Bên cạnh việc nâng cao sự hiểu biết của người dân về lĩnh vực tài chính và các dịch vụ tài chính ngân hàng, thì phát triển các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính và những loại hình dịch vụ ngân hàng phù hợp là vô cùng quan trọng.
Thúc đẩy “tài chính toàn diện” đang là xu hướng mới của các nước trên thế giới, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân và DN thuận tiện với chi phí hợp lý nhất. Trong đó, tập trung nâng cao khả năng tiếp cận của những người yếu thế trong xã hội. Ở Việt Nam, đó là những người dân sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hay các DN nhỏ.
Số liệu thống kê cho thấy hiện nay, Việt Nam có mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nhóm này còn rất hạn chế. Vấn đề đó đã được đưa vào chương trình nghị sự của Chính phủ từ năm 2017 và NHNN được giao làm đầu mối, thực hiện, phối hợp với các cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm điều phối chung về tài chính toàn diện cho người dân. Để thúc đẩy tài chính toàn diện, bên cạnh việc nâng cao sự hiểu biết của người dân về lĩnh vực tài chính và các dịch vụ tài chính ngân hàng, thì phát triển các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính và những loại hình dịch vụ ngân hàng phù hợp là vô cùng quan trọng.
Ở Việt Nam, mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân có thể xem là một trong những yếu tố tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện do có hoạt động bám sát các vùng sâu vùng xa. Từ năm 1993, Việt Nam đã xây dựng và hình thành hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (theo Quyết định số 390/QĐ-TTg) và loại hình TCTD hợp tác, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Mục tiêu chủ yếu để tương trợ giữa các thành viên, nhằm phát huy sức mạnh tập thể và từng thành viên, giúp nhau thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống nhân dân.
Sau gần 25 năm hoạt động, hệ thống quỹ tín dụng đã không ngừng hoàn thiện, mô hình hoạt động đến nay cũng đã có sự đổi mới đáng kể so với mô hình hệ thống đầu thập niên 1990. Việc thành lập Ngân hàng Hợp tác xã (Co.op Bank) năm 2013 từ chuyển đổi Quỹ tín dụng Trung ương, làm đầu mối của hệ thống quỹ ở các địa phương và giữ vai trò điều hòa vốn, đến nay đã cho thấy những hiệu quả rất khả quan. Theo đó, quy mô và số lượng các quỹ tín dụng đã tăng đáng kể, chất lượng hoạt động có nhiều cải thiện.
Đến nay với 1.177 quỹ tín dụng trên cả nước đang hoạt động trên hầu hết các tỉnh, thành góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Những kết quả đạt đó đã khẳng định quỹ tín dụng là một mô hình kinh tế hợp tác thành công trong một nền kinh tế chuyển đổi theo cơ chế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam.
Quỹ tín dụng với mô hình hoạt động như vậy đã được khẳng định là một tổ chức có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những người nghèo cần được tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng trong quá trình phát triển tài chính toàn diện. Chính vì vậy, phát triển quỹ tín dụng trong thời gian tới là rất cần thiết và có ý nghĩa, không chỉ về phát triển kinh tế, mà còn thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân đẩy lùi nạn tín dụng đen, đồng thời, lấp đầy những khoảng trống tín dụng.
NHNN Việt Nam đang triển khai Đề án phát triển hệ thống quỹ tín dụng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Vấn đề quan trọng trong sự phát triển này là các cơ quan quản lý phải có cơ chế giám sát hiệu quả, thúc đẩy đào tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tín dụng. Quan trọng hơn, từng quỹ tín dụng cần phải đặt ra chiến lược phát triển cho riêng mình, bằng cách nâng cao năng lực quản trị điều hành. Hơn nữa, cần đẩy mạnh vai trò tư vấn đối với người dân và ứng dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến để thực hiện và đa dạng hóa các dịch vụ được phép thực hiện.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh13.11.2024
30.10.2024