22.11.2019 10:23

Khảo sát mô hình QTD tại Hàn Quốc

Trong các ngày từ 26/10 - 30/10/2019, Hiệp hội QTDND Việt Nam đã tổ chức chương trình học tập & trao đổi kinh nghiệm tại Liên đoàn QTD quốc gia Hàn Quốc (NACUFOK). Thành phần tham gia đoàn gồm: Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam, các đồng chí Chủ tịch, Giám đốc của các QTDND hội viên & 02 cán bộ Hiệp hội hỗ trợ công tác tổ chức Đoàn.

Theo chương trình, Đoàn đã tìm hiểu về lịch sử hình thành & phát triển, các sản phẩm dịch vụ của QTD Hàn Quốc, những đóng góp của QTD đối với phát triển kinh tế xã hội cũng như những thách thức của QTD trong thời gian tới.

 

Ông Boaz Park - Giám đốc Ban Quan hệ quốc tế của NACUFOK giới thiệu về lịch sử hình thành QTD tại Hàn Quốc 

Tại buổi làm việc, Ông Boaz Park - Giám đốc ban quan hệ quốc tế của NACUFOK cho biết: Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hầu hết người dân vẫn chịu cảnh đói nghèo, không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu, nạn đói xảy ra không bỏ sót một vùng đất nào tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ lạ phát lớn, người dân có xu hướng không tin tưởng lẫn nhau & theo chủ nghĩa cơ hội. GDP trên đầu người năm 1953 là 67USD/người và 90USD/người vào năm 1960.

Phong trào QTD tại Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 5 năm 1960 bởi một nữ tu người Mỹ tên Mary Gabriella (1900 - 1993). Bà đã thành lập QTD đầu tiên lấy tên là Holy Family, tại thời điểm đó quỹ bao gồm 27 thành viên (gồm nhân viên của Bệnh viện Maryknoll và Dịch vụ Cứu trợ Công giáo ở Busan).

Vào tháng 6 cùng năm, Cha Chang Dae-ik (1923 - 2008) đã thành lập QTD Trung tâm Catholic và kể từ đó phong trào QTD được triển khai một cách nghiêm túc.

QTD tại Hàn Quốc là một tổ chức hợp tác tài chính không vì mục tiêu lợi nhuận, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các thành viên là người dân thường và tầng lớp trung lưu. Từ những năm 1960, QTD tại Hàn Quốc đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho các thương nhân nhỏ và tầng lớp trung lưu - đối tượng bị các ngân hàng bỏ rơi. QTD được phân loại theo các lĩnh vực khác nhau: QTD cộng đồng, QTD cho người làm công QTD cho các Hiệp hội/nhóm.

Tháng 8/1972, luật về hoạt động của QTD được ban hành, tại thời điểm đó là QTD hai cấp và có 248 QTD được cấp phép. Đến tháng 2/1989, Liên minh tín dụng đã chọn này 1 tháng 5 hàng năm là ngày của QTD tại Hàn Quốc. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành vào tháng 1/1998 theo quy định của pháp luật. Đến tháng 1/2004, quỹ bảo hiểm tiền gửi của các QTD được thành lập. Trước đó, các QTD trong hệ thống được kết nối trực tuyến vào tháng 10/2000. QTD đã cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới cho thành viên bao gồm: phát hành thẻ tín dụng (liên kết với Ngân hàng Công Nghiệp Hàn Quốc vào tháng 11/2001), dịch vụ ngân hàng trực tuyến và dịch vụ bảo hiểm qua Internet (tháng 7/2002), thẻ ghi nợ của QTD (Năm 2010), dịch vụ ngân hàng qua điện thoại thông minh (tháng 7 năm 2011)… Vào tháng 10 năm 2014, thành lập quỹ Hỗ trợ xã hội của các QTD và năm 2017 ra mắt đội ngũ hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội (quỹ được đóng góp đầu tiên vào tháng 8 năm 2018).

