05.03.2018 07:00

Hợp tác tạo nguồn lực phát triển Hợp tác xã

Ngày 27/2/2018, Đoàn đại biểu cấp cao Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Ngân hàng Hợp tác.

Cùng tham gia với Đoàn còn có ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Lãnh đạo các Trung tâm, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Thời báo kinh doanh tham dự.

 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã phát biểu tại buổi làm việc 

Tiếp và làm việc với Đoàn về phía Ngân hàng Hợp tác có ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT, ông Đỗ Mạnh Hùng –Tổng giám đốc, các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; các Phó Tổng giám đốc, đại diện Hiệp hội QTDND Việt Nam cùng lãnh đạo một số Phòng, Trung tâm tại Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác.

Được biết, nội dung cuộc làm việc giữa Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác cùng Hiệp hội QTDND Việt Nam nhằm tổng hợp tư liệu chuẩn bị cho cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ (dự kiến đầu tháng 3/2018), đồng thời thảo luận tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn vốn Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND cho vay phát triển các loại hình Hợp tác xã.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đã báo cáo với Đoàn một số nét chính về tình hình hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và QTDND trong thời gian qua.

 

Ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác báo cáo tình hình hoạt động NHHT và QTDND

Theo đó, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Hợp tác đến 26/02/2018 là 30.688 tỷ đồng; tổng dự nợ cho vay đạt 21.408 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là 6.407,4 tỷ đồng; dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân là 15.000 tỷ đồng. Bên cạnh công tác điều hoà vốn, Ngân hàng Hợp tác cũng hỗ trợ Hệ thống QTDND thông qua các hình thức như: Cho vay xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản, triển khai các chính sách hỗ trợ các QTDND khắc phục khó khăn theo đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động đã được NHNN phê duyệt, hỗ trợ chi trả tiền gửi đối với các QTDND có dấu hiệu mất an toàn, Phát triển sản phẩm dịch vụ Ngân hàng như: dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ, Là đầu mối tiếp nhận và triển khai các Dự án Tín dụng quốc tế với nguồn vốn trung và dài hạn, lãi suất hợp lý hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực tài chính, mở rộng triển khai các Dự án Hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao năng lực chuyên môn, khoa hoạc công nghệ cho các QTDND, Hỗ trợ đào tạo cho các QTDND về nghiệp vụ…

Đối với hệ thống QTDND, đến 31/12/2017, toàn hệ thống có 1.182 QTDND với tổng số 1,7 triệu thành viên; tổng nguồn vốn đạt 100.798 tỷ đồng, tăng 10,68% so với 31/12/2016; tổng dư nợ cho vay thành viên đạt 79.367 tỷ đồng, tăng 12,31%, trong đó: nợ xấu chiếm 0,91% tổng dư nợ. Hầu hết các QTDND hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững, góp phần tích cực hình thành mô hình Hợp tác xã tín dụng kiểu mới ở nông thôn, góp phần giảm tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy mở rộng và khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp nông thôn.

Chia sẻ về những tồn tại, hạn chế của hệ thống QTDND, ông Nguyễn Đức Dũng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: một số QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích hoạt động, chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng nóng, chưa quan tâm đến các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN.

Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác nói riêng và hệ thống QTDND vẫn còn nhiều khó khăn thách thức nhất là về các chính sách, cơ chế hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và Hệ thống QTDND; nhu cầu phát triển hệ thống CNTT của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND là rất lớn, đòi hỏi việc đầu tư và hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hoạt động, hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Hợp tác thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, Ngân hàng Hợp tác kiến nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù hoạt động của QTDND, đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và Ngân hàng Hợp tác; đồng thời ban hành cơ chế xử lý đối với khoản vay hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động khi không thu hồi được nợ.

 

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đã nhấn mạnh đến giá trị cốt lõi của tính liên kết hệ thống. Với vai trò là Ngân hàng của các QTDND, Ngân hàng Hợp tác luôn coi nhiệm vụ chính trị trọng tâm là hoàn thành tốt vai trò liên kết hệ thống, tích cực hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, bền vững và hiệu quả. Ngân hàng đã tích cực phát triển công nghệ và dịch vụ Ngân hàng hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của hệ thống QTDND, ưu tiên nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ để hỗ trợ các QTDND: sản phẩm cho vay đồng tài trợ, cho vay liên kết, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán…; Tranh thủ các nguồn vốn quốc tế hỗ trợ các QTDND về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thể chế, Hỗ trợ đào tạo và truyền thông quảng bá hình ảnh thương hiệu của hệ thống QTDND; hỗ trợ kiểm toán nội bộ. Ngân hàng Hợp tác còn hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động để giúp đỡ, tư vấn trong quản trị điều hành, huy động vốn và cho vay.

