Một phần năm thế kỷ, so với bề dày lịch sử của ngành Ngân hàng và nhiều TCTD không hẳn là một chặng đường dài. Song từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (QTDTW) năm 1995 đến Ngân hàng Hợp tác hiện nay là một hành trình nhiều cam go, thử thách mà tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ toàn hệ thống qua các thời kỳ đã quyết tâm nỗ lực vượt qua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Đặc biệt làm tốt vai trò là một tổ chức đầu mối liên kết làm điểm tựa hỗ trợ cho sự phát triển mô hình Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).
Trên những nấc thang phát triển
20 năm qua, sự lớn mạnh của Ngân hàng Hợp tác được ghi dấu qua hai lần chuyển đổi mô hình. Với những tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ khác nhau theo từng thời kỳ.
Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác Việt Nam tại tòa nhà N04, đường Hoàng Đạo Thúy, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Cuối những năm 80, cùng với sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước khiến nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn có những khó khăn, nhất là các hộ dân nghèo khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng thương mại. Sớm nhận ra điều này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng Đề án trình Chính phủ cho phép thí điểm thành lập hệ thống QTDND. Tiếp đó, bằng Quyết định số 390/TTg ban hành ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống QTDND được thí điểm thành lập với mô hình 3 cấp là QTDTW, QTDND khu vực và QTDND cơ sở.
Tháng 8/1995, ghi một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển hệ thống QTDND với sự ra đời của QTDTW nay là Ngân hàng Hợp tác, với nhiệm vụ đầu mối điều hòa vốn cho hệ thống QTDND trên phạm vi toàn quốc.
Từ những ngày đầu thành lập với muôn vàn khó khăn gian khó, nguồn nhân lực cũng như năng lực tài chính còn rất hạn hẹp, QTDTW đã dần hoàn thiện với mô hình hai cấp, nâng cao năng lực tài chính nhằm phát huy vai trò đầu mối hỗ trợ và tăng cường tính liên kết trong hệ thống QTDND. Đặc biệt là sau hơn 12 năm củng cố, chấn chỉnh (từ năm 2001 đến tháng 6/2013) số vốn điều hòa trong hệ thống QTDND tăng trưởng 29 lần, dư nợ cho vay trong hệ thống QTDND tăng 27 lần…
Tuy nhiên, trong bối cảnh tích lũy dân cư ngày càng cao, kinh tế nông nghiệp hướng tới mô hình sản xuất hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhu cầu của các thành viên QTDND không chỉ đơn thuần là vốn mà còn là nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tín dụng, thanh toán hiện đại. Thêm một lần nữa mô hình của QTDTW cần chuyển đổi cho thích ứng để có thể hỗ trợ QTDND hiện đại hóa, cung ứng được những dịch vụ tín dụng cơ bản và hiện đại đến các thành viên.
Tháng 7/2013 đã đánh dấu mốc lịch sử mới của QTDTW với việc chuyển đổi và chính thức vận hành theo mô hình Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Qua hơn 3 năm chuyển đổi, Ngân hàng Hợp tác không những vẫn giữ vững được sự phát triển ổn định của mình mà còn góp phần tích cực hỗ trợ đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Kỳ vọng và trọng trách
Gần bốn năm qua, cơ cấu hoạt động của Ngân hàng Hợp tác đang dần hoàn thiện đáp ứng với những trọng trách mới. Ngân hàng Hợp tác đã triển khai thành công tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động. Đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng đầu mối liên kết, hỗ trợ cho toàn hệ thống QTDND phát triển bền vững.
Điều này có thể nhìn thấy rõ qua những kết quả hoạt động mang tính đột phá trên nhiều phương diện của Ngân hàng Hợp tác thời gian qua. Đó là hệ thống mạng lưới ngày càng mở rộng với 27 Chi nhánh, 67 Phòng giao dịch phục vụ cho 1.148 QTDND tại 56/63 tỉnh, thành phố với 2.831 xã, phường, thị trấn (chiếm 25,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước) và gần 2,1 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.
Tính đến 31/12/2015 tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND là 98.990 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 75.893 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn. Trong đó tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác là 22.389 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu đạt 3.474 tỷ đồng (vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng).
Ngân hàng Hợp tác đã có nhiều bước tiến quan trọng trong triển khai các dự án công nghệ thông tin, tạo nền móng công nghệ cơ bản cho một ngân hàng hiện đại, cho phép triển khai và ứng dụng nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa…
Nhìn nhận nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, những năm qua, Ngân hàng Hợp tác luôn chú trọng công tác tổ chức cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho cán bộ toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác cũng như các QTDND.
Vị thế và uy tín của Ngân hàng Hợp tác ngày càng được khẳng định với việc chủ động mở rộng mối quan hệ với các tổ chức tín dụng và hỗ trợ phát triển quốc tế. Hàng chục dự án tín dụng hợp tác cũng như hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với tổng nguồn vốn hàng trăm triệu USD.
Đây là những nền tảng để Ngân hàng Hợp tác và QTDND mang lại lợi ích cho thành viên và khách hàng, tăng cường tính liên kết hệ thống, tạo uy tín và hình ảnh, chỗ dựa tin cậy cho toàn hệ thống QTDND.
Kiến tạo sức bật cho hệ thống
Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới theo các hiệp định FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới, sẽ có không ít khó khăn đối với các QTDND trong quá trình phát triển cạnh tranh. Đây là điều mà Ngân hàng Hợp tác đã nhận thức về vấn đề này và ý thức rất rõ những nhiệm vụ trước mắt cũng như trong dài hạn để có thể làm tốt vai trò ngân hàng của hệ thống QTDND.
Theo đó, trong thời gian tới Ngân hàng Hợp tác sẽ tích cực tham mưu với Ngân hàng Nhà nước về định hướng, chủ trương nhằm phát triển Ngân hàng Hợp tác và các QTDND ổn định, an toàn, bền vững. Cùng với đó Ngân hàng Hợp tác cũng đã chủ động nghiên cứu chiến lược phát triển Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND trên cơ sở những định hướng mục tiêu chủ yếu của Ngân hàng Nhà nước về phát triển hệ thống TCTD là Hợp tác xã. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật trong hoạt động thông tin công nghệ ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu là phát triển Ngân hàng Hợp tác thành một ngân hàng đa năng, hiện đại để làm tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác cũng rất cần sự trợ lực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động hỗ trợ thành viên hệ thống. Như việc ban hành cơ chế cho phép sáp nhập, hợp nhất giữa các QTDND với nhau và giữa QTDND với Ngân hàng Hợp tác để tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ củng cố, chấn chỉnh hoạt động của QTDND; có cơ chế xử lý rủi ro trong việc cho vay hỗ trợ xử lý khó khăn thanh khoản của Ngân hàng Hợp tác đối với QTDND thành viên…
Với những
nền tảng đã đạt được và tuổi 20 sức trẻ, khí thế và khát vọng mãnh liệt, các
thế hệ cán bộ Ngân hàng Hợp tác sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp nối và phát huy
truyền thống vẻ vang của đơn vị, xây dựng Ngân hàng Hợp tác thành một ngân hàng
đa năng, hiện đại, phát triển hệ thống QTDND theo hướng tăng trưởng - an toàn,
phát triển - bền vững, tiếp tục giữ vai trò là một trong những đối tác quan
trọng trên thị trường tài chính nông thôn, góp phần vào sự phát triển kinh tế
chung của đất nước.
Ngọc - Dũng
13.11.2024
30.10.2024