14.02.2022 14:47

Nâng cao nội lực để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương

Tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế song hành với việc nâng cao chất lượng hoạt động. Đó là trọng tâm chỉ đạo và điều hành xuyên suốt của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đối với hệ thống QTDND trên địa bàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Duy Chinh cho biết, ngay từ đầu năm 2021, NHNN chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các QTDND bám sát mục tiêu hoạt động năm 2021 trên từng phần nghiệp vụ như quản trị điều hành, công tác tín dụng, công tác kiểm soát, công tác tài chính và kho quỹ. Đồng thời chỉ đạo các QTDND trên địa bàn rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế hoạt động đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, tình hình thực tế và quy mô hoạt động của từng quỹ, đặc biệt quan tâm đến quy chế cơ cấu nợ. NHNN tỉnh cũng chỉ đạo các QTDND kiện toàn công tác nhân sự; Tiếp tục thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2020-2025 đã được NHNN chi nhánh phê duyệt, bám sát và thực hiện có hiệu quả những nội dung theo phương án đã xây dựng, định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện về NHNN tỉnh; tình hình thực hiện Thông tư số 21/2019/TT-NHNN, hàng quý báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên và các quy định của Thông tư 21/2019/TT-NHNN, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm, NHNN chi nhánh định hướng tăng trưởng vốn điều lệ của các QTDND trên địa bàn: tăng từ 30% trở lên với các quỹ có vốn điều lệ dưới 2 tỷ đồng. Thực hiện theo định hướng trên, trong năm 2021 các QTDND trên địa bàn đều quan tâm đến việc tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn góp và quỹ đầu tư phát triển. Trong năm đã có 6 quỹ có vốn điều lệ tăng trên 100%; 20 quỹ có vốn điều lệ tăng từ 20%-100%, 5 quỹ có vốn điều lệ tăng dưới 20%. Tổng vốn điều lệ của 31 QTDND đến 31/12/2021 là 155 tỷ đồng, tăng 56 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 56,5% so với cuối năm 2020; chiếm 3,6%/ tổng nguồn vốn hoạt động. 31/31 quỹ có vốn điều lệ trên 01 tỷ đồng, 26/31 quỹ có vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng.
Đ/c Hoàng Duy Chinh - Phó Giám đốc NHNN tỉnh phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ QTDND năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Đây là một trong những chỉ tiêu thể hiện sự phát triển bền vững và là cơ sở để các quỹ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư tài sản cố định hiệu quả hơn. NHNN tỉnh đã có văn bản chấp thuận cho 4 quỹ xây dựng mới trụ sở làm việc và 3 quỹ được sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc và mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động đảm bảo phù hợp với quy mô và Luật Các tổ chức tín dụng.

NHNN chi nhánh tỉnh cũng thường xuyên có văn bản cảnh báo rủi ro trong hoạt động để QTDND có biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, hạn chế rủi ro; đồng thời chỉ đạo các QTDND thực hiện gửi vốn tại Ngân hàng Hợp tác xã theo đúng quy định tại Thông tư 04.

*******

Từ sự chỉ đạo sát sao của NHNN tỉnh và nỗ lực của từng QTDND, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của các QTDND trên địa bàn vẫn đạt được sự tăng trưởng so với năm 2020. Trong năm 2021, mặc dù lãi suất huy động tiền gửi dân cư được điều chỉnh theo hướng giảm dần, song các QTDND vẫn tạo được nguồn từ kênh huy động tại chỗ. Đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn của 31 QTDND trên địa bàn tỉnh là 4.318 tỷ đồng, tăng 612 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 16,5% so với 31/12/2020. Bình quân mỗi QTDND có nguồn vốn hoạt động 139 tỷ đồng.

Phó Giám đốc NHNN tỉnh Hoàng Duy Chinh, cho biết trong năm qua, việc gia tăng nhanh chóng về vốn huy động dẫn đến khả năng các quỹ vi phạm tỷ lệ vốn huy động/ vốn chủ sở hữu, và gửi vốn tại TCTD khác ngoài Ngân hàng Hợp tác xã. Vì vậy, NHNN chi nhánh đã thường xuyên có văn bản yêu cầu các quỹ cần điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với xu hướng thị trường để tránh rủi ro về lãi suất, mất cân đối về nguồn vốn và sử dụng vốn, vi phạm tỷ lệ nguồn vốn huy động/vốn chủ sở hữu. Kết quả đến 31/12/2021, nguồn vốn huy động của các QTDND trên địa bàn đạt 3.925 tỷ đồng (chiếm 90,9%/ tổng nguồn vốn), tăng 582 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 17,4% so với cuối năm 2020; các quỹ đều có tỷ lệ vốn huy động/ tổng nguồn vốn tương đối cao từ 80-95%. Có 27 QTDND đã hoàn toàn chủ động được nguồn vốn không phải vay vốn của Ngân hàng Hợp tác xã.

