Cơ quan Phát triển Quốc tế tập đoàn Dejardins (DID) đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm, ngay từ những ngày đầu hệ thống Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) Việt Nam được thành lập và đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ trong sự phát triển của hệ thống QTDND nói chung, Ngân hàng Hợp tác nói riêng. Mới đây DID đã triển khai Dự án “Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân – STEP” nhằmmục tiêu nâng cao năng lực của năng lực của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND theo mô hình hợp tác xã. Bản tin Ngân hàng Hợp tác đã có cuộc trao đổi với Ông Rudolf Schuetz (ảnh bên) – Giám đốc DID tại Việt Nam xung quanh sự kiện này.
Dưới góc nhìn của mình, ông có đánh giá thế nào về hệ thống các TCTD hợp tác tại Việt Nam?
Mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc giải quyết những nhu cầu kinh tế xã hội chủ yếu, Việt Nam vẫn đang phải đấu tranh với đói nghèo và sự mất cân bằng giàu nghèo ngày càng gia tăng. Muốn giải quyết được những thách thức này đòi hỏi phải có những giải pháp mới giúp những người dân vùng nông thôn có thể hưởng lợi từ việc tăng trưởng kinh tế và tiếp cận được các cơ hội từ thị trường.
Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND là 1 trong 3 định chế tài chính nhà nước cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng ở khu vực nông thôn nhiều nhất, trong đó đối tượng khách hàng chính là bà con nông dân. Với địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu vực nông thôn, hệ thống QTDND có một vị thế đặc biệt, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mang các dịch vụ tài chính tới khu vực nông thôn Việt Nam.
Có thể nói hệ thống các TCTD hợp tác đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho khu vực nông nghiệp – nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất của người nông dân, những người chưa đáp ứng được tiêu chí vay vốn của ngân hàng. Nhờ đó, chẳng những thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam, mà còn góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Chưa hết, do hệ thống QTDND hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nên đã thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế nên được Chính quyền địa phương rất ủng hộ và mong muốn tiếp tục phát triển mô hình này.
Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của các chuỗi giá trị nông nghiệp, nhu cầu tín dụng của các thành viên ngày càng đa dạng, sự cạnh tranh giữa các TCTD ngày càng gay gắt, dẫn đến việc hệ thống QTDND cần phải có thêm sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác để đáp ứng những yêu cầu của thành viên, để đủ khả năng giải quyết những vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình.
Xu hướng phát triển trên cũng phù hợp với tinh thần các văn bản pháp quy của NHNN mới ban hành như Thông tư số 31/2012/TT-NHNN quy định về Ngân hàng Hợp tác, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về QTDND và Quyết định số 55/2014/QĐ-NHNN phê duyệt phương án tái cơ cấu Ngân hàng Hợp tác
DID được thành lập với mục tiêu chia sẻ thành công của mô hình hợp tác xã Quebec với các nước đang phát triển trên thế giới. Vậy những năm qua, DID đã có những hỗ trợ gì cho hệ thống QTDND tại Việt Nam, thưa ông?
DID trực thuộc tập đoàn Desjardins, tập đoàn hợp tác tài chính hàng đầu Canada và lớn thứ 6 trên thế giới. Trong suốt 50 năm qua, DID hoạt động trong lĩnh vực tài chính toàn diện tại các nước đang phát triển và mới nổi.
DID mang tới những chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác xã tài chính, cung cấp tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ, hơn nữa còn nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển và thực hiện các sản phẩm và dịch vụ một cách chuyên nghiệp, tạo nên các tổ chức nền tảng hay tổ chức mạng lưới, tái cơ cấu tài chính, cải thiện công tác lãnh đạo, hiện đại hoá các hoạt động tài chính, phát triển các chiến lược giám sát tài chính, giáo dục tài chính, đào tạo các chuyên viên, trưởng phòng và nhân viên của các tổ chức tài chính.
Ông Rudolf Schuetz – Giám đốc DID tại Việt Nam đang trò chuyện bên lề Hội thảo cùng ông Nguyễn Thạc Tâm – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác
Với Việt Nam, có thể nói DID luôn đồng hành cùng sự phát triển của hệ thống QTDND tại Việt Nam, ngay từ khi hệ thống QTDND được thành lập. Theo đó có thể kể ra khá nhiều dự án mà DID đã triển khai để hỗ trợ cho hệ thống QTDND nói chung, Qũy tín dụng Trung ương nay là Ngân hàng Hợp tác nói riêng.
Chẳng hạn Dự án tài chính nông thôn ở Việt Nam được triển khai từ năm 1994 – 1997 với mục tiêu thể chế hóa một cơ chế thường trực để tài trợ cho những hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ và huy động tiết kiệm ở khu vực nông thôn. Tạo ra một môi trường tài chính ổn định để xây dựng cơ sở pháp lý, hoạt động, tài chính cần thiết để thực hiện kinh doanh một cách có trật tự và hiệu quả trên toàn hệ thống QTDND. Đảm bảo chuyển giao trách nhiệm cho các thành phần khác nhau trong hệ thống.
Tiếp đó là Dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho tài chính nông thông Việt Nam – Canada (1997 – 2002) với mục tiêu hỗ trợ tạo ra một môi trường tài chính an toàn, tin cậy thông qua việc xây dựng cơ sở pháp lý, hoạt động, tài chính cần thiết để thực hiện kinh doanh một cách có trật tự và hiệu quả trên toàn hệ thống QTDND. Đảm bảo chuyển giao trách nhiệm một cách liên tục cho các đơn vị khác nhau trong hệ thống.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2004 – 2006, DID đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống QTDND nhằm xem xét những quy trình quản lý khác nhau của các QTDND và hỗ trợ sự phát triển của hệ thống hoạt động. Mở rộng các sản phẩm, dịch vụ do QTDND cung cấp. Hỗ trợ sự phát triển và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mà Qũy tín dụng Trung ương cung cấp cho QTDND. Lên kế hoạch và tham gia tìm kiếm nguồn tài chính giúp nhân rộng kết quả trên toàn hệ thống sau khi Dự án kết thúc.
