Chuyển đổi số mang lại những lợi ích to lớn cho ngành Ngân hàng, bao gồm tăng cường hiệu quả, minh bạch và đảm bảo an toàn trong giao dịch. Hơn nữa, chuyển đổi số còn mở ra cơ hội cạnh tranh mới, giúp các ngân hàng tăng trưởng kinh doanh bền vững hơn, nâng cao vị thế của mình trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức.
Năm 2023 tiếp tục được xem là năm thành công trong chuyển đổi số của các ngân hàng với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại được ra mắt. Hoạt động chuyển đổi số không chỉ giúp tăng tiện ích, bảo đảm cho khách hàng giao dịch an toàn mà còn giúp cho các ngân hàng đạt được kế hoạch tăng trưởng ổn định.
Ông Phùng Quang Hưng - Phó tổng giám đốc NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chia sẻ, tích cực đồng hành và tiên phong thực thi chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và NHNN, Techcombank luôn xem số hóa là một trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững, hướng đến trải nghiệm liền mạch và vượt trội cho khách hàng. Hiện nay Techcombank không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ số, góp phần gia tăng trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Từ thành công của chiến dịch Zero Fee, Techcombank tiếp tục đầu tư cho số hóa và triển khai chính sách Cloud-first... giúp cho số lượng giao dịch qua ngân hàng điện tử của khách hàng cá nhân ngày càng tăng. Chính quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đã giúp kết quả kinh doanh của Techcombank tăng trưởng mạnh.
Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm số các NHTM tích cực đã cho ra mắt ứng dụng công nghệ mới như AI/GenAI...
Bà Phạm Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Giải pháp ngân hàng số NHTMCP Quốc Tế (VIB) chia sẻ, để nâng cao sự cạnh tranh, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển. Nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số nên VIB đã đầu tư chuyển đổi số từ rất sớm. Ba trụ cột chính trong chuyển đổi số của VIB là ngân hàng số, số hóa và dữ liệu. Ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0 với ba trọng tâm gồm cá nhân hóa trải nghiệm người dùng; Tận dụng và tối ưu hóa hàm lượng công nghệ từ AI, Machine Learning, Big Data; Chuyển dịch hoàn toàn lên nền tảng điện toán đám mây. Chỉ sau hơn 1 năm ra mắt, MyVIB 2.0 đã đạt hơn 1,5 triệu người dùng đang hoạt động. Tổng số lượng giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số đạt trên 190 triệu, chiếm hơn 90% tổng giao dịch toàn ngân hàng.
Việc tiên phong chuyển đổi số đã giúp VIB tăng trưởng vững chắc hơn. Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục có các kế hoạch tăng cường đầu tư vào chuyển đổi số cho tất cả sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, chú trọng quản trị rủi ro đảm bảo các hệ số an toàn, lành mạnh và minh bạch... Đặc biệt, năm 2024, VIB sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới nhất như tối ưu hóa hàm lượng công nghệ từ AI, Machine Learning, Big Data, chuyển dịch hoàn toàn lên nền tảng điện toán đám mây để nâng cao trải nghiệm của khách hàng...
Ông Lưu Danh Đức - Phó tổng giám đốc NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chia sẻ, thời gian qua, chuyển đổi số tại SHB đã giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng, cho phép ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, bảo mật và cá nhân hóa hơn. SHB đã đầu tư nhiều nguồn lực và ngân sách thực hiện nâng cấp Core Banking, hệ thống thẻ, ngân hàng đầu tư, giải pháp khởi tạo cho vay (LOS), hệ thống Omni Channel và các hệ thống công nghệ thông tin có liên quan..., đồng thời ứng dụng các giải pháp hiện đại nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... Trong thời gian tới SHB tập trung vào hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo cho nền tảng công nghệ thông tin đó là tốt, chuẩn hóa các hệ thống cơ sở dữ liệu, làm sạch và làm giàu dữ liệu để tạo tiền đề quan trọng trong các kế hoạch chuyển đổi năm 2024.
Không chỉ với khối ngân hàng tư nhân mà các NHTM Nhà nước cũng đẩy mạnh chuyển đổi số. Ông Linh Đức Hoàng - Trưởng Ban Khách hàng cá nhân của Agribank cho biết, Agribank xác định chuyển đổi số là bước đi chiến lược đúng đắn và quan trọng. Theo đó, Agribank đã ban hành kế hoạch Chuyển đổi số định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tối thiểu 80% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tối thiểu 70% quyết định giải ngân, cho vay của Agribank đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động. Để hiện thực hóa chiến lược thời gian qua, mỗi năm Agribank đều dành ngân sách lớn đầu tư công nghệ. Trong năm 2023, Agribank chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số và các dịch vụ thanh toán không tiền mặt như: Mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc…
Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, với xu hướng số hóa ngày càng phát triển, hoạt động chuyển đổi số vẫn tiếp tục được tăng cường hơn trong 5 năm tới. Đặc biệt các ngân hàng sẽ chạy đua ứng dụng các công nghệ mới như AI, an ninh thông tin (Cyber Security), điện toán đám mây... Chuyển đổi số mang lại những lợi ích to lớn cho ngành Ngân hàng, bao gồm tăng cường hiệu quả, minh bạch và đảm bảo an toàn trong giao dịch. Hơn nữa, chuyển đổi số còn mở ra cơ hội cạnh tranh mới, giúp các ngân hàng tăng trưởng kinh doanh bền vững hơn, nâng cao vị thế của mình trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức.
Theo Thời báo Ngân hàng.