31.10.2017 10:03

Vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi trong hoạt động giám sát quỹ tín dụng ở Canada

Tổng quan về hệ thống quỹ tín dụng ở Canada
Tại Canada, các quỹ tín dụng (QTD) hình thành vào đầu những năm 90 ở Quebec. Các QTD hoạt động dưới hình thức những hợp tác xã tài chính, chuyên cung cấp các tài khoản tiết kiệm và thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn và các dịch vụ tài chính khác. Cơ chế hoạt động QTD quy định chỉ có thành viên mới có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính. Trước đây, hệ thống QTD ở Canada gồm QTD cấp liên bang và cấp tiểu bang. Đến năm 2012, chính phủ nước này đã cho phép các QTD cấp tiểu bang có thể nâng cấp lên thành QTD cấp liên bang (gọi tắt là FCU) để có thể hoạt động kinh doanh và phát triển hệ thống trên khắp đất nước. Khi nâng cấp thành QTD cấp liên bang, các FCU trở thành thành viên của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Canada (CDIC) và áp dụng hạn mức bảo hiểm theo Luật CDIC là 100.000 đô la Canada.

 

Tính đến cuối năm 2016, tại Canada có 623 QTD với gần 3.000 chi nhánh với tổng tài sản khoảng 350 tỷ USD và hơn 10,1 triệu thành viên1, chiếm gần 1/3 dân số Canada. Sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của các QTD về một khía cạnh nào đó giống như của các ngân hàng, nhưng vẫn có một số điểm khác nhau cơ bản. Một trong số đó là các QTD này do người dân địa phương sở hữu và lợi nhuận được đem đầu tư trở lại cộng đồng nơi các quỹ này hoạt động, nơi thành viên sinh sống và làm việc.
Các khách hàng cá nhân (thường được gọi là các thành viên) sở hữu các QTD, được quản trị một cách dân chủ trên nguyên tắc hợp tác “một thành viên, một phiếu” bất kể số lượng tiền gửi hay cổ phiếu ở quỹ là bao nhiêu. Theo quy định, mỗi thành viên đều có cơ hội tự ứng cử vào Hội đồng quản trị và bầu ra ứng cử viên để trở thành giám đốc của quỹ. Nói cách khác, các QTD do chính các thành viên làm chủ và chịu trách nhiệm. Do đó, khác với ngân hàng, các QTD có quyền tự quyết. Mỗi quỹ lại có thương hiệu riêng, hệ thống quản trị và Hội đồng quản trị riêng, hợp tác với nhau thông qua các hiệp hội trung tâm. Các hiệp hội trung tâm này cung cấp các dịch vụ về tài chính, công nghệ và thương mại cho các QTD thành viên.
Hiện nay, các QTD ở Canada thực hiện các giao dịch phức tạp hơn, tiến hành các hoạt động rủi ro hơn và dần trở nên lớn hơn, đủ để gây ra rủi ro hệ thống. Do đó, việc giám sát đối với các QTD này ngày càng trở nên cần thiết.
Vai trò của tổ chức BHTG trong việc giám sát các QTD ở Canada
Ở cấp liên bang, theo đánh giá của Chương trình đánh giá khu vực tài chính của Canada do IMF tiến hành, mặc dù Canada có một hệ thống tài chính đa dạng gồm các cơ quan giám sát cấp liên bang và nhiều loại hình tổ chức tài chính khác nhau, nhưng phần lớn tài sản và các tổ chức tài chính cấp liên bang đều do Cơ quan giám sát các tổ chức tài chính (OSFI) giám sát. OSFI và CDIC có quan hệ chặt chẽ trong việc giám sát các tổ chức tài chính cấp liên bang. OSFI thường xuyên thông báo đầy đủ cho CDIC về những vấn đề của tổ chức thành viên và những hành động dự kiến. CDIC cũng có một “danh sách cảnh báo” gồm các tổ chức thành viên có vấn đề. CDIC có thể độc lập đưa thành viên vào “danh sách cảnh báo” bằng một công văn trong đó yêu cầu OSFI tăng cường giám sát, yêu cầu tổ chức đó phải liên hệ trực tiếp với CDIC hoặc yêu cầu cung cấp thêm thông tin. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề, CDIC có thể tự tiến hành kiểm tra đặc biệt, qua đó quyết định một mức phụ phí trên cơ sở ý kiến của OSFI. 
Trong khi đó, có sự khác biệt giữa các cơ quan của từng bang trong trách nhiệm giám sát các tổ chức nhận tiền gửi. Trách nhiệm được phân ra giữa các cơ quan giám sát cấp tiểu bang, chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức BHTG riêng biệt. Tại các bang nhỏ, việc giám sát các tổ chức nhận tiền gửi được phân bổ cho chính quyền địa phương, trong khi tại các bang lớn (như Quebec và Ontario), tổ chức BHTG có thêm chức năng là cơ quan giám sát độc lập như có thể thấy ở Bảng 1.

