Ngày 24/6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân (VAPCF) và Trung tâm trọng tài thương mại và đầu tư Việt Nam (VTIAC) tổ chức Chương trình tập huấn “Giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng bằng phương thức hoà giải thương mại và trọng tài thương mại”.
Tham dự chương trình, có đại diện Lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ pháp chế NHNN, đại diện các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng HTX Việt Nam và 54 cán bộ lãnh đạo đại diện cho các QTDND hội viên.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng đa dạng và phát triển thì tranh chấp là không tránh khỏi và có xu hướng gia tăng. Hiện nay, rất nhiều vụ án về kinh tế được chuyển giao xét xử tại tòa án, dẫn đến tình trạng quá tải tại các tòa án trong khi số lượng thẩm phán không đủ đảm bảo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA phát biểu khai mạc Chương trình. (Ảnh: Tạ Dũng).
Trước thực trạng quá tải tại các tòa án khiến các vụ án không được xử lý kịp thời, ông Nguyễn Quốc Hùng đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta không lựa chọn thêm phương thức khác là phương thức hoà giải thương mại và trọng tài thương mại, những phương thức không mới?. Luật Trọng tài thương mại được ban hành ngày 17/6/2010, cách đây 12 năm. Và 7 năm sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017 về hòa giải thương mại. Các hình thức này có nhiều ưu điểm so với giải quyết tranh chấp tại tòa án song vẫn chưa được áp dụng nhiều.
“Chúng tôi mong rằng qua chương trình này, các đại biểu tham dự sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích từ những kiến thức được chia sẻ bởi các chuyên gia về trọng tài và hòa giải thương mại. Từ đó, nghiên cứu áp dụng các hình thức này trong xử lý tranh chấp với khách hàng, góp phần xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng và của hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, nợ xấu nhiều khả năng sẽ có xu hướng tăng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng thư ký VAPCF. (Ảnh: Tạ Dũng).
Về phía VAPCF, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký VAPCF, chia sẻ: “Tranh chấp trong các hoạt động ngân hàng thương mại là điều không ai mong muốn, tuy nhiên đây là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi mong muốn, thông qua buổi tập huấn, các quỹ tín dụng nhân dân để có thể được trang bị thêm kiến thức để lựa chọn phương thức giải quyết tốt nhất khi xảy ra tranh chấp”.
Thông tin được các diễn giả đưa ra tại chương trình cho thấy, các tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm: tranh chấp về hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp cầm cố và bảo lãnh bằng tài sản giữa ngân hàng và bên đi vay, bên có tài sản; tranh chấp về bảo lãnh thực hiện hợp đồng hay bảo lãnh thanh toán; tranh chấp về tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh tại ngân hàng, tổ chức tín dụng; tranh chấp về tiền gửi tại ngân hàng; tranh chấp về tài trợ thương mại và các tranh chấp khác.
Theo PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, Chủ tịch VTIAC, có hai phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam hiện nay là biện pháp “mềm” và biện pháp “quyết liệt”. Hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là các phương thức thuộc biện pháp “mềm”.
Cụ thể, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc ngân hàng thương mại và khách hàng tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức đóng vai trò là trung gian hòa giải để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp.
Toàn cảnh Chương trình tập huấn. (Ảnh: Tạ Dũng).
Trong khi đó, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên phải thực hiện.
Các quy định pháp luật về hòa giải bao gồm bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 (Chương XXXIII quy định về Thủ tục Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án), Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại, Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.
TS.LS Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VTIAC cho biết, ưu điểm của phương thức hòa giải thương mại là thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn, không làm ảnh hưởng đến uy tín các bên; tiết kiệm được thời gian và chi phí; tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên; không làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh doanh; bảo đảm giữ được bí mật kinh doanh của các bên. Tuy nhiên, biện pháp này là phụ thuộc vào thiện chí của các bên và thỏa thuận hòa giải không có tính bắt buộc thi hành như trọng tài hay toà án.
Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại của VTIAC bao gồm tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải.
Cũng theo TS.LS Nguyễn Thành Nam, quy định pháp luật về trọng tài thương mại bao gồm Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Tố tụng dân sự 2015, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3//2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại; Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.
"Ưu điểm của trọng tài thương mại là thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn, các bên có thể chủ động thời gian địa điểm giải quyết tranh chấp; tiết kiệm được thời gian và chi phí so với tòa án; bảo đảm. bí mật kinh doanh; phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm, buộc các bên phải thi hành", TS.LS Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Dù có nhiều ưu điểm nhưng thực tế hiện nay, hình thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại và trọng tài thương mại vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Vì vậy, với những kiến thức thực tiễn được các diễn giả chia sẻ tại chương trình, các đại biểu tham dự được trang bị thêm kiến thức để lựa chọn phương thức giải quyết tốt nhất khi xảy ra tranh chấp.
Theo Tạp chí Tiền tệ
12.11.2024