Số lượng thành viên các QTDND đã có sự tăng trưởng trở lại sau khi các quỹ thực hiện xong việc rà soát, chấm dứt tư cách thành viên đối với thành viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư 04. Đến 31/12/2021, các QTDND trên địa bàn có 27.126 thành viên (bình quân 875 thành viên/quỹ), tăng 1.268 thành viên, tỷ lệ tăng 4,9% so với cuối năm 2020.

Trong năm, các QTDND đã đầu tư cho 9.966 thành viên vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, phát triển làng nghề truyền thống… góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế địa phương; tạo công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống thành viên. Đến 31/12/2021, tổng dư nợ cho vay của 31 QTDND là 3.036 tỷ đồng, tăng 220 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,8% so với 31/12/2020 (năm 2020 là 13,2%); Cơ cấu dư nợ chủ yếu là cho vay ngắn hạn, chiếm tỷ lệ 77,8% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 0,2%; trong đó có: 16/31 quỹ không có nợ xấu và 15 quỹ có nợ xấu dưới 1%.
Bước tiếp trên chặng đường phát triển mới, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Duy Chinh cho biết qua công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ cho thấy, các QTDND cơ bản hoạt động an toàn, ổn định, kết quả kinh doanh hàng năm có lãi. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong chỉ đạo điều hành hoạt động của QTDND như: Chưa chấp hành tốt một số chỉ tiêu, giới hạn tỷ lệ an toàn trong hoạt động; chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định về thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, chủ yếu là vị trí Chủ tịch, Giám đốc và Kiểm soát trưởng; chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Đặc biệt năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song một số quỹ chưa chia sẻ hết khó khăn với thành viên, còn áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận dẫn đến lãi suất còn cao; một số quỹ không năng động nên không tăng được dư nợ hoặc tăng chậm, song một số quỹ lại có biểu hiện tăng trưởng nóng…

Để hóa giải những nút thắt này, đặc biệt trong bối cảnh năm 2022, vẫn là năm còn nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, vì đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc, trên cơ sở điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN Việt Nam và đặc thù hoạt động ngân hàng trên địa bàn, NHNN tỉnh xây dựng mục tiêu cho năm 2022 đối với hệ thống QTDND trên địa bàn. Theo đó, nguồn vốn điều lệ; vốn huy động và dư nợ vay sẽ phụ thuộc vào quy mô quỹ. Quỹ có số dư cao thì tăng thấp hơn; quỹ có số dư nhỏ thì tăng cao hơn, có điều chỉnh tăng giảm theo tình hình thực tế và địa bàn hoạt động của từng QTDND. Trước mắt ngay trong 6 tháng đầu năm 2022, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ chỉ đạo và giám sát các QTDND xây dựng và triển khai các giải pháp tăng trưởng nguồn vốn điều lệ để đảm bảo giới hạn vốn huy động không quá 20 lần vốn điều lệ; phấn đấu nợ xấu nội bảng dưới 1%.
Quỹ tín dụng nhân dân Liên phường Hòa Xuân, tỉnh Vĩnh Phúc
Đồng thời, NHNN tỉnh sẽ chỉ đạo và giám sát các QTDND trên địa bàn triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong đó tập trung 2 nhiệm vụ lớn. Một là, tập trung công tác huy động vốn để chủ động nguồn vốn đầu tư cho thành viên vay phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; Tăng nguồn vốn điều lệ để tăng nguồn vốn chủ sở hữu bền vững trong việc mở rộng đầu tư kinh doanh. Hai là, thực hiện nghiêm túc các quy định về cho vay thành viên; về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động; về lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Chia sẻ khó khăn đối với thành viên; tạo điều kiện để thành viên duy trì sản xuất kinh doanh cũng như phát triển kinh tế; Chấp hành nghiêm chế độ chi tiêu tài chính theo quy định của Nhà nước và NHNN. Nếu quỹ nào không chấp hành nghiêm, thanh tra kiến nghị không chỉnh sửa, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn theo quy định, nhằm góp phần lành mạnh hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn, đảm bảo phát triển ổn định bền vững, không ngừng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày một giàu mạnh.
Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan