Một lãnh đạo NHTMCP tại Hà Nội thì cho vay vốn ra thì dễ, chỉ cần hạ điều kiện cho vay là xong nhưng hiệu quả nguồn vốn đến đâu mới là điều quan trọng...
Tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế
Tìm doanh nghiệp tốt để cho vay
Nếu Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2018 ở mức từ 6,5-6,7% thì tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm tới sẽ ở mức bao nhiêu? Băn khoăn này không phải mới mà gần như năm nào cũng là vấn đề quan trọng không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà cả DN, người dân.
Chẳng hạn, năm 2017 mục tiêu TTTD được NHNN đưa ra mức 18% từ đầu năm theo đánh giá của các chuyên gia là khá phù hợp. Tuy nhiên, khi tín dụng tăng đều đặn từ đầu năm, cộng với việc Chính phủ chỉ đạo huy động tổng lực để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế 6,7% thì tín dụng cũng được “bật đèn xanh” có thể vượt mức đặt ra từ đầu năm. Nhưng hết quý III/2017 diễn biến kinh tế vĩ mô đã thay đổi khi GDP của quý này tăng tới 7,46% đưa GDP 9 tháng lên 6,41%, trong khi TTTD ở mức 12 %. Như vậy, có thể nói tín dụng tăng không quá mạnh nhưng GDP vẫn tăng cao và dự báo kết thúc năm nay GDP đạt 6,7% là khả quan. Do đó, mức TTTD phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn và sự hấp thụ của nền kinh tế cần được đặt ra như một ưu tiên hàng đầu.
Mới đây trong phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, TTTD không quá lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng. Điều hành mức tăng tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế chứ không nhất quyết phải tăng theo con số đó. Mặt khác, mức tăng tín dụng 20 - 21% cũng không phải con số quá cao. Trước đây tín dụng tăng 30-36% và cao điểm nhất như năm 2009 là tăng 53,9% thì giờ chỉ còn chưa đến một nửa. Vừa rồi chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, nhìn chung, dòng tiền đi đúng hướng.
Thời điểm cuối năm, DN thường mở rộng sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vay vốn thường cao hơn nhưng nói như một lãnh đạo NHTMCP tại Hà Nội thì cho vay vốn ra thì dễ, chỉ cần hạ điều kiện cho vay là xong nhưng hiệu quả nguồn vốn đến đâu mới là điều quan trọng. Và bản thân các NH cũng gặp phải cạnh tranh khi tìm kiếm DN tốt vì khi khách hàng là DN tốt thì có nhiều NH chào mời.
Một Phó tổng giám đốc của Agribank cho rằng, thanh khoản của hệ thống đang khá tốt và bản thân NH cũng rất cần những khách hàng có tình hình tài chính tốt để cho vay nhất là khách hàng DNNVV có dự án được đánh giá hiệu quả. Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH chia sẻ, sản xuất, kinh doanh đang khá thì cũng nên cân nhắc xem có nên đẩy tín dụng tăng tới trên 20%? Một số chuyên gia cho rằng, mỗi khi cố gắng đẩy TTTD lên cao quá so với tổng phương tiện thanh toán thì sẽ gây ra áp lực tới thanh khoản hệ thống, làm tăng lãi suất. Thậm chí tín dụng tăng nóng sẽ làm tăng sức ép giữ ổn định vĩ mô.
Năm 2018: Tăng trưởng tín dụng bao nhiêu?
Trở lại vấn đề tín dụng năm 2018 ở mức bao nhiêu là hợp lý? TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH cho rằng, thông thường TTTD gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP. Do đó nếu mục tiêu của chúng ta trong năm 2018 GDP tăng 6,5% thì TTTD khoảng cỡ 16,25% là hợp lý.
Theo ông Hiếu, nếu đẩy lượng lớn tín dụng đó ra nền kinh tế sẽ có những hậu quả. Thứ nhất là khó khăn trong kiểm soát lạm phát. Vì tác động chính sách thường có độ trễ nhất định. Có khi đưa tín dụng ra nửa cuối năm nay thì sang năm sau mới biết được tác động của nó. Thứ hai, đẩy mạnh tín dụng thì các NH có thể sẽ phải nới điều kiện cho vay, dễ dàng hơn trong xét duyệt hồ sơ tín dụng và nợ xấu trong tương lai sẽ khó lường. Thứ ba, khi đẩy một lượng tiền lớn ra nền kinh tế sẽ khó kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực kinh doanh rủi ro.
PGS-TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay, tăng trưởng kinh tế có hỗ trợ nhiều yếu tố như lao động, năng suất lao động… về vốn thì có vốn tín dụng. Tổng vốn đầu tư năm 2018 dự kiến khoảng 33 - 34%/GDP và nguồn vốn tín dụng tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng.
Điểm đặc biệt, gần đây vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng rất nhanh so với các năm trước. Nếu như trước đây vốn hóa chỉ chiếm 30-40% GDP thì nay đã lên tới trên 90% GDP. Như vậy, trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, nếu trước đây vốn tín dụng khá nặng thì dần dần đã được giảm bớt sang vốn hóa thị trường chứng khoán và đây là điểm rất tích cực. Vì vốn hóa thị trường chứng khoán tăng thì vai trò thị trường vốn sẽ đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn, còn vốn tín dụng sẽ cho vay ngắn hạn, vay lưu động nhiều hơn. Từ phân tích trên thì năm 2018, TTTD tương đương hoặc thấp hơn năm 2017 và ở mức khoảng 18% là phù hợp.
Thừa nhận, vốn hóa thị trường vốn đã tăng mạnh gần đây, tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vốn cho các DN từ thị trường vốn chưa cải thiện được nhiều mà vẫn có tới 80% vốn cho các DN vay từ NH. Rõ ràng, dư nợ tín dụng hiện tại là 6 triệu tỷ đồng, so với thị trường vốn thì còn vượt xa, nên đánh giá thị trường vốn đã phát triển tốt là đúng nhưng mới đóng góp một phần trong nền kinh tế.
“Sản phẩm của thị trường vốn là cổ phần, mà cổ phần đó chủ yếu là các DN lớn mạnh, tự bản thân họ vận động được vốn. Nhưng với DN trung bình và DNNVV thì vẫn phải vay vốn NH, mà tỷ lệ DN này rất lớn chiếm tới 80% số lượng DN. Do đó nguồn vốn NH vẫn rất quan trọng trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng năm 2018 tín dụng tăng khoảng 16,25% là rất khoa học”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024