Ngoài ra, DID còn triển khai nhiều dự án khác nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển và chuyển đổi của hệ thống QTDND và Ngân hàng Hợp tác như: Dự án Xây dựng năng lực cho ngành tài chính và thị trường vốn; Dự án Xây dựng một Hiệp hội quốc gia cho hệ thống QTDND (2006 – 2008); Dự án Hỗ trợ Hiệp hội QTDND Việt Nam (2009 – 2011).
Một dự án quan trọng khác của DID được triển khai gần đây là Dự án liên kết nông thôn thành thị – chống đói nghèo được triển khai ở Burkina Faso, Togo, Mali, Việt Nam và Haiti. Ở Việt Nam, Dự án được triển khai từ 2007 – 2010 nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho những người dân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu ở khu vực nông thôn trên khía cạnh khả năng tiếp cận và mức độ sử dụng các dịch vụ, bằng cách mở rộng các giao dịch. Tính liên kết trước hết sẽ được xây dựng giữa các QTDND ở khu vực nông thôn với những QTDND ở khu vực thành thị và sau đó là với các tổ chức tài chính ngoài hệ thống (chuyển khoản).
Và giờ đây là dự án “Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân – STEP” với mục tiêu nâng cao năng lực của năng lực của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND theo mô hình hợp tác xã.
Ông có thể nói rõ thêm về Dự án “Đẩy mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân – STEP”
Được sự ủng hộ của đại diện Chính phủ Canada và Chính phủ Việt Nam, tổ chức DID phối hợp với Ngân hàng Hợp tác, đã chính thức khởi động dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND (STEP). Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada tài trợ cho dự án này với ngân sách tài trợ 17.7 triệu đô – la Canada cho thời gian thực hiện đến 3/2021.
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của năng lực của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND theo mô hình hợp tác xã. Hoạt động chính của dự án là hỗ trợ, tư vấn cho Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND trong quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nhằm nâng cao khả năng hội nhập cũng như hiệu quả hoạt động
Dự án Đẩy mạnh hệ thống QTDND với Ngân hàng Hợp tác cùng với hệ thống các QTDND là đối tác chính của dự án. Dự án STEP mong muốn cải thiện khả năng tiếp cận đến dịch vụ và sản phẩm cung cấp bởi QTDND; cải thiện các dịch vụ hỗ trợ và giám sát mà Ngân hàng Hợp tác cung cấp cho hệ thống QTDND đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận vốn ở nông thôn, thực hiện tốt hơn vai trò của Ngân hàng Hợp tác là Ngân hàng đầu mối của hệ thống QTDND.
Khi dự án kết thúc, Ngân hàng Hợp tác sẽ trở thành một tổ chức hoạt động tốt hơn, có sự liên kết mạnh mẽ hơn với hệ thống QTDND và cung cấp những dịch vụ tài chính đa dạng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Dự án này sẽ được triển khai tại đâu? Lợi ích cụ thể là gì? thưa ông!
Để đạt được những mục tiêu mà Dự án đề ra, DID sẽ phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xác định 3 khu vực trọng tâm, đại diện cho toàn hệ thống QTDND. Theo đó, DID sẽ hỗ trợ các chi nhánh Ngân hàng Hợp tác ở các khu vực này cũng như lựa chọn thí điểm tại một số QTDND ở cả khu vực nông thôn và thành thị.
Dự án nhằm mục đích hỗ trợ cho Ngân hàng Hợp tác và 75 QTDND ở 14 tỉnh, thành trải khắp Việt Nam. Công tác hỗ trợ bao gồm 3 nội dung chính: Chức năng giám sát (đào tạo, quản trị rủi ro, giám sát hoạt động), phát triển sản phẩm tài chính, dịch vụ (thương mại và nông nghiệp) và bộ máy giám sát (kiểm tra nội bộ, kiểm toán nội bộ).
Dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn thí điểm và giai đoạn nhân rộng. Dự án đã lựa chọn 75 QTDND để tham gia thí điểm các hoạt động nâng cao năng lực. Ít nhất sẽ có 100 nhân viên Ngân hàng Hợp tác (trong đó ít nhất 40 nữ) được tập huấn để có thể đào tạo đội ngũ cán bộ của QTDND trong giai đoạn thí điểm. Và có ít nhất 200 nhân viên của 75 QTDND tham gia thí điểm được đào tạo. Dự án cũng sẽ phát triển ít nhất 5 sản phẩm và dịch vụ tài chính mới.
Trong giai đoạn nhân rộng, DID sẽ giúp Ngân hàng Hợp tác triển khai trên toàn hệ thống QTDND với mục tiêu dự kiến là 2 triệu thành viên đồng thời là khách hàng sẽ được hưởng lợi từ Dự án.
Có thể nói, Dự án được xây dựng mang lại nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân ở khu vực nông thôn. Dự án sẽ là một đòn bẩy cần thiết giúp Ngân hàng Hợp tác thực hiện tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND. Điều đó sẽ cho phép Ngân hàng Hợp tác hoàn thành nhiệm vụ đối với thành viên mà vẫn đảm bảo kết quả tài chính và sự bền vững của toàn hệ thống. Về phần mình, các QTDND cũng sẽ có những đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế địa phương và giúp các thành viên cải thiện cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ này.
Theo Ngân hàng Hợp tác13.11.2024
30.10.2024