Về tổng thể, giai đoạn 2011-2015, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chuyển động mới, tích cực trong mục tiêu ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, với các điểm nhấn thành công nổi bật: Đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, kiểm soát nợ xấu và sở hữu chéo, cải thiện độ an toàn và lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá, giảm nhiệt thị trường ngoại hối và nâng cao lòng tin thị trường vào VNĐ và hệ thống các NHTM và TCTD Việt Nam… được Chính phủ và các tổ chức quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.
Những điểm nhấn thành công giai đoạn 2011-2015
Trong giai đoạn
2011-2015, một loạt giải pháp mới, lần đầu được NHNN triển khai, với cả hai mặt
tác động thuận - nghịch đã, đang bộc lộ hoặc cần thời gian sẽ tiếp tục kiểm
định thêm, như: NHNN độc quyền nhập khẩu vàng và xiết chặt quản lý thị trường
vàng, buộc các NHTM chấm dứt huy động tín dụng và cho vay bằng vàng; mua lại ba
NHTM với giá 0 đồng, thúc đẩy quá trình M&A tự nguyện và bắt buộc; đưa lãi
suất tiền gửi USD về 0% và không cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp chỉ
hoạt động thị trường nội địa; triển khai chính sách tỷ giá trung tâm mang tính
thị trường đậm nét hơn; linh hoạt mở và áp lại trần lãi suất huy động và cho
vay; nâng cấp các tiêu chuẩn quản trị hoạt động NHTM và TCTD theo chuẩn cao và
nghiêm ngặt hơn; đồng thời, từng bước minh bạch hơn thông tin chính sách và thị
trường.
Một
loạt con số thống kê và sự việc khẳng định những thành công nêu trên, cả cấp vĩ
mô và vi mô, trong ngành và trên toàn bộ nền kinh tế.
Năm
2011, tỷ lệ lạm phát lên mức 18,13%, lãi suất cho vay lên tới 20 - 25%/năm,
lãi suất huy động có lúc vượt 14%/năm; lãi suất liên NH có thời điểm lên đến
trên 30%/năm, gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ, đời sống nhân dân và hoạt
động sản xuất, kinh doanh, tạo áp lực đối với việc thực hiện các mục tiêu ổn
định vĩ mô; Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23 - 50% /năm, trong khi quy mô
của nhiều NH còn nhỏ, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn; tỷ lệ cho vay tập trung vào
các lĩnh vực phi sản xuất dẫn đến rủi ro thanh khoản do sử dụng nguồn vốn ngắn
hạn cho vay trung dài hạn, mất cân đối cơ cấu tín dụng bất động sản và chứng
khoán, hiện tượng bong bóng tài sản. Thanh khoản của hệ thống TCTD thiếu hụt
nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng NH
và toàn hệ thống sụt giảm. Cùng với đó, do việc chạy đua lãi suất giữa các
NHTM và áp lực tăng vốn điều lệ - đã gây ra tình trạng thanh khoản mất cân đối,
sở hữu chéo và sự lộn xộn mất kiểm soát.
Với
nhiều giải pháp quyết liệt kể trên, kết quả, so cùng kỳ năm trước, tính đến đến
ngày 21-12-2015, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so cuối năm trước
(lãi suất ngắn hạn giảm khoảng 0,3%/năm, lãi suất trung và dài hạn giảm khoảng
0,3-0,5%/năm), đưa mặt bằng lãi suất giảm còn khoảng 40% so thời điểm cuối năm
2011 (và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006); lãi suất cho vay ngắn
hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm;
lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực xuống mức khoảng
6,5-6,6%/năm.
Đặc
biệt, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương
án/dự án khả thi thì lãi suất vay chỉ còn 5-6%/năm. Cuối năm 2015, lãi suất cho
vay ngắn hạn bằng VNĐ được giữ ổn định; thanh khoản của các TCTD được điều tiết
hợp lý, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,55%, huy động vốn tăng 13,59%, tạo
điều kiện cho các TCTD cải thiện tình hình cung ứng vốn, tăng dư nợ tín dụng
17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011-2014.
Giai
đoạn 2011-2015, tín dụng tăng bình quân khoảng 13,5%/năm, thấp hơn rất nhiều so
mức tăng bình quân 33,3%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng phù hợp khả năng
hấp thụ vốn của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Điều kiện tín
dụng được cải thiện, linh hoạt và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách
tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay ngân hàng; Đồng
thời, cơ cấu tín dụng tiếp tục được cải thiện, hướng mạnh và cân đối hơn vào
các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính
phủ (cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng ước đến tháng 12-2015
tăng 11%, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng tháng 10-2015 tăng
45,13%...).
Các
chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, người nghèo và các đối tượng
chính sách khác theo chỉ đạo của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được hệ
thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh
tế và xã hội. Tính đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội đã triển khai 19 chuơng
trình cho vay với khoảng gần 300 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với khi mới
thành lập cách đây 12 năm. Vốn cho vay tập trung chủ yếu vào sáu chương trình
tín dụng là: Cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ
gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường
nông thôn, giải quyết việc làm và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.
Đặc
biệt, nợ quá hạn giảm liên tục 24 lần, còn 0,57% so mức 13,75% khi mới thành
lập, tức chỉ bằng 1/10 mức trung bình toàn ngành ngân hàng thuơng mại. Hơn 25
triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay; hơn
3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; hàng triệu việc làm mới được tạo ra;
hơn 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng hơn nửa triệu
căn nhà xã hội được xây dựng nhờ vốn của ngân hàng.
NHNN
cũng đã kết thúc thành công và “có hậu” gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ
trợ mua nhà xã hội sớm hơn kế hoạch hai tháng, vì tính tới ngày 10-3, các NHTM
đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng và số tiền đã được
giải ngân hiện hơn 21.321 tỷ đồng (khoảng 71%). Sự cầu thị của NHNN với tư cách
người tổ chức và dẫn dắt chương trình vay ưu đãi này được thể hiện đậm nét ở
hai điểm: Thứ nhất, NHNN đã lắng nghe nguyện vọng của người dân, công luận và
tín hiệu thị trường… để sớm có nhiều đề nghị và quyết định điều chỉnh, nâng cấp
độ ưu đãi cả về thời hạn cho vay, mức cho vay và lãi suất cho vay, cũng như đối
tượng thụ hưởng gói vay, nhờ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai và kết thúc gói
vay ưu đãi sát thời hạn đã được ấn định từ ba năm trước trong Thông tư 11/2013/TT-NHNN
ngày 15-5-2013 của NHNN; Thứ hai, NHNN cũng kịp thời nắm bắt nhu cầu và cân
nhắc các tác động hai mặt có thể nếu kết thúc gói 30.000 tỷ đồng vào đúng
31-5-2016, và buộc người vay phải chấp nhận giải ngân số tiền còn lại theo các
điều kiện lãi suất thương mại, nên ngày 22-3, NHNN đã trình Chính phủ kéo dài
chương trình này cho đến khi giải ngân hết.
Đồng
thời, tại phiên họp định kỳ Chính phủ ngày 26-3-2016 vừa qua, Thống đốc NHNN
một lần nữa ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về kéo dài gói hỗ trợ
30.000 tỷ đồng cho tới khi thực hiện xong và đề nghị Thủ tướng cho giải ngân
nốt các hợp đồng đã ký theo đúng lãi suất ưu đãi như đã cam kết của gói vay này
(tức có sự thay đổi quan điểm so trước đó, khi hướng dẫn các NHTM phải giải
ngân số vốn vay sau 31-5 theo lãi suất thương mại hiện hành).
Thực
tế, gói tín dụng này cũng được kết thúc có hậu. Theo đó, Chính phủ đã chính
thức cho phép giải ngân những khoản vay đã ký theo đúng lãi suất ưu đãi mà
người vay đã được hưởng và được cam kết trong hợp đồng vay vốn đã ký.
Chỉ số
giá USD tháng 4-2016 giảm 0,79% so tháng 12-2015, cho thấy hiệu quả tích cực
của chính sách tỷ giá trung tâm lần đầu được áp dụng từ tháng 1-2016 đến nay.
Chỉ số giá vàng tháng 4-2016 tăng 8,12% so tháng 12-2015 là cùng chiều với xu
hướng tăng giá vàng thế giới; nhưng điểm mới tích cực là giá vàng trong nước đã
thu hẹp rõ rệt mức chênh lệch với giá vàng thế giới, thậm chí nhiều lúc thấp
hơn giá vàng thế giới tới vài trăm nghìn đồng, so với mức chênh lệch có lúc tới
hơn 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Sự phối
hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá (minh bạch định hướng điều chỉnh tỷ giá,
giảm trạng thái ngoại tệ, thu hẹp đối tượng cho vay bằng ngoại tệ, kịp thời mua
bán ngoại tệ để can thiệp ổn định thị trường) với chính sách lãi suất và thanh
tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh ngoại tệ,
quản lý ngoại hối và công tác truyền thông đã góp phần trực tiếp và gián tiếp
nâng cao niềm tin vào đồng Việt Nam và giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại
tệ trong 5 năm qua; cải thiện đáng kể tình trạng đôla hóa và các cơn sốt nóng
trên thị trường ngoại hối trong nền kinh tế, trong khi các nhu cầu ngoại tệ hợp
pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Dự trữ ngoại hối
tăng, có thời điểm tới hơn 35 tỷ USD, cao nhất trong 30 năm qua.
Đề án
cơ cấu lại hệ thống các TCTD đang được triển khai giai đoạn hai và về cơ bản
đã đạt mục tiêu đề ra, giảm số lượng (giảm 20 TCTD) và cải thiện từng bước
chất lượng, sức cạnh tranh toàn hệ thống và từng tổ chức thành viên. Các tổ
chức tín dụng từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế, hiệu
quả hoạt động được nâng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện; ổn định tâm lý
người gửi tiền, nhà đầu tư.
Đến
30-11-2015, khoảng 99,6% nợ xấu của các TCTD ước tính tại thời điểm cuối tháng
9-2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện, nợ xấu toàn hệ
thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%. Với việc áp dụng
đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ Quý I/2015 không còn tồn tại hai số
liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của
NHNN) và nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn.
Hiện,
xếp hạng tín nhiệm của các TCTD đang được cải thiện từng bước, với
Fitchrating, đã nâng xếp hạng Việt Nam lên mức triển vọng ổn định BB - từ mức
B+; Moody’ nâng lên B1; S&P cũng nâng mức xếp hạng lên aaBB+…
Những kết quả đạt được cho thấy, chính sách tiền tệ đã có đóng góp quan trọng trong việc duy trì ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% - mức cao nhất 5 năm qua và lạm phát từ mức 18,13% năm 2011, giảm dần xuống 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013, 1,84% năm 2014, và còn 0,6% năm 2015 (lạm phát cơ bản là 2,01%) - là mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây.
Định hướng và triển vọng chính sách tiền tệ giai đoạn 2016-2020
Thời gian tới, hội nhập AEC và các FTA thế hệ mới, cùng nhiều biến chuyển mới trên thế giới cả về tài chính - tiền tệ và tương quan lực lượng đang và sẽ làm gia tăng các áp lực cạnh tranh thị trường tự do các dịch vụ tài chính - tiền tệ và những tác động trực tiếp tới việc điều hành tỷ giá; tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo, cùng năng lực quản trị thị trường của các NHTM và TCTD trong nước còn nhiều điểm yếu, nợ công tăng cao (và theo một số tính toán, Việt Nam đang ở mức rất nguy hiểm khi chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) = 270 điểm (Hy Lạp phá sản ở mức 320 điểm)…
Chính sách tiền tệ quốc gia 5 năm tới (2016-2020) sẽ và cần bám sát và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu mà Đại hội XII của Đảng đã xác định. Đặc biệt, NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu; hiện đại hóa ngành ngân hàng, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ và loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống; bảo đảm nguyên tắc thị trường gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước và giám sát của xã hội; phát triển thị trường mua bán nợ, thị trường các công cụ phái sinh, cho thuê tài sản, mở cửa thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Theo NHNN, năm 2016, chính sách tiền tệ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý (khoảng 6,7%), bảo đảm an toàn hệ thống; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%.
Các giải pháp điều hành sẽ được tập trung vào các trọng tâm: Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tăng cường công tác phân tích, thống kê, dự báo để kịp thời tham mưu, chủ động đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp; Thứ hai, chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ theo phương châm nâng cao vị thế đồng Việt Nam; thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Thứ ba, thực hiện các giải pháp về tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, tiếp tục theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý. Tiếp tục tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Thứ tư, tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa để chủ động, kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ. Thứ năm, triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và thực trạng hoạt động ngân hàng.
Về tỷ giá, NHNN đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá mới, phù hợp với điều kiện kinh tế thế giới có những biến động, tác động tới tâm lý trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước. NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày với biến động theo cả hai chiều lên xuống để phản ánh sát hơn diễn biến của thị trường trong và ngoài nước nhằm hạn chế những cú sốc từ bên ngoài cũng như loại bỏ dần tâm lý găm giữ, đầu cơ trên thị trường ngoại tệ; tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục thực hiện các giải pháp theo lộ trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu theo đề án đã được Chính phủ thông qua.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định 843 ngày 31-5-2013 của Thủ tướng Chính Phủ, trong đó đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, nghiên cứu, hoàn thiện mô hình VAMC.
Đặc biệt, Tân Thống đốc NHNN đã cam kết các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số khu vực, theo đó, lãi suất có thể giảm 0,3-0,5% cho kỳ hạn ngắn và giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10% (theo khảo sát lãi suất của HSC vào cuối tháng 4-2016, lãi suất cho vay bình quân là 9,37% và cuối tháng 3-2016 là 9,42%. Lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn là 8,96% và cho vay trung dài hạn là 10,5%).
