Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Tổ chức tín dụng phải thực hiện minh bạch về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi.
Điểm nổi bật trong thông tư mới này là quy định về tính lãi. Theo đó, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, một năm được xác định là 365 ngày.
Thời gian qua, cách tính lãi nói trên thực hiện theo Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN từ năm 2001, có những vướng mắc, cũng như có thay đổi trong các văn bản pháp lý mới ban hành. Trong đó, vướng mắc chính là quy định về số ngày trong một năm tại Quyết định 652 chưa thống nhất với Luật Dân sự hiện hành và số ngày thực tế trong năm.
Tại điều 9 Quyết định 652 quy định cứng thời gian chuẩn để tính lãi theo năm được quy ước là “một năm có 360 ngày”. Còn điểm a khoản 1 điều 146 Luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn “một năm là 365 ngày”; và ngày thực tế theo lịch thì trong một năm là 365 ngày hoặc 366 ngày (đối với năm nhuận).
Như vậy, với thông tư vừa ban hành, số ngày của năm để tính lãi được chốt lại là 365 ngày.
Ngoài ra, thông tư mới cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.
Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với quy định của pháp luật về nhận tiền gửi, cấp tín dụng và quy định tại thông tư này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thông tư mới quy định một phương pháp tính lãi để làm cơ sở minh bạch lãi suất, trong đó thời hạn tính lãi xác định theo phương pháp bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự), số dư thực tế đầu ngày tính lãi.
13.11.2024
30.10.2024