Chính sách tiền tệ đã chủ động cung ứng nguồn vốn tương đối lớn cho nền kinh tế đáp ứng kịp thời vốn lưu động cũng như đầu tư của DN cho hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tiền tệ và tài khóa là hai chính sách quan trọng, duy trì sự ổn định cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với chuyên gia TS. Vũ Đình Ánh để rõ hơn về đóng góp của từng chính sách cũng như sự phối hợp chung của hai chính sách đối với tăng trưởng kinh tế.
Ông Vũ Đình Ánh
Ông đánh giá thế nào về đóng góp của chính sách tiền tệ, tài khóa đối với sự tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm?
Về cơ bản, chính sách điều hành đi đúng hướng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo được niềm tin tốt hơn cho DN. Cụ thể, chính sách tiền tệ đã chủ động cung ứng nguồn vốn tương đối lớn cho nền kinh tế đáp ứng kịp thời vốn lưu động cũng như đầu tư của DN cho hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn chính sách tài khóa cũng điều hành có phần hiệu quả, chặt chẽ hơn qua việc nỗ lực tăng thu, kiểm soát chi thường xuyên... Các chính sách giảm thuế cho DNNVV, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… cũng tác động tích cực đến các DN nhất là về tâm lý, còn hiệu quả thực tế vẫn phải chờ thêm thời gian.
Còn sự phối hợp giữa hai chính sách thì sao, thưa ông?
Cũng như năm ngoái, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã giúp hỗ trợ huy động nguồn vốn cho Chính phủ. Thị trường tiền tệ ổn định, tạo điều kiện giữ mặt bằng lãi suất tương đối tốt giúp cho Bộ Tài chính huy động thành công TPCP với mức lãi suất thấp, nhất là kỳ hạn TPCP theo xu hướng ngày càng dài hơn, thay vì chỉ tập trung kỳ hạn ngắn như những năm trước đây. Nhờ đó góp phần làm giảm áp lực nợ công và kéo giãn thời điểm trả nợ cho Chính phủ.
Việc tín dụng tăng chất có ý nghĩa hơn nhiều so với chạy theo số lượng mà không kiểm soát được chất lượng
Tuy nhiên, năm nay sự phối hợp giữa hai chính sách khá là chừng mực. Bởi ngay từ đầu năm chính sách tài khóa đã thể hiện sự khó khăn khi tiết kiệm chi không thực hiện được. Họ không có lựa chọn nào ngoài việc phải tăng thu để bù đắp cho bội chi ngân sách. Việc phát hành TPCP chủ yếu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Trong bối cảnh chính sách tài khóa gần như bị “đông cứng” thì chính sách tiền tệ khó có thể phối hợp được hiệu quả. Chỉ khi nào cả hai chính sách có đủ dư địa để điều chỉnh thì mới có thể phối hợp tốt được, còn thời điểm này, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ.
Tốc độ giải ngân chậm chạp đang làm uổng phí công sức phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá từ đầu năm tới nay.
Với tín hiệu tích cực từ tăng trưởng quý III/2017, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% đã trong tầm tay. Vậy, có cần tiếp tục mở rộng tín dụng?
Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào chính sách tiền tệ đã diễn ra vài năm nay. Nguyên do tăng trưởng kinh tế gặp khó trong khi đóng góp chính sách tài khóa bị hạn chế nên Chính phủ phải trông cậy nhiều vào chính sách tiền tệ với hệ thống NH là kênh cấp vốn chủ lực. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế có thể nói trong tầm tay trong khi chưa kể Chính phủ đang thúc giải ngân vốn đầu tư công. Như vậy, sẽ có một lượng tiền tương đối lớn chảy vào nền kinh tế, trong khi mục tiêu tăng trưởng cơ bản đạt được rồi.
Tín dụng tuy đã được NHNN định hướng, giám sát vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên nhưng cũng không loại trừ vốn tín dụng vào lĩnh vực mang tính rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Thậm chí đối với cho vay DN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng theo kiểu ăn xổi ở thì, đầu ra còn bấp bênh, chưa ai đảm bảo liệu họ sử dụng vốn NH tốt hay không… Bên cạnh đó, nợ xấu mới có thể phát sinh, trong khi nợ xấu cũ mới bắt đầu có cơ hội xử lý mạnh hơn, trong khi chính sách tài khóa còn gặp nhiều khó khăn, nếu thêm rủi ro từ việc dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ sẽ không ổn.
Do vậy, theo quan điểm của tôi, nên phân tích lại đóng góp chính sách tiền tệ đến đâu trong kết quả tăng trưởng GDP đạt được trong 9 tháng qua để đưa ra định hướng chính sách cho phù hợp. Khi mục tiêu tăng trưởng không còn quá bức bách thì cần chuyển sang tăng trưởng ổn định, bền vững, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó trở lại vai trò chức năng chính cho chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền là nhiệm vụ hàng đầu, còn hỗ trợ tăng trưởng là nhiệm vụ tiếp theo.
Có ý kiến lo ngại việc thu hẹp tăng trưởng tín dụng sẽ gây khó cho tăng trưởng kinh tế năm tiếp theo?
Đó chỉ là thu hẹp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chứ không phải quy mô tín dụng. Nếu năm nay có 1 triệu tỷ vốn NH dành cho nền kinh tế, năm sau con số này lên 1,1 triệu tỷ thì mức tăng thêm này gọi là tỷ lệ tăng tín dụng. Giả sử nếu năm sau, vẫn từng này vốn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn tạo ra tăng trưởng kinh tế cao cho thấy vốn NH được sử dụng hiệu quả, chất lượng tăng tín dụng tốt. Như vậy, việc tín dụng tăng chất có ý nghĩa hơn nhiều so với chạy theo số lượng mà không kiểm soát được chất lượng. Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mang tính chất mục tiêu kế hoạch. Do đó, trong quá trình triển khai có thể linh hoạt điều chỉnh chứ không nhất thiết đạt bằng mọi giá.
Xin cảm ơn ông!
13.11.2024
30.10.2024