Tình hình nợ công và ngân sách eo hẹp khiến tăng áp lực giữ ổn định và vai trò sử dụng chính sách tiền tệ kích thích tăng trưởng kinh tế và có thể khiến quy định áp dụng Basel 2 và nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 36 về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ bị cân nhắc và giãn tiến độ…
Đầu tháng 5-2016, trước thông tin một số ngân hàng lách luật vượt trần lãi suất huy động USD để thu hút ngoại tệ, để bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) và ổn định thị trường tiền tệ, Thống đốc NHNN đã tái khẳng định yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc chấp hành các quy định hiện hành, cũng như chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động, đặc biệt là huy động USD; nghiêm cấm việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động USD; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, phát hiện những vi phạm và xử lý nghiêm người đứng đầu các TCTD để xảy ra vi phạm; tăng cường thông tin kịp thời, chính xác trên website của NHNN và cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách tiền tệ và thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng…
Cùng với những khởi sắc vĩ mô chung và cơ hội đầu tư mở rộng cho doanh nghiệp, năm 2016 và tới đây, các ngân hàng cũng có thêm cơ hội mở rộng cho vay tín dụng và cung cấp các dịch vụ mới cho thị trường, mở rộng thị phần; tăng khả năng thu hồi nợ và giảm nợ đọng, nợ xấu. Cơ hội kinh doanh ngân hàng còn mở ra từ những tiến triển mạnh mẽ trong các cam kết hội nhập quốc tế, tạo lập cơ sở pháp lý và niềm tin, kỳ vọng mới về thị trường, cũng như định hướng cải thiện vị thế kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu.
Đặc biệt, với mức độ tự do hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng cao theo nội dung AEC và các FTA đang và sẽ triển khai có sự tham gia của Việt Nam, các NHTM sẽ có thêm cơ hội phát triển các dịch vụ ngân hàng và cả áp lực mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực và quy mô kinh doanh, gia tăng các hoạt động M&A, tìm kiếm các đối tác mới, phù hợp trong và ngoài nước, khu vực.
Đồng thời, nhiều ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các quy trình, yêu cầu và chỉ tiêu hoạt động theo hướng dẫn của NHNN, chủ động bám sát chuẩn chung quốc tế và lộ trình cam kết hội nhập.
Bộ ba chính sách mới, với hạ mức lãi suất tiền gửi USD bằng 0%; hạn chế đối tượng doanh nghiệp chỉ hoạt động trên thị trường trong nước vay mượn USD và chế độ tỷ giá trung tâm có tính linh hoạt và thị trường cao mới được áp dụng từ quý 1-2016, cũng đang và sẽ có tác động tích cực và thêm áp lực quản trị đối với các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng sẽ giảm được chi phí trả lãi tiền gửi và tăng cơ hội mua vào lượng USD trên thị trường; đồng thời, có thêm kỳ vọng kinh doanh ngoại hối dựa trên mặt bằng cung cầu và giá cả thị trường linh hoạt và biến động mau lẹ hơn.
Một số ngân hàng và doanh nghiệp có thể chịu rủi ro tỷ giá cao hơn nếu năng lực phân tích chính sách và phản ứng thị trường chậm được cải thiện, coi nhẹ sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thậm chí, một số ngân hàng có thể chịu áp lực khó huy động USD mới, trong khi gia tăng áp lực rút tiền gửi USD của các khoản tiền gửi cũ đáo hạn đang được hưởng lãi suất cũ… Lãi suất huy động đang tăng nhẹ, tạo cơ hội tăng thu hút tiền gửi và vốn vay ngân hàng, song cũng tạo áp lực tăng chi phí đầu vào, do đó có thể kéo theo đà tăng lãi suất đầu ra hoặc giảm lợi nhuận kinh doanh ngân hàng.
Bên cạnh đó, năm 2016 và tiếp theo sẽ tiếp tục lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng và tổ chức tín dụng theo những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt và nhanh hơn, áp đặt tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ thế giới, nhất là về quản trị rủi ro cao hơn… Điều này buộc các ngân hàng phải chủ động có kịch bản, chiến lược, bước đi cụ thể và xây dựng văn hóa kinh doanh dài hạn, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Tóm lại, năm 2016 và giai đoạn tới năm 2020, đang và sẽ chứng kiến nhiều động thái và xung lực mới cả về chính sách, yêu cầu và về xu hướng thị trường. Chính sự cộng hưởng và tác động đa chiều của những cơ hội và thách thức trên, nên kỳ vọng về những tập đoàn tài chính - ngân hàng Việt Nam có tầm vóc hơn, có tính quốc tế và năng lực cạnh tranh cao, cũng sẽ đậm dần hơn…!
TS. NGUYỄN MINH PHONG và Ths. NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ
13.11.2024
30.10.2024