26.05.2022 08:35

Kiểm soát nợ xấu: Thách thức không nhỏ

Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế…
Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 10 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%

Để xử lý nợ xấu hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương

Đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ xấu

Từ đầu năm đến nay các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.

Chẳng hạn VietinBank đã phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá và lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, khoản nợ để thu hồi nợ xấu với các khoản nợ có giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này đang muốn chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ phát sinh với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải dầu khí Đại Lộc tại chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ. Tổng dư nợ của khoản vay này đến ngày 13/5 là hơn 119 tỷ đồng, bao gồm 80,4 tỷ đồng nợ gốc và 38,6 tỷ đồng nợ lãi.

Một ngân hàng khác là Vietcombank cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ vay…
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan

Mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực, song Thống đốc cũng cho biết, thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý. Trong đó, có khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương: Về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu (Điều 6 Nghị quyết số 42); Về quyền thu giữ TSBĐ (Điều 7 Nghị quyết số 42); Về áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 8 Nghị quyết số 42); Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ (Điều 12 Nghị quyết số 42); Về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết số 42). Bên cạnh đó, còn có khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn.

Từ việc phân tích bối cảnh nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới, Thống đốc NHNN nêu rõ, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. “Việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42 là vấn đề cấp bách về kinh tế để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch Covid-19...”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Trường hợp được phê duyệt việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại kỳ họp vào tháng 5 năm 2022.

Kéo dài thời hạn áp dụng đến ngày 31/12/2023

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 nhằm tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành. “Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế…”, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Nhiều ý kiến cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo UBTVQH cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại kỳ họp vào tháng 5 năm 2022 theo thẩm quyền quy định tại Điều 146 và Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đánh giá nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là NHNN và sự chủ động của Ủy ban Kinh tế, các cơ quan Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ trình UBTVQH liên quan đến Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu... tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm. Đồng thời, phải có so sánh với các mục tiêu và kết quả tổng thể so với quy định tại Nghị quyết 42, đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu, ảnh hưởng của việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.

Đối với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kéo dài toàn văn nghị quyết, bổ sung thêm căn cứ kéo dài. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến 31/12/2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.

Tại phiên họp, sau khi thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết về việc bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 với 100% các thành viên Thường vụ có mặt biểu quyết tán thành và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào năm 2022, nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42. Thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại một kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2002.

“Về hình thức, UBTVQH thống nhất không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp. Đồng thời, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42, thời hạn kéo dài đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với Nghị quyết 42”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan