08.08.2023 15:50

Ngân hàng HTX Việt Nam: vai trò “Ngân hàng của các QTDND” về chuyển đổi số với hệ thống QTDND

Trong những năm qua, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ngân hàng Hợp tác) với vai trò là Ngân hàng của các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) đã luôn sát cánh, đồng hành cùng hệ thống QTDND đẩy mạnh các hoạt động cho vay, cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng đến khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và thúc đẩy chính sách phát triển tam nông, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác đã và đang tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các dịch vụ số lấy QTDND làm trọng tâm để từ đó thay đổi toàn diện về tổ chức, văn hóa, cách thức làm việc, mô hình kinh doanh, thiết kế - cung ứng sản phẩm - dịch vụ và các mặt hoạt động của hệ thống QTDND dựa trên nền tảng số.
Ông Nguyễn Thạc Tâm - Phó TGĐ Co-opBank tham gia tham luận tại Tọa đàm với chủ đề: Co-opBank: Vai trò "Ngân hàng của các QTDND" về Chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND tổ chức tháng 7/2023
Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng không chỉ từ các Ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty Fintech mà còn là thách thức đến từ nhu cầu và thay đổi trong hành vi, sở thích của khách hàng, thành viên QTDND mong đợi một trải nghiệm sống được kết hợp nhuần nhuyễn và toàn diện bởi các công cụ công nghệ; mọi thông tin, hành động đều có thể truy cập hay thực hiện mà không bị lệ thuộc vào rào cản về thời gian hay vị trí địa lí, Ngân hàng Hợp tác nhận thấy Ngân hàng Hợp tác và các QTDND với quy mô nhỏ, nếu tách biệt riêng lẻ thì không thể cạnh tranh với các NHTM. Do vậy, bắt buộc phải đẩy mạnh tính liên kết của hệ thống tổ chức tín dụng Hợp tác xã. Chuyển đổi số, có thể nói là con đường duy nhất để gắn kết hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các QTDND. Hiện trạng đầu tư của các QTDND cho công nghệ là rất manh mún và chắp vá. Các QTDND cũng không có đội ngũ nhân sự có đủ trình độ CNTT để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số và chưa sẵn sàng nguồn lực để đầu tư cho CNTT. Do vậy, việc chuyển đổi số của hệ thống các QTDND sẽ không thể thực hiện nếu không có sự gắn kết với đầu tầu là Ngân hàng Hợp tác.
Xác định, với vai trò là tổ chức đầu mối liên kết hệ thống, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng và đang triển khai Chiến lược Chuyển đổi số và Công nghệ thông tin đến 2025 định hướng đến 2030 lấy QTDND làm trọng tâm để từ đó thay đổi toàn diện về tổ chức, văn hóa, cách thức làm việc, mô hình kinh doanh, thiết kế - cung ứng sản phẩm - dịch vụ và các mặt hoạt động của hệ thống QTDND dựa trên nền tảng số: công nghệ, dữ liệu, đổi mới sáng tạo để tạo giá trị mới, kiến tạo tương lai hệ thống QTDND ngày càng phát triển an toàn, bền vững.
Đến nay với sự nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số toàn diện, Ngân hàng Hợp tác đang ngày càng đẩy mạnh triển khai đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đa kênh, đa tiện ích tới các QTDND, từ đó thiết lập nền tảng số, dẫn dắt toàn hệ thống QTDND chuyển đổi số, cụ thể như sau:
- Từ năm 2009, trong Dự án “Liên kết nông thôn - thành thị chống đói nghèo” do Tổ chức Development International Desjardins (DID) tài trợ, Ngân hàng Hợp tác đã nghiên cứu triển khai thành công hệ thống Ngân hàng điện tử Cf-ebank để phục vụ cho QTDND trong công tác điều hòa vốn, thanh toán, tiền gửi tiền vay và các dịch vụ ngân hàng khác cũng như giúp thành viên QTDND được tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại với chi phí hợp lý.
Trong năm 2022, nằm trong khuôn khổ dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND” (STEP) do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ, tổ chức DID và Ngân hàng Hợp tác thực hiện, Ngân hàng Hợp tác đã nâng cấp hệ thống ngân hàng điện tử đảm bảo đầy đủ chức năng của một hệ thống thanh toán hiện đại phục vụ cho toàn hệ thống và các QTDND dần bắt kịp với xu thế chuyển đổi số nói chung của ngành Ngân hàng. 
Đến nay, hệ thống luôn được duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác điều hành vốn trong hệ thống và công tác điều hòa vốn giữa Co-opbank với QTDND. Hiện hệ thống thanh toán đã lên tới 791 điểm bao gồm gần 100 điểm giao dịch trong hệ thống Ngân hàng Hợp tác và 693 QTDND tham gia thành viên hệ thống thông qua cấp phép của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, thông qua việc kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (CITAD), hệ thống thanh toán song phương, đa phương với các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam, Cổng thanh toán quốc gia của công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), các hệ thống trung gian thanh toán của Việt Nam như Công ty Cổ phẩn giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), ví điện tử MOMO, Zalo Pay… đã đáp ứng nhu cầu chuyển tiền ngày càng tăng của QTDND và khách hàng.
- Cùng với đó, tháng 01/2021 Ngân hàng Hợp tác đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số trên thiết bị di động Co-opBank Mobile Banking với sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước, Công ty chuyển mạch quốc gia NAPAS và các đối tác đánh dấu bước đột phá to lớn trong quá trình chuyển đổi số toàn diện và hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển bền vững, tăng cường ‘kết nối nông thôn - thành thị’. Hiện tại, ứng dụng với gần 20 tính năng hiện đại, được trang bị công nghệ bảo mật cao, giao diện được thiết kế thân thiện hướng tới đối tượng thành viên QTDND ở khu vực nông thôn với nhiều dịch vụ ngân hàng đa năng thiết thực với cuộc sống sinh hoạt, tiêu dùng từ các tiện ích cơ bản, phổ cập như: chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng, chuyển tiền nhanh bằng mã Viet QR Napas, chuyển tiền theo lô, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm trực tuyến... cho đến những tính năng kết nối nâng cao như đặt vé máy bay, vé tàu xe, ví điện tử, Vnshop…
- Năm 2022, thực hiện đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác đã không ngừng mở rộng, phát hành thẻ chip Co-opbank Napas đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo bộ tiêu chuẩn cơ sở của Ngân hàng Nhà nước. Với thẻ chip Co-opBank Napas và hạn mức thấu chi lên tới 100 triệu đồng, thành viên QTDND và khách hàng dễ dàng thanh toán các dịch vụ, chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất, góp phần hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp nông thôncũng như bù đắp khoản thiếu hụt trong hoạt động thanh toán của khách hàng, nhất là các khách hàng, thành viên QTDND tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
- Cũng trong năm 2022, Ngân hàng Hợp tác đã triển khai dịch vụ ủy thác trả lương qua tài khoản danh cho cán bộ, nhân viên QTDND với nhiều nhiều lợi ích dành cho QTDND như: thủ tục nhanh chóng thuận lợi, tích hợp với các gói sản phẩm mà Ngân hàng Hợp tác đang cung cấp như thấu chi cán bộ, nhân viên QTDND, cho vay tiêu dùng… đồng thời các cán bộ, nhân viên QTDND cũng được sử dụng sản phẩm Co-opBank Mobile Banking, thẻ chip Co-opbank Napas hoàn toàn miễn phí.
- Ứng dụng Co-opbank Mobile Banking cho thành viên QTDND kết hợp với thẻ chip Co-opbank NAPAS, Hệ thống ngân hàng điện tử…cho phép các thành viên tại QTDND có thể trải nghiệm các dịch vụ liền mạch từ truyền thống tại QTDND như cho vay, gửi tiết kiệm, nộp/rút tiền… đến các giao dịch hiện đại như Chuyển tiền nhanh liên ngân hàng qua dịch vụ 24/7 của Napas, nạp tiền & thanh toán hóa đơn…mọi lúc mọi nơi từ đó nâng cao hình ảnh, thương hiệu cũng như gắn kết và thu hút thêm các thành viên tới QTDND. Cùng đồng hành trên con đường chuyển đổi số, Ngân hàng Hợp tác cũng đã thực hiện chia sẻ doanh thu và trả phí tư vấn cho các QTDND khi tham gia triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của Ngân hàng Hợp tác tới thành viên trên địa bàn, góp phần đưa các sản phẩm ngân hàng hiện đại của Ngân hàng Hợp tác tới thành viên, tăng cường mối liên kết giữa Ngân hàng Hợp tác và QTDND, đồng thời gia tăng nguồn thu cho QTDND.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ khả năng thanh toán, đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời đối với khách hàng thành viên của QTDND, thông qua dịch vụ thấu chi trên tài khoản thanh toán cho các QTDND, hàng năm Ngân hàng hợp tác đều dự trữ nguồn vốn lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng đảm bảo nhu cầu thanh toán của các QTDND và thành viên luôn được thông suốt.
Thêm vào đó, nhằm hỗ trợ, đồng hành và dẫn dắt hệ thống QTDND trong chuyển đổi số, Ngân hàng Hợp tác luôn ưu tiên các nguồn lực để thực hiện chính sách miễn phí toàn bộ các loại phí triển khai và hỗ trợ vận hành các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đồng thời thực hiện miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền cho QTDND thành viên tham gia hệ thống Ngân hàng điện tử; miễn phí các giao dịch trên ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking, hỗ trợ phí SMS cho các giao dịch chuyển tiền tại QTDND… 
Cùng với đó, trên hành trình kiến tạo nền tảng số nhằm hỗ trợ, dẫn dắt hệ thống QTDND chuyển đổi số, Ngân hàng Hợp tác tiếp tục tập trung nâng cao năng lực quản trị điều hành của chính mình như: Triển khai hệ thống thông tin quản lý (MIS); Triển khai hệ thống quản lý nguồn vốn, điều chuyển nguồn vốn và kinh doanh vốn (TMS - Treasury Management System); Triển khai hệ thống quản lý báo cáo Quỹ Tín dụng nhân dân (People’s Credit Fund Report Management System)…đồng thời đẩy mạnh đầu tư các hệ thống CNTT để đảm bảo an ninh an toàn và khả năng dự phòng của toàn bộ hệ thống như: Xây dựng Trung tâm điều hành An ninh mạng (SOC) tập trung của Ngân hàng Hợp tác; Nâng cấp Trung tâm dữ liệu của Ngân hàng Hợp tác hiện đại, đáp ứng đầy đủ các quy định; Xây dựng, triển khai Trung tâm dữ liệu dự phòng; Xây dựng các hệ thống quản trị rủi ro tập trung…
Với quan điểm phát triển ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hướng đển phục vụ hệ thống QTDND và nâng cao năng lực cạnh tranh của QTDND; xây dựng Ngân hàng Hợp tác hoạt động trên nền tảng công nghệ hiện đại, Ngân hàng Hợp tácđang tích cực nghiên cứu, phối hợp với dự án STEP, các đơn vị uy tín như NAPAS, VNPAY, Công ty tin học Hiệp Hội QTDND, Công ty NGV…xây dựng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại mới cung cấp cho hệ thống QTDND và sớm đưa vào triển khai trên toàn hệ thống, bao gồm:
- Phát triển ứng dụng di động về Giáo dục tài chính (Co-opSmart) để cung cấp kiến thức tài chính và hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ là khách hàng và thành viên của Co-opbank và QTDND.
- Xây dựng ứng dụng Mobile Banking cho QTDND nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ cho phép QTDND tiếp cận các dịch vụ và có thể hỗ trợ nhu cầu các thành viên QTDND 24/7.
- Triển khai giải pháp eKYC xác thực khách hàng nhằm đảm bảo nhu cầu mở tài khoản/Đăng ký dịch vụ Ngân hàng số ngay trên ứng dụng Co-opBank Mobile Banking cho các khách hàng thành viên QTDND, khách hàng vùng sâu, vùng xa.
- Xây dựng hệ thống trục tích hợp (Payment Hub) kết nối trực tiếp giữa hệ thống công nghệ của Ngân hàng hợp tác với hệ thống Core của các QTDND để từ đó các QTDND có thể cung cấp trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cho thành viên QTDND ngay tại hệ thống lõi của QTDND.