 
Những thẩm quyền giám sát cụ thể của các cơ quan BHTG ở một số bang lớn tại Canada
Tại bang Quebec:
Bang Quebec là bang có số lượng QTD lớn nhất ở Canada, với Cơ quan dịch vụ tài chính bang Quebec (gọi tắt là AMF) có nhiệm vụ giám sát các công ty bảo hiểm và các tổ chức nhận tiền gửi hoạt động ở Quebec, cụ thể như sau:
- Đảm bảo rằng các tổ chức tài chính được trao quyền hạn phù hợp để hoạt động ở Quebec và đáp ứng các yêu cầu khác nhau về mặt pháp lý và quy định.
- Quản lý việc ban hành giấy phép, tư cách pháp nhân của tổ chức và cập nhật đăng ký thành lập tổ chức.
- Tiến hành phân tích chuyên sâu dựa trên việc quản trị rủi ro tình hình tài chính của các tổ chức thành viên và các tài liệu có liên quan.
- Thực hiện giám sát tại chỗ và từ xa các tổ chức thành viên và đưa ra những đề xuất cần thiết.
- Xây dựng các công cụ quy chuẩn, như hướng dẫn hoặc bộ tiêu chuẩn để áp dụng đối với các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các hoạt động của mình.
Tại bang Ontario:    
Tại bang Ontario, Tổng công ty BHTG bang Ontario (DICO) chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định về khả năng thanh toán và bảo hiểm cho các khoản tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm. Trong đó, DICO có quyền ban hành các văn bản buộc các tổ chức thành viên hoạt động theo những quy định về kinh doanh và tài chính lành  mạnh.
Thẩm quyền của DICO đối với QTD bị giám sát như sau:
(a) Yêu cầu QTD khắc phục hoạt động mà DICO cho rằng là tác nhân gây ra vấn đề hoặc tình hình khiến cho QTD bị buộc phải chịu sự giám sát;
(b) Yêu cầu QTD và giám đốc, thành viên hội đồng, nhân viên không được thực hiện bất kỳ quyền hạn nào trong thời gian đặt dưới sự giám sát của DICO;
(c) Xây dựng hướng dẫn cho hoạt động của QTD;
(d) Yêu cầu QTD không được tuyên bố trả cổ tức hoặc chỉ trả cổ tức theo tỷ lệ hoặc số lượng do DICO quy định; 
(e) Tham dự các cuộc họp của hội đồng QTD và ủy ban kiểm toán;
(g) Đề xuất các quy chế cho QTD và đề xuất sửa đổi luật.
Tại bang Nova Scotia:
Được thành lập năm 1995 với tổ chức tiền thân là Quỹ Ổn định QTD Nova Scotia,  Tổng công ty BHTG QTD bang Nova Scotia có thẩm quyền thực hiện mọi điều cần thiết để đáp ứng mục tiêu, trong đó có xây dựng các tiêu chuẩn về hoạt động kinh doanh và tài chính. Ngoài ra, Tổng công ty còn có một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Quản lý một chương trình kiểm tra toàn diện, giúp đánh giá những hoạt động quản trị rủi ro tổ chức trong các lĩnh vực kiểm soát nội bộ, cấp tín dụng, rửa tiền và quản trị công.
- Vận hành hệ thống giám sát tổ chức chặt chẽ nhằm đảm bảo rằng các kết quả hoạt động nằm trong giới hạn cho phép.
- Giám sát chính sách trong các lĩnh vực hoạt động chủ chốt.
Tại bang Manitoba:
Tổng công ty BHTG QTD bang Manitoba có những nhiệm vụ sau:
- Đảm bảo các QTD hoạt động theo những quy định kinh doanh lành mạnh.
- Giám sát hoạt động của QTD và thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm thiểu rủi ro.
- Đảm bảo tuân thủ Luật Các QTD.
Tại bang Alberta:
Nhiệm vụ giám sát các QTD ở Alberta của Tổng công ty BHTG QTD bang Alberta mang tính chủ động và phòng ngừa nhằm đảm bảo một hệ thống QTD an toàn và lành mạnh. Trong đó, mọi hoạt động đều hướng đến việc đảm bảo cho các QTD đạt được và duy trì mục tiêu tổng nguồn vốn theo quy định.
Điểm mấu chốt của việc giám sát này là theo dõi và đánh giá thường xuyên những tiêu chuẩn về vốn và thanh khoản của các QTD, tình hình tài chính, hiệu quả quản trị, hoạt động quản trị rủi ro, khung quản trị nội bộ và tính tuân thủ với Luật QTD. Ngoài ra, Tổng công ty còn tiến hành đánh giá thông qua việc liên lạc thường xuyên với hội đồng và ban quản trị QTD, kiểm tra tình hình và đánh giá mức độ tuân thủ một cách định kỳ. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện có vấn đề, một chiến lược can thiệp phù hợp được xây dựng và tiến hành nhằm giảm rủi ro tới mức chấp nhận được. Nếu QTD không còn khả năng về tài chính, hội đồng QTD phải xem xét các chiến lược ổn định bao gồm hợp nhất hoặc sáp nhập với một QTD khác hoặc giải thể.

Nhìn chung, trừ bang British Columbia, các tổ chức BHTG ở các bang còn lại đều có vai trò nhất định trong hoạt động giám sát các QTD. Điểm chung trong hoạt động giám sát của các tổ chức này là đảm bảo rằng, các QTD tuân thủ Luật điều chỉnh QTD cũng như các nguyên tắc an toàn và lành mạnh trong hoạt động và kinh doanh của mình thông qua việc xây dựng các chuẩn mực về an toàn hoạt động cho các QTD và đảm bảo các QTD hoạt động tuân theo những chuẩn mực. 

Theo Tạp chí Ngân hàng

Các tin liên quan