Với quy định mới, trước mắt một phần vốn để cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ bị thu hẹp.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có bước đi mới trong định hướng kiểm soát chặt tín dụng và an toàn hệ thống.
Trong báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng và thực hiện chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước định hướng trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng và hoạt động tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngày 10/8, một bước cụ thể hóa định hướng trên đã được ban hành: giảm tỷ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng; từ 40% xuống 30%, từ 30% xuống 20% theo các nhóm đối tượng. Việc điều chỉnh này không gây nhiều bất ngờ với thị trường, bởi trước đó Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế thực hiện của các tổ chức tín dụng thời gian qua về tỷ lệ khả năng chi trả vẫn còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tình hình huy động vốn trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các rủi ro tiềm ẩn do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Theo đó, việc điều chỉnh các tỷ lệ trên là cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động, đặc biệt là khả năng thanh khoản của hệ thống.
Đặt trong mạch vận động “thời sự” của hoạt động ngân hàng thời gian gần đây, việc giảm tỷ lệ nói trên cũng được xem là một điều chỉnh kịp thời để định hướng các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, liên tiếp những ngày đầu tháng 8/2009, thị trường chứng kiến sự biến động mạnh của lãi suất, tập trung ở các kỳ hạn ngắn và cực ngắn. Lãi suất huy động VND các kỳ hạn 1 – 3 tuần hiện đã lên tới 6,5% - 7,7%/năm; các kỳ hạn 1 – 3 tháng lên tới 8,2% - 8,4%/năm.
Dư địa để tăng tại các kỳ hạn dài đã bị thu hẹp, lãi suất cao dồn về các kỳ hạn ngắn. Ngoài việc giữ chân khách hàng, một mục đích không loại trừ là tranh thủ gọi vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, tất nhiên là trong giới hạn quy định. Điều này cũng đã được một số chuyên gia khuyến cáo khi góp ý kiến xây dựng dự thảo nói trên, nhất là khi một số thành viên có thể lạm dụng nguồn vốn này trước sức ép của mục tiêu lợi nhuận, dễ dẫn tới rủi ro trong tương lai.
Ngoài việc giảm tỷ lệ nói trên, thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một điều khoản đáng chú ý: các tổ chức tín dụng không được sử dụng các khoản vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay trung và dài hạn.
Là một bước đi mới và cần thiết trong hướng kiểm soát chặt tín dụng và an toàn hệ thống, nhưng trước mắt việc thực thi chính sách này tại các ngân hàng có thể dẫn đến một số khó khăn.
Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, trong cơ cấu vốn huy động thời gian qua, chiếm phần lớn vẫn là các nguồn vốn ngắn hạn. Nguyên do được giải thích từ tâm lý lựa chọn các kỳ hạn ngắn của người gửi tiền trước lo ngại khả năng lạm phát trở lại, trước yêu cầu năng động của đồng vốn theo những biến động nhanh của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Trong khi đó, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn chủ yếu tập trung ở hệ thống ngân hàng. Việc đáp ứng nhu cầu trên sẽ khó khăn hơn khi một phần đầu vào bị giảm bớt theo quy định mới.
Gánh nặng vốn trung và dài hạn có thể được chia sẻ từ vai trò của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau thời hoàng kim năm 2006 và 2007, hoạt động gọi vốn trên thị trường này của nhiều doanh nghiệp trở nên rất khó khăn, liên tiếp các kế hoạch phát hành thất bại kéo dài trong năm 2008. Hay ở thị trường trái phiếu, tương tự là hàng chục phiên đấu thầu không thể thực hiện từ đầu năm đến nay. Mục tiêu cổ phần hóa để phát triển thị trường này cũng liên tiếp dồn đẩy trong những năm qua…
Tất nhiên, ảnh hưởng của chính sách này có độ trễ nhất định. Ngân hàng Nhà nước cho một thời hạn để các thành viên cơ cấu lại các nguồn vốn và đảm bảo tỷ lệ mới từ ngày 1/1/2010. Đi cùng với độ trễ này, hy vọng đặt ra là nền kinh tế sẽ ổn định hơn, hồi phục nhanh hơn, tạo môi trường để hoạt động gọi vốn của các ngân hàng thuận lợi hơn; thị trường chứng khoán phát triển ổn định, phục hồi bền vững để góp phần “chia lửa” áp lực vốn cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, cũng có thể đặt giả thiết về một điều chỉnh nối tiếp của chính sách. Nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, lãi suất huy động có điều kiện để hấp dẫn người gửi tiền hơn, cơ cấu vốn của các tổ chức tín dụng theo đó sẽ có điều kiện để linh hoạt hơn.