29.08.2013 08:46

QTDND Lộc Ninh (Bình Phước): Cái khó của quỹ vùng biên giới

Theo đánh giá của ông Trần Văn Phụng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, QTDND Lộc Ninh (Lộc Quang, Lộc Ninh, Bình Phước) tuy gặp rất nhiều khó khăn ở địa bàn vùng núi xa, nhưng đã tham gia ổn định đời sống cộng đồng đồng bào dân tộc vùng biên giới, phần nào giúp người dân có vốn để làm ăn và cải thiện đời sống.

Nằm ở huyện miền núi biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Bình Phước, QTDND Lộc Ninh ra đời ngày 25/5/2011, trong chương trình của tỉnh Bình Phước thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND.
 
Bởi địa bàn thuần nông, đông dân di cư tự do, lại có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng, Mạ, Mnông, Khơme… và hầu như các dịch vụ ngân hàng vẫn chưa với tới, nên mô hình quỹ như "bà đỡ" gần dân, giúp vốn cho các hộ dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.
 
Tính đến nay, QTDND Lộc Ninh có 294 thành viên, tổng vốn hoạt động 24,516 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ 5,025 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi 3,684 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam 13,270 tỷ đồng, vốn khác 2,537 tỷ đồng), dư nợ cho vay 22,411 tỷ đồng, chưa phát sinh nợ xấu. Quỹ thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng theo quy định là 119 triệu đồng.

Về những mặt khó khăn, ông Lý Trung Hậu, Giám đốc QTDND Lộc Ninh, cho biết: Do địa bàn hoạt động của Quỹ đặt ở vùng đặc biệt khó khăn, nên việc huy động vốn tại chỗ rất thấp, dẫn đến dư nợ cho vay hạn chế, việc cho vay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác. Quỹ mới hoạt động đơn thuần là dịch vụ tiền gửi và cho vay, mà chưa có dịch vụ chuyển tiền điện tử.
 
Trong khi Quỹ còn non trẻ và cán bộ nhân viên chưa nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ, thì đối tượng khách hàng đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, ít am hiểu kiến thức xã hội và pháp lý, dẫn đến chưa quen giao dịch tín dụng và ý thức chấp hành chưa tốt đối với các quy định giao dịch của Quỹ. Ngoài ra, việc huy động tiền gửi chủ yếu ngắn hạn 1 - 2 tháng, nhưng các dự án vay vốn của thành viên tối thiểu là một chu kỳ cây trồng, chăn nuôi thường kéo dài khoảng trên dưới 1 năm…
 
Do mô hình "quỹ tín dụng" đang còn là khái niệm quá mới lạ với đồng bào vùng biên giới sâu xa này, thế nên, QTDND Lộc Ninh phải dần dà củng cố niềm tin và xây dựng uy tín. Cùng với sự chăm lo giúp đỡ của cấp ủy và chính quyền địa phương, nhất là UBND xã Lộc Quang, hiện nay Quỹ đã có trụ sở, bố trí đủ nhân sự, cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành hợp lý và luôn chú ý công tác kiểm soát nội bộ. Quỹ chủ động tham gia bảo hiểm tiền gửi, tạo mọi điều kiện thuận lợi công tác huy động vốn và bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.
 
Đáng mừng, vừa qua trong sóng gió suy thoái kinh tế và áp lực lớn từ cuộc cạnh tranh lãi suất của ngành ngân hàng, nhưng hoạt động của QTDND Lộc Ninh vẫn an toàn, có những đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là hạn chế được nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn sâu và xa. Quỹ từ nay hướng tới phát triển toàn diện hoạt động và đa dạng hơn các dịch vụ ngân hàng, trọng tâm nhất là tăng trưởng dư nợ, tăng nguồn vốn huy động tại chỗ, chú ý cải thiện chất lượng tín dụng và an toàn thanh khoản.
Lưu Đoàn
Thời báo kinh doanh

Các tin liên quan