09.04.2009 13:37

WB: Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò trọng yếu - Năm 2009, tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 5,5%.

Trong Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa công bố hôm 7/4, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á năm 2009 dự báo sẽ chỉ đạt 5,3%; Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,5%, cao hơn khá nhiều mức 4,8% mà Quỹ Tiền tệ  Quốc tế (IMF) đưa ra hồi giữa tháng 3.

Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với tựa đề Nỗ lực đẩy lùi suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2008 là một năm khá thành công đối với Việt Nam. Mặc dù năm 2009 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, song Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa ra những chính sách quyết liệt để kích cầu nền kinh tế và chuyển hướng ưu tiên từ tăng trưởng sang ổn định nền kinh tế, nên năm 2009 tăng trưởng của Việt Nam dự báo sẽ đạt 5,5% - một mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chìm sâu vào suy thoái và chỉ đứng sau Trung Quốc (6,5%).

Trong năm 2009, nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán ở Việt Nam là thấp. Mặc dù giải ngân vốn ODA có khả năng giảm mạnh trong năm, song lượng kiều hối được đánh giá là sẽ ổn định ở mức cao chủ yếu là do người Việt Nam có tuổi ở nước ngoài đầu tư về nước chuẩn bị cho giai đoạn hưu trí. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể ít bị ảnh hưởng hơn các nước khác do khả năng cạnh tranh tốt, đặc biệt Việt Nam có thể sẽ được Mỹ đưa vào danh sách hưởng ưu đãi từ hệ thống Ưu đãi phổ cập; trong khi đó nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu khiến thâm hụt thương mại giảm chuyển dần sang thặng dư ở mức thấp. Các luồng vốn ngắn hạn có thể hạn chế sự biến động của tỷ giá hối đoái khiến khả năng giảm giá thực tế đồng tiền Việt Nam trong năm 2009 là thấp.

Đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam, WB cho rằng, CSTT được đưa ra đúng lúc đã giảm thiểu tác động của các cú sốc từ biến động về giá cả trên thị trường thế giới và nhu cầu xuất khẩu; tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn cũng khiến cho các CSTT trở nên hiệu quả.

Tuy nhiên, theo WB, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò chính trong năm 2009. Nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhu cầu yếu ớt trên thị trường toàn cầu - điều này dẫn tới sức cầu trong nước thấp đi. Tín dụng ngân hàng và bảo lãnh vay với lãi suất thấp có thể kéo lại sức cầu do đầu tư thương mại đã cạn kiệt nguồn vốn. Mặc dù vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công. Chính phủ Việt Nam cũng đã công bố gói kích cầu bao gồm trợ cấp bằng tiền mặt (một lần) cho các hộ nghèo, tăng chi hạ tầng cơ sở, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất bảo lãnh tín dụng đối với các khoản vay dành cho DNNVV. Trong bối cảnh này, WB dự báo, thâm hụt ngân sách nhà nước cho năm 2009 sẽ vào khoảng 7% GDP.
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan