06.02.2017 08:45

Ngân hàng Hợp tác: Khẳng định vị thế Ngân hàng của các QTDND

Sau 4 năm thực hiện Thông tư số 31/2012/TT-NHNN, Ngân hàng Hợp tác đã có một cuộc “lột xác” từ mô hình tổ chức, năng lực tài chính, năng lực quản trị… cho đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là nền tảng giúp Ngân hàng Hợp tác thực thi các kế hoạch phát triển sản phẩm để có thể đảm đương tốt nhất trọng trách “Ngân hàng của các QTDND”, đáp ứng nhu cầu của các thành viên QTDND. Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đã khẳng định như vậy khi chia sẻ với Bản tin Ngân hàng Hợp tác.

Thưa ông, vài năm gần đây, các QTDND có xu hướng dư thừa nguồn vốn, tiền vay Ngân hàng Hợp tác ngày càng giảm. Điều này có làm giảm vai trò hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác đối với hệ thống QTDND?

Tôi cho rằng việc các QTDND dần giảm phụ thuộc nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác là một xu hướng tất yếu bởi tích luỹ dân cư tăng và các QTDND đã tạo được uy tín và có những nhân tố phát triển mới. Trong bối cảnh những năm qua, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các hộ gia đình, thành viên của QTDND chưa tìm được hướng chuyển đổi mô hình sản xuất, mở rộng quy mô. Sắp tới đây Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 sẽ được triển khai quyết liệt thì nhu cầu đầu tư của họ sẽ quay lại dẫn đến nhu cầu vốn thành viên sẽ lại tăng.

Mặt khác, ngay cả khi các QTDND không có nhu cầu vay vốn thì vai trò đầu mối điều hoà của Ngân hàng Hợp tác cũng không vì thế mà thuyên giảm. Thực tế thời gian qua, với vai trò là đầu mối điều hoà vốn, Ngân hàng Hợp tác đã giúp các QTDND giảm bớt áp lực thừa vốn, góp phần tăng cường tính liên kết, an toàn của hệ thống, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Sở dĩ như vậy là bởi Luật các tổ chức tín dụng đã quy định các QTDND chỉ được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Hợp tác và mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại; tiền gửi thanh toán của các QTDND ở các ngân hàng thương mại khác chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất nhận tiền gửi điều hòa tại Ngân hàng Hợp tác luôn ưu đãi hơn lãi suất tiền gửi tổ chức, cá nhân khác cùng kỳ hạn; lãi suất cho vay đối với các QTDND luôn thấp hơn lãi suất mà các QTDND cho vay khách hàng Doanh nghiệp và cá nhân cùng kỳ hạn.

Đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác đã luôn đồng hành cùng các QTDND thành viên trong những lúc khó khăn, có nguy cơ mất an toàn trong hoạt động. Đây là lợi ích mà chỉ có Ngân hàng Hợp tác làm cho hệ thống QTDND. Theo đó, đối với các QTDND gặp khó khăn về nguồn vốn để chi trả tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác đã tư vấn kịp thời đến các QTDND về biện pháp khắc phục, xây dựng phương án củng cố chấn chỉnh. Ngân hàng Hợp tác cũng khẩn trương báo cáo và đề xuất với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để có sự phối hợp và chỉ đạo kịp thời việc tuyên truyền giải thích đến người gửi tiền và thành viên Quỹ.

Quan trọng hơn, Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ thanh khoản kịp thời đến các QTDND để chi trả cho người gửi tiền, giúp các QTDND vượt qua khó khăn tạm thời, nhờ đó nhiều Quỹ được vực dậy và lớn mạnh. Tuy nhiên, hiện cũng có những QTDND chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn yếu kém, dẫn đến việc Ngân hàng Hợp tác đang rất khó có khả năng thu hồi nợ. Song vì trách nhiệm, Ngân hàng Hợp tác vẫn phải thực hiện.

Bên cạnh đó, với vai trò là sợi dây kết nối và hỗ trợ hệ thống, Ngân hàng Hợp tác đã phối hợp và hỗ trợ các QTDND trong công tác huy động vốn thông qua việc tư vấn về phương thức lãi suất huy động, triển khai các sản phẩm cho vay đồng tài trợ, cho vay liên kết để hỗ trợ các QTDND mở rộng thị phần tín dụng, gia tăng giá trị thương hiệu trong lâu dài.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho Ngân hàng Hợp tác đó chính là xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của QTDND đáp ứng nhu cầu của các Thành viên QTDND và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn. Vậy đến nay, các thành viên của Ngân hàng Hợp tác đã cộng hưởng được những lợi ích nào?

Trong những năm qua, Ngân hàng Hợp tác đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống trung tâm dữ liệu bảo mật, trung tâm xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế TIA-942… để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa năng hiện đại phục vụ các QTDND và khách hàng, nhất là người dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền điện tử, thẻ ATM.

Đơn cử như dự án Ngân hàng điện tử CF-ebank dành cho các QTDND. Đến nay Ngân hàng Hợp tác đã đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền cho hơn 1.300 học viên là lãnh đạo và cán bộ của 466 QTDND trên phạm vi 47 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã kết nạp 410 QTDND vào hệ thống CF-eBank, nâng tổng số điểm kết nối thanh toán của hệ thống lên gần 500 đơn vị, bao gồm các Chi nhánh, Phòng giao dịch của Ngân hàng Hợp tác và QTDND.

Kết quả triển khai cho thấy, các QTDND tham gia dự án đều đáp ứng nhu cầu về kỹ thuật nghiệp vụ, kết nối thông suốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng mới, an toàn, hiện đại của QTDND và nhu cầu chuyển tiền của người dân. Dịch vụ này cũng nối gần hơn các QTDND với Ngân hàng Hợp tác trong công tác điều hoà vốn, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Đồng thời hạn chế giao dịch tiền mặt của thành viên, khách hàng tại khu vực nông thôn.

Về sản phẩm thẻ, đến nay, Ngân hàng Hợp tác đã phát hành được gần 10.000 thẻ ghi nợ nội địa phục vụ khách hàng trong toàn hệ thống, giúp khách hàng khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ, công nghệ hiện đại trong ngành ngân hàng và từng bước triển khai mở rộng đối tượng phục vụ đến các QTDND. Sắp tới đây thẻ ghi nợ nội địa sẽ tích hợp thêm chức năng tín dụng (tức là có thêm hạn mức tín dụng thấu chi), điều này sẽ giúp cho chủ thẻ tăng thêm việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác cũng đã hoàn thiện đưa vào ứng dụng công nghệ hiện đại trực tuyến đáp ứng kịp thời công tác điều hành. Đặc biệt hệ thống có thể ứng dụng rất hiệu quả trong việc đào tạo, trao đổi nghiệp vụ trực tuyến giữa Trụ sở chính với các Chi nhánh, giữa chi nhánh với nhau góp phần nâng cao hiệu quả điều hoà vốn, hỗ trợ cho các QTDND.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Hợp tác là hỗ trợ đào tạo và kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay của các QTDND. Vậy thời gian qua, nhiệm vụ này đã được thực hiện như thế nào?

Tôi cho rằng việc hỗ trợ đào tạo, giám sát QTDND của Ngân hàng Hợp tác xuất phát từ lợi ích chung.

Về đào tạo, rõ ràng đây là một phần việc không thể thiếu khi Ngân hàng Hợp tác triển khai các sản phẩm dịch vụ mới cho các QTDND. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác cũng tổ chức các khoá đào tạo về quản trị rủi ro, phân tích tài chính, thẩm định dự án, kiểm toán nội bộ cho các học viên từ lãnh đạo đến nhân viên Quỹ. Điều đó một mặt để nâng cao chất lượng hoạt động cho các QTDND; mặt khác nhằm đáp ứng những quy định của NHNN cũng như yêu cầu phát triển của các QTDND trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Còn đối với việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, việc thực hiện gửi báo cáo theo quy định của NHNN Việt Nam và một số báo cáo theo quy định của Ngân hàng Hợp tác cũng là một trong các yếu tố thể hiện tinh thần liên kết để đảm bảo sự an toàn hệ thống.

Bởi qua hệ thống thông tin báo cáo này, Ngân hàng Hợp tác có thể chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các QTDND thành viên từ đó đưa ra quyết định về cho vay đáp ứng nhu cầu vốn, thanh khoản của thành viên một cách nhanh chóng, cũng như có các biện pháp tư vấn, khuyến nghị phù hợp kịp thời khi có những vướng mắc, rủi ro có thể phát sinh.

Với những QTDND không có những thông tin gửi về Ngân hàng Hợp tác, khi có những rủi ro xảy ra, Ngân hàng Hợp tác cũng rất khó để có thể xem xét và có sự hỗ trợ phù hợp.

Vì vậy, tôi khẳng định, việc Thông tư 31 đưa vào quy định này là hợp lý, dựa trên lợi ích tổng thể của hệ thống mà Ngân hàng Hợp tác được giao trách nhiệm đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND ngày càng phát triển. Đây cũng chính là lý do đến nay đã có tới 97% các QTDND đã làm tốt việc cung cấp thông tin và đó là cơ sở để thời gian qua Ngân hàng Hợp tác chủ động hơn trong việc hỗ trợ điều hòa vốn cho các QTDND.

Thưa ông, sau khi Thông tư 09/2016/TT của NHNN từ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 31 quy định về Ngân hàng Hợp tác, trong quá trình hoạt động hiện nay, Ngân hàng Hợp tác gặp phải những khó khăn vướng mắc gì không?

Bên cạnh những thuận lợi, hiện Ngân hàng Hợp tác vẫn gặp phải một số khó khăn. Như về các khoản cho vay của Ngân hàng Hợp tác đối với các QTDND có dấu hiệu mất an toàn. Hiện nhiều QTDND phục hồi trở lại bình thường đã hoàn trả nợ cho Ngân hàng Hợp tác, nhưng cũng còn không ít QTDND không có khả năng hồi phục dẫn đến không trả được nợ cho Ngân hàng Hợp tác. Vì vậy, đề nghị NHNN có cơ chế xử lý rủi ro phù hợp đối với các khoản Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi với các QTDND gặp khó khăn không có khả năng thu hồi.

Bên cạnh đó, hiện nguồn vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác còn nhỏ hơn so với vốn điều lệ của hệ thống QTDND. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ các QTDND thành viên cho vay phát triển sản xuất kinh doanh cũng như việc đầu tư về CNTT làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Hợp tác, đặc biệt là sau khi chuyển đổi.

Một khó khăn nữa là Ngân hàng Hợp tác hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu chính là hỗ trợ điều hòa vốn, chăm sóc, tư vấn cho hệ thống QTDND nên có những đặc thù riêng so với các NHTM khác. Nhưng hiện một số cơ chế, chính sách mới ban hành không có quy định đặc thù đối với Ngân hàng Hợp tác, dẫn đến nhiều bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Ngân hàng Hợp tác.

Vì vậy đề nghị NHNN Việt Nam sớm ban hành Thông tư quy định về mạng lưới Ngân hàng Hợp tác và QTDND, Thông tư quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, thanh lý, phá sản đối với hệ thống TCTD là Hợp tác xã và các văn bản pháp quy khác tạo hành lang pháp lý giúp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động, nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh và uốn nắn các QTDND hoạt động đúng mô hình tổ chức Hợp tác xã, đúng tôn chỉ mục đích, phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

NHNN cũng cần xem xét thành lập lại đơn vị đầu mối chuyên trách để trực tiếp quản lý hoạt động của loại hình TCTD là Hợp tác xã (bao gồm Ngân hàng Hợp tác và các QTDND) nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống TCTD này thực sự trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các TCTD Việt Nam.

Ngoài ra, NHNN và các bộ ngành cũng cần quan tâm và tạo điều kiện để Ngân hàng Hợp tác được tiếp cận nguồn vốn của các Ngân hàng, các Tổ chức tài chính quốc tế; Qua đó có thể tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, và học tập phương pháp quản lý, kỹ thuật tiên tiến để Ngân hàng Hợp tác tiếp nhận, chuyển giao đến các QTDND, tạo điều kiện cho hệ thống QTDND phát triển an toàn và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

NHHT

Các tin liên quan