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, QTD tại Hàn Quốc đã từng bước hoàn thiện bộ máy cơ cấu tổ chức cũng như các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho các thành viên.

Dịch vụ của QTD tại Hàn Quốc bao gồm các dịch vụ tài chính như: nhận gửi của thành viên; Cho vay thành viên; Đại lý ủy quyền cho Chính phủ, cho các tổ chức công cộng và các tổ chức tài chính khác; Giữ hộ giấy tờ có giá và các vật dụng có giá khác; chiết khấu trái phiếu/tín phiếu; có hệ thống thanh toán điện tử nợ trả sau, hệ thống thanh toán điện tử nợ trả trước ….QTD cũng có chương trình bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền: Theo quy định của Luật QTD, tất cả các thành viên gửi tiền đều được bảo vệ bởi Quỹ bảo vệ người gửi tiền trong những trường hợp QTD bị phá sản, các khoản được bảo hiểm gồm cổ phần, tiết kiệm trả góp và tiền gửi phát hành séc. Số tiền được bảo vệ tổng cộng lên tới 50 triệu won cả gốc và tiền lãi; QTD cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử: dịch vụ chuyển tiền giữa các QTD, giữa QTD và các tổ chức tài chính khác; dịch vụ thẻ ngân hàng trực tuyến, thẻ ATM… QTD cũng cung cấp các dịch vụ Bảo hiểm Nhân thọ (Bảo hiểm trọn đời, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thiên tai, Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm nhóm) và Bảo hiểm phi nhân thọ (Bảo hiểm hỏa hoạn, cháy nổ nhà riêng,chung cư, nhà xưởng…, Bảo hiểm trộm cắp, Bảo hiểm cho tài xế, Bảo hiểm toàn diện…)

Ngoài ra, QTD tại Hàn Quốc cũng đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ các dịch vụ phúc lợi xã hội như: trung tâm giữ trẻ, trung tâm chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình có thu nhập thấp và chương trình trao học bổng cho sinh viên…. Kinh phí dành cho phúc lợi xã hội tùy thuộc vào vốn tự có của mỗi QTD hoặc chiếm 10% trên tổng tài sản hiện có vào cuối năm tài chính.

Đến 30/09/2019, tại Hàn Quốc có 885 QTD: trong đó có 665 QTD cộng đồng, chiếm 74,1%, 91 QTD cho các hội/nhóm chiếm 10.1% và 142 QTD cho người làm công, tổng tài sản của QTD đạt 84 tỉ đô, 6.32 triệu thành viên và có 9,534 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại QTD.

Mục tiêu đến năm 2020, QTD tại Hàn Quốc đạt 10 triệu thành viên, tổng tài sản đạt 100 tỷ USD và là tổ chức tín dụng hợp tác có mức độ hài lòng ở vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, hiện nay các QTD tại Hàn Quốc cũng gặp phải một số vấn đề thách thức trong tương lai. Ông cho biết, do đặc thù của các QTD chỉ phù hợp theo từng vùng, miền và khu vực, sự già hoá cán bộ của QTD tại Hàn Quốc, sự không đồng đều quy mô hoạt động và tổng tài sản của các QTD (Theo đề xuất của các chuyên gia thì 1 QTD phải có tài sản ít nhất 150 triệu USD để đảm bảo hoạt động ổn định, tuy nhiên hiện nay tài sản trung bình của QTD Hàn Quốc là 109,6 triệu USD/Quỹ)… Trong khi đó, quá trình đô thị hóa, sự phát triển của các phương tiện công nghệ thông tin, sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ của các NHTM, sự ra đời các công ty Fintech, các sản phẩm dịch vụ có sử dụng sinh trắc học và nhận diện khuôn mặt cũng ảnh hưởng đến môi trường quản lý cũng như khả năng cạnh tranh của các QTD….