- Xây dựng hệ thống tài khoản định danh (VAM) cho phép các QTDND thực hiện quản lý, chăm sóc các thành viên và quản lý, giám sát được dòng tiền đi, đến tài khoản thanh toán của Quỹ mở tại Ngân hàng Hợp tác từ đó thực hiện việc thu hộ, chi hộ, thu nợ/lãi… các thành viên được nhanh chóng và chính xác. 
- Tiếp tục mở rộng chia sẻ doanh thu và trả phí tư vấn thành viên cho các QTDND tham gia triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại của Ngân hàng Hợp táctới khách hàng trên địa bàn, góp phần tăng nguồn thu cho QTDND. Trong thời gian tới Ngân hàng Hợp tác tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác chia sẻ lợi ích với QTDND giúp QTDND tăng tỷ trọng thu nhập từ các dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của QTDND đảm bảo QTDND ngày càng phát triển an toàn và bền vững.
Đây là những bước tiến lớn, mang tính bản lề cho việc xây dựng một nền tảng số hiện đại làm trụ đỡ cho hệ thống QTDND và là tiền đề để Ngân hàng hợp tácphát huy vai trò ngân hàng của các QTDND, xây dựng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng số hỗ trợ cho các QTDND phát huy vị thế của mô hình kinh tế tập thể thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam đồng thời giúp QTDND giải quyết được rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, đó là 
- Các QTDND sẽ được giảm các gánh nặng đầu tư về hạ tầng, kiến trúc an ninh CNTT đáp ứng yêu cầu, quy định rất cao của NHNN đối với các giao dịch, ứng dụng trên nền tảng số như hệ thống tường lửa, trung tâm dữ liệu chính và dự phòng, tiêu chuẩn kết nối, chi phí tích hợp với các đơn vị cung cấp ngân hàng lõi của QTDND…mà chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng ở mức cơ bản như: Internet, thiết bị tường lửa cơ bản nhất, máy chủ và chữ ký số do Ngân hàng Hợp tácphát hành.
- Các QTDND có thể dễ dàng mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm số đồng nhất trên toàn hệ thống QTDND dựa trên hạ tầng, và các sản phẩm có sẵn của Ngân hàng Hợp tác như hệ thống ngân hàng điện tử, Co-opsmart, Mobile Banking, hệ thống Payment Hub, Hệ thống tài khoản định danh... một cách nhanh chóng, dễ dàng với chi phí rất hợp lý.
- Được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các QTDND về công nghệ thông tin, chuyển đổi số… đảm bảo cho các QTDND có thể sẵn sàng kết nối với Ngân hàng Hợp tácđể phối hợp triển khai hệ thống dịch vụ ngân hàng số.
- Đảm bảo được an ninh an toàn bảo mật đối với các giao dịch trên nền tảng số cũng như tăng cường được sự tin tưởng của các thành viên khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.
- Phạm vi và mạng lưới của các dịch vụ sản phẩm được thực hiện đồng nhất trên toàn bộ các QTDND từ đó nâng cao tính liên kết hệ thống, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ với các NHTM.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò “Ngân hàng của các QTDND” về chuyển đổi số với hệ thống QTDND, Ngân hàng Hợp tác rất cần sự hỗ trợ của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà Nước, Hiệp Hội QTDND cũng như chính các QTDND để đảm bảo quá trình chuyển đổi số đạt được những giá trị mới, kiến tạo tương lai hệ thống QTDND ngày càng phát triển an toàn, bền vững. Cụ thể như sau:
* Đối với Chính Phủ:
- Đề nghị giảm 50% mức thuế hiện hành áp dụng đối với Ngân hàng Hợp tácvà các QTDND do đây là loại hình TCTD hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu là tương trợ giúp đỡ thành viên; đồng thời tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại hệ thống QTDND.
- Đề nghị tiếp tục có chính sách ưu đãi dành cho Ngân hàng Hợp tác và các QTDND về hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc vốn vay, viện trợ nước ngoài để xem xét, cấp bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước để đến năm 2025 nâng mức vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác lên hơn 8.000 tỷ đồng nhằm phát triển Ngân hàng Hợp tác thành một Ngân hàng đầu mối phục vụ hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn, bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tập thể và nông nghiệp - nông thôn.
* Đối với Ngân hàng Nhà Nước:
- Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, hỗ trợ Ngân hàng Hợp tác và các QTDND để hệ thống TCTD là HTX hoạt động ổn định, thuận lợi và phát triển bền vững; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù trong hoạt động của QTDND đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và Ngân hàng Hợp tác.
- Đối với các QTDND đã được Ngân hàng Hợp tác đào tạo nghiệp vụ ngân hàng điện tử nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp phép hoạt động thanh toán chuyển tiền, Ngân hàng Hợp tác kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện cấp bổ sung giấy phép hoạt động cho những QTDND đủ điều kiện để được thực hiện dịch vụ thanh toán chuyển tiền đáp ứng nhu cầu của QTDND và thành viên trên địa bàn.
- Cho phép Ngân hàng Hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm thí điểm mô hình hợp tác với các QTDND ở vai trò đại lý để thí điểm triển khai các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh mới tới khách hàng thành viên. 
- Với nhiệm vụ trọng tâm là “Ngân hàng của các QTDND”. Ngân hàng Hợp tác đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống thanh toán hướng tới là “Trung tâm thanh toán của hệ thống QTDND” làm đầu mối tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số nhằm cung ứng cho QTDND và thành viên các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn với chi phí thấp, Ngân hàng Hợp tác đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố giao cho Ngân hàng Hợp táclàm đầu mối kết nối thanh toán cho tất cả các QTDND trên địa bàn để đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán chuyển tiền của QTDND và cả hệ thống.
* Đối với Hiệp Hội QTDND:
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Hợp tác trong quá trình triển khai chuyển đổi số của hệ thống QTDND, kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc của các QTDND trong quá trình chuyển đối số để từ đó cùng Ngân hàng Hợp tác huy động và tận dụng mọi nguồn lực có thể để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
- Đầu mối phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức các văn bản liên quan đến Chuyển đổi số cho hệ thống QTDND từ đó nâng cao nhận thức cũng như chất lượng nguồn nhân lực các QTDND về Công nghệ thông tin.
* Đối với QTDND:
- Để chuyển đổi số thành công, tầm nhìn, vai trò của người lãnh đạo QTDND rất quan trọng. Do vậy, Lãnh đạo các QTDND cần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong môi trường cạnh tranh hiện nay cũng như nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng mối liên kết trong hệ thống QTDND để cùng Ngân hàng Hợp táctriển khai thành công chiến lược chuyển đổi số và phát triển an toàn hiệu quả.
- Các QTDND cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Hợp tác qua các Chi nhánh trong việc cập nhật kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Hợp tác, đề xuất các chu cầu trong quá trình chuyển đổi số như nhu cầu đào tạo, định hướng hạ tầng cơ sở nhu cầu sản phẩm dịch vụ cho các thành viên…để Ngân hàng Hợp tác có thể hỗ trợ một cách tốt nhất về công nghệ, nguồn lực, sản phẩm cho các QTDND.
- Các QTDND cần bắt đầu ngay quá trình chuẩn bị để thực hiện các công việc cho Chuyển đổi số, cụ thể:
+ Chuẩn bị nguồn nhân lực và tập trung đào tạo chất lượng nguồn nhân lực của các QTDND về công nghệ thông tin, quy trình quản trị, quy trình làm việc mới để đảm bảo QTDND tránh được những khó khăn khi vận hành và áp dụng những công nghệ, dịch vụ sản phẩm cũng như quy trình kinh doanh mới trong quá trình chuyển đổi số nói chung và của Ngân hàng Hợp tácnói riêng.
+ Chuẩn bị nguồn lực tài chính để nâng cấp, hoàn thiện và chuẩn hóa hạ tầng công nghệ thông tin theo đúng quy chuẩn để có thể sẵn sàng kết nối, tích hợp với Ngân hàng Hợp tác triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính trực tuyến.
+ Chuẩn hóa lại các quy trình nội bộ theo hướng nâng cao năng lực điều hành thông qua việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ, phân tích và ra quyết định.
Theo Ngân hàng HTX Việt Nam.

Các tin liên quan