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi thực hiện kịp thời và đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Ngành, của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo bằng các chương trình hành động, kế hoạch và việc làm cụ thể, phát huy tối đa những mặt tích cực, lợi thế của địa phương, khắc phục những tồn tại hạn chế, chủ động đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu về vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn.
Về phía các TCTD trên địa bàn, Phó Thống đốc yêu cầu cần bám sát và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương để đầu tư cho vay phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Song song với đó, tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn để cho vay phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống chính đáng của nông dân; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vốn của người dân khu vực này.
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở nông thôn; tập trung cho vay các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn mới sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các TCTD cần tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội nhằm thể hiện vai trò, ý thức trách nhiệm của ngành ngân hàng với địa phương.
Bên cạnh đó, đồng chí Đào Minh Tú cũng mong muốn và đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, định hướng, triển khai đồng bộ các chính sách phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội của địa phương nói chung, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng để tạo hiệu ứng lan tỏa.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024