Kết thúc buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đánh giá cao sự tiếp đón nồng hậu và hiếu khách của Liên đoàn QTD quốc gia Hàn Quốc. Buổi làm việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp giúp tất cả các thành viên trong đoàn hiểu được lịch sử hình thành, phát triển của QTD tại Hàn Quốc. Đặc biệt, các sản phẩm dịch vụ đa dạng của QTD Hàn Quốc sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với hệ thống QTDND tại Việt Nam. Hy vọng, trong tương lai, hệ thống QTDND tại Việt Nam có thể áp dụng và phát triển một số sản phẩm dịch vụ mới cung cấp cho các thành viên.

Đôi nét về Liên đoàn QTD quốc gia Hàn Quốc:

Liên đoàn QTD quốc gia Hàn Quốc là một tổ chức phi lợi nhuận, là một tổ chức đầu mối và tổ chức tài chính trung gian được thành lập năm 1964. Thành viên của Liên đoàn QTD quốc gia Hàn Quốc là các QTD.

NACUFOK đại diện cho các QTD thành viên trong mối quan hệ với chính phủ, cơ quan quản lý và các QTD quốc tế.

Vai trò của Liên đoàn tín dụng quốc gia Hàn Quốc:

- Liên kết các QTD hội viên:

+ Hướng dẫn, tư vấn cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm dịch vụ

+ Giáo dục và đào tạo cho ban Giám đốc, nhân viên và thành viên của QTD

+ Cung cấp hệ thống công nghệ thông tin cho các QTD

- Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho các QTD:

+ Nhận tiền gửi, cho vay các QTD và quản lý quỹ dự phòng

+ Dịch vụ thanh toán nội địa cho các QTD và thành viên của QTD

+ Cho vay liên quỹ (tổng tài sản: 12.5 tỉ USD)

+ Kinh doanh bảo hiểm tương hỗ (Tổng tài sản: 4.5 tỉ USD)

- Có Chức năng giám sát các QTD:

+ Là cơ quan quản lý & giám sát các hoạt động của các QTD thành viên

+ Quản lý quỹ bảo hiểm tiền gửi

+ Cải thiện cơ cấu tài chính của các QTD….

- Quan hệ hợp tác quốc tế của Liên đoàn:

+ Liên đoàn tín dụng quốc gia Hàn Quốc là thành viên của Hội đồng tín dụng Thế giới năm 1965 (WOCCU) và Hiệp hội các Liên đoàn QTD Châu Á năm 1972 (ACCU).

+ Tháng 11 năm 1989 - tháng 7 năm 1998: Đào tạo & hỗ trợ tài chính cho các QTD của người Hàn Quốc ở Mãn Châu, Trung Quốc (264,430 USD)

+ Tháng 9 năm 1992 - tháng 9 năm 1994: nhân viên của NACUFOK tham gia các hoạt động của ACCU

+ Tháng 6 năm 1996 - tháng 4 năm 1998: nhân viên của NACUFOK tham gia các hoạt động của WOCCU

+ Tháng 12 năm 2015: các chương trình tư vấn, hỗ trợ về luật QTD, công nghệ thông tin và đào tạo cho đại biểu liên đoàn tín dụng và các quan chức chính phủ Nepal

+ Tháng 10 - 11/2016: Đào tạo cho 294 đại biểu từ 135 QTD cơ sở ở Mông Cổ (MOCCU)

+ Tham gia các hoạt động tình nguyện & hỗ trợ y tế: tai Philippines (2014), Mông Cổ (2015), Nepal (tháng 6 năm 2016)

+ Cứu trợ các nạn nhân bị thiệt hại do động đất: tại Nhật Bản (1999), Đài Loan (1999), Nepal (2015) và các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại Bangladesh (2004 ~ 2008)

+ Tháng 3 năm 2017: Chương trình đào tạo CEO cho các QTD Châu Á (tại Daejeon).

 Một số hình ảnh tại chuyến khảo sát

 

 

 

 

Ban Đối ngoại (Lược dịch và biên soạn từ tài liệu chuyến khảo sát tại Hàn Quốc tháng 10/2019)

Các tin liên quan