Đặc biệt, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ngân hàng Hợp tác đã triển khai đến các QTDND hệ thống Ngân hàng điện tử (CF-eBank), đến nay đã kết nạp gần 500 QTDND, nâng tổng số điểm kết nối thanh toán của hệ thống lên trên 600 đơn vị. Dịch vụ này cũng nối gần hơn các QTDND với Ngân hàng Hợp tác trong công tác điều hoà vốn, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Đồng thời hạn chế giao dịch tiền mặt của thành viên, khách hàng tại khu vực nông thôn…

Đối với cho vay Hợp tác xã, ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác khẳng định: “Đối với các Hợp tác xã, Ngân hàng Hợp tác rất ưu tiên cho vay vốn và đã triển khai đối thoại, kết nối với các hợp tác xã ngành nghề tại một số tỉnh. Trước đây Ngân hàng Hợp tác từng đề xuất phối hợp với Liên minh Hợp tác xã nhằm tổ chức diễn đàn, hội thảo về vấn đề này. Tới đây sẽ kết hợp để tổ chức một số hội thảo với kỳ vọng thiết kế một số sản phần tín dụng chuyên biệt dành để hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Việc cho vay các hợp tác xã cần được triển khai thí điểm vùng, từ đó tập trung giải quyết tồn tại phát sinh, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để các hợp tác xã từng bước có thể tiếp cận được các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định và phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới…”.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam cho biết: tính đến 31/12/2017, Hiệp hội đã có 1.110 QTDND hội viên, bao gồm: Ngân hàng Hợp tác và 1.109 QTDND. Thời gian qua, Hiệp hội QTDND đã nỗ lực thực hiện vai trò kết nối hội viên, hỗ trợ hoạt động, tăng cường kết nối hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, hiện hệ thống QTDND đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động, vì vậy đề xuất Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tăng cường phối hợp với Hiệp hội QTDND trong công tác đào tạo, tài trợ một phần kinh phí đào tạo cho các QTDND hội viên. Ngoài ra, Hiệp hội QTDND mong muốn hệ thống Liên minh Hợp tác xã các cấp hỗ trợ các QTDND thành viên tháo gỡ khó khăn về bảo hiểm xã hội cho cán bộ, tạo điều kiện ưu đãi hơn về thuế thu nhập doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ ổn định Trụ sở QTDND…

 

Còn ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng hệ thống QTDND mà đầu mối Ngân hàng Hợp tác được nhìn nhận là mô hình Hợp tác xã ưu việt và phát triển mạnh nhất. Song, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác – Liên Minh Hợp tác xã – Hiệp hội QTDND chưa tạo được mối quan hệ xứng tầm để đẩy mạnh huy động các nguồn vốn của Ngân hàng Hợp tác và các QTDND vào mục tiêu phát triển Hợp tác xã.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng có 5 vấn đề cần tăng cường hợp tác ba bên, cụ thể như các cơ hội hợp tác về chính sách, truyền thông, đào tạo, các tiện ích dịch vụ tín dụng ngân hàng và vận động các QTDND sở tại tham gia tư vấn hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho các mô hình Hợp tác xã sản xuất theo chuỗi ở các địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao những thành quả mà Ngân hàng Hợp tác cũng như hệ thống QTDND đã đạt được trong thời gian qua và đồng ý với các đề xuất của Ngân hàng Hợp tác và Hiệp hội QTDND. Đồng thời mong muốn thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác toàn diện hơn giữa Ngân hàng Hợp tác và gần 1.200 QTDND với hệ thống Liên minh Hợp tác xã các cấp và khu vực Hợp tác xã.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng, cuộc làm việc đã thành công trong việc đưa ba cơ quan xích lại gần hơn và hiểu biết nhau hơn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, cùng thúc đẩy phát triển hệ thống Ngân hàng Hợp tác gắn bó hơn với sự nghiệp phát triển kinh tế hợp tác, Hợp tác xã.

Cũng tại buổi làm việc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác  và Hiệp hội QTDND thống nhất sẽ tiến hành ký kết văn bản và tổ chức triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác nguyên tắc. Trong đó, ba bên tập trung mở rộng hợp tác về đào tạo, tham vấn chính sách, chia sẻ khơi thông công tác thông tin báo chí tuyên truyền, tập trung tổ chức khai thác các dịch vụ tín dụng và ngân hàng chuyên biệt dành riêng cho khu vực Hợp tác xã… Qua đó, nhằm thúc đẩy phát triển Ngân hàng Hợp tác, hệ thống Liên minh Hợp tác xã các cấp và khu vực Hợp tác xã, trong đó có các QTDND.

Theo Ngân hàng Hợp tác

Các tin liên quan