15.02.2024 13:29

Khai phá sức mạnh dữ liệu số

Theo đánh giá của các chuyên gia, dữ liệu là một loại tài nguyên mới. Thậm chí có ý kiến còn ví dữ liệu là “dầu mỏ”; cũng có người lại gọi là “đầu vào mới của sản xuất”. Đối với ngành Ngân hàng, dữ liệu lại càng quan trọng, nếu được khai thác đúng cách, dữ liệu sẽ giống như “con hổ” được đánh thức, sẽ tạo ra những đột phá cho các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh.

“Xung lực” thay đổi diện mạo ngân hàng

Nhận thức được tầm quan trọng và tiềm năng khổng lồ từ loại tài sản quý này trong hoạt động của mình, thời gian qua, các ngân hàng đã và đang dành không ít nguồn lực để canh tác “mảnh đất màu mỡ này”. Nhiều nhà băng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID.

Nhận định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử của Bộ Công an là một bước tiến vượt bậc trong Chiến lược chuyển đổi số, hỗ trợ rất nhiều cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động ngân hàng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV chia sẻ, ngân hàng đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, NHNN triển khai phục vụ 4 nhóm tiện ích của Đề án 06. Bên cạnh đó, BIDV đang tích cực tham gia Chương trình phục vụ công dân số (dự án sử dụng tài khoản định danh điện tử kèm tài khoản ngân hàng) và phối hợp với C06 Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan triển khai chương trình làm giàu cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho yêu cầu tất cả các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345 của NHNN.

Tại VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc cũng cho biết, ngân hàng đã thu thập được hơn 6 triệu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng qua quá trình mở tài khoản eKYC cũng như thông qua thu thập sinh trắc học trên điện thoại và tại quầy. Tuy nhiên, với yêu cầu mong muốn làm sạch một lần và làm sạch lại hết những dữ liệu cũ, VietinBank sẽ tích hợp với Trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia để làm sạch lại toàn bộ 6 triệu dữ liệu sinh trắc học đã thu thập cũng như yêu cầu tất cả khách hàng chưa có sinh trắc học sẽ phải đến môi trường ngân hàng số VietinBank thông qua ứng dụng số để bổ sung, cập nhật và làm giàu dữ liệu ngân hàng.

Trong thế giới ngày càng kết nối, việc đặt dữ liệu làm trọng tâm sẽ hỗ trợ ngân hàng cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bởi qua phân tích và ứng dụng thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau, ngân hàng có thể hiểu rõ hơn về khách hàng cũng như dự đoán xu hướng thị trường và tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Chính vì vậy, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được các ngân hàng coi trọng.

Trong kế hoạch số 01/KHPH-NHNN-BCA được ký kết giữa NHNN và Bộ Công an đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ, một trong số đó là khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giúp các TCTD làm sạch dữ liệu của mình. Bởi như Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, nếu không có dữ liệu sạch thì sẽ không có câu chuyện tiếp sau. Đặc biệt là việc làm sạch thông tin khách hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các ngân hàng.

Đại diện các nhà băng cũng đánh giá, việc NHNN và Bộ Công an ký kết kế hoạch số 01 đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận để giải quyết những vấn đề liên quan đến dữ liệu và hồ sơ khách hàng, từ đó có thể giảm thiểu những giả mạo và đảm bảo an toàn thanh toán. Tại Vietcombank, đại diện ngân hàng cho biết đã thực hiện 8/11 nhiệm vụ trong năm 2023 theo Kế hoạch 01, tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp; ứng dụng VneID; chấm điểm khả tín…

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn, đến cuối năm 2023, 53 TCTD đã phối hợp với các doanh nghiệp do Bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip. 43 TCTD đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các TCTD, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để dữ liệu biến thành “dầu mỏ”

Theo Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đến năm 2025 định hướng năm 2030 đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; Ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; Ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động...

Số lượng giao dịch cũng như khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng gia tăng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải đẩy nhanh hoàn thành làm sạch dữ liệu giúp giảm thiểu rủi ro tổn thất tài chính tới khách hàng, ngăn chặn tội phạm cũng như tạo được niềm tin của người dân về ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt. Để giữ chân được khách hàng, thì cần phải có được sự tin tưởng của khách hàng. Và để có được điều đó, việc kinh doanh của ngân hàng cần có định hướng tốt hơn dựa trên dữ liệu, đảm bảo sự phát triển dựa trên dữ liệu có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Cùng với việc khai thác, sử dụng dữ liệu thì công tác đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật rất quan trọng. Bởi lẽ, trong quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Các tổ chức phải duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu.

Nói về vấn đề này, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho rằng, một trong những mô hình đang được phát triển từ dữ liệu đó là ngân hàng mở. Nếu được phát triển sẽ mở ra các kênh tiếp cận mới, điểm chạm để thu hút khách hàng cũng như phục vụ các nhu cầu khác nhau của người dùng. Tuy nhiên, ngân hàng mở cũng tiềm ẩn một số rủi ro, thách thức như rủi ro về dữ liệu, rủi ro bên thứ ba khi cần phân định trách nhiệm các bên khi xảy ra sự cố thất thoát dữ liệu, tổn thất tài chính cho khách hàng; rủi ro cũng đến từ công nghệ khi cần liên tục nâng cấp nền tảng công nghệ để đáp ứng lưu lượng sử dụng và bảo mật. “TPBank và các ngân hàng nói chung đều phải rất chủ động trong quản lý, xây dựng hệ thống, bảo mật dữ liệu khách hàng khi chia sẻ, kết nối với đối tác”, ông Hưng lưu ý.

Bên cạnh sự chủ động của các ngân hàng, về phía cơ quan quản lý cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo động lực cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số nhưng vẫn phải đảm bảo vừa phát triển, hành lang pháp lý đủ để đảm bảo kiểm soát rủi ro cho hoạt động này…

Với tất cả những nỗ lực của cơ quan quản lý và các TCTD, các chuyên gia tin tưởng, dữ liệu sẽ biến thành “dầu mỏ” giúp ngân hàng Việt sẽ đi nhanh hơn trên quá trình chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu ngân hàng số hoàn toàn sẽ không còn xa.

Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan