13.10.2017 14:49

Ban kinh tế Trung ương thăm và làm việc tại Ngân hàng Hợp tác

Trong khuôn khổ Đề án “Phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và biên tập, ngày 29/9/2017, Đoàn đại biểu cấp cao Ban kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương kiêm Tổ trưởng tổ Biên tập làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc và dự buổi Toạ đàm tại Ngân hàng Hợp tác.

 Tham dự buổi Toạ đàm còn có lãnh đạo một số Vụ, Cục của một số Bộ, ngành là thành viên của Tổ biên tập Đề án: “Phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Tham dự buổi Toạ đàm về phía Ngân hàng Hợp tác có: đồng chí Đỗ Mạnh Hùng – Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy cơ quan NHTW – Bí thư Đảng bộ – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác; đồng chí Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT; các đồng chí thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; các đồng chí Phó Tổng giám đốc, đại diện Hiệp hội QTDND Việt Nam cùng lãnh đạo một số Phòng, Trung tâm tại Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác.

 

 

Đ/c Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc NHHT phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi Toạ đàm, đồng chí Nguyễn Đức Dũng – Uỷ viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đã báo cáo với đồng chí Cao Đức Phát cùng Đoàn một số nét về quá trình hình thành, phát triển của Ngân hàng Hợp tác và Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cũng như tình hình hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và QTDND trong thời gian qua.

Theo đó, Ngân hàng Hợp tác tiền thân là Quỹ tín dụng Trung ương được thành lập năm 1995 và đến năm 2013 được chuyển đổi mô hình thành Ngân hàng Hợp tác. Trải qua gần 22 năm, dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã không ngừng lớn mạnh và hoàn thành tốt vai trò điều hòa vốn, liên kết hệ thống; hỗ trợ, thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả. Đến nay, Ngân hàng Hợp tác có: 27 Chi nhánh, 67 Phòng giao dịch phục vụ cho 1.177 QTDND tại 56/63 tỉnh, thành phố với 2.831 xã, phường, thị trấn (chiếm 25,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước). Đến cuối tháng 9/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác đạt 26.949 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 17.867 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các QTDND là: 3.893 tỷ đồng. Bên cạnh công tác điều hoà vốn, Ngân hàng Hợp tác cũng hỗ trợ Hệ thống QTDND thông qua các hình thức như: Cho vay xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản, triển khai các chính sách hỗ trợ các QTDND khắc phục khó khăn theo đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động đã được NHNN phê duyệt, hỗ trợ chi trả tiền gửi đối với các QTDND có dấu hiệu mất an toàn, Phát triển sản phẩm dịch vụ Ngân hàng như: dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ, Là đầu mối tiếp nhận và triển khai các Dự án Tín dụng quốc tế với nguồn vốn trung và dài hạn, lãi suất thấp hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực tài chính, mở rộng triển khai các Dự án Hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao năng lực chuyên môn, khoa hoạc công nghệ cho các QTDND, Hỗ trợ đào tạo cho các QTDND về nghiệp vụ…

Đối với hệ thống QTDND, tính đến cuối tháng 9/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của 1.177 QTDND đạt 97.798 tỷ đồng; với tổng số thành viên của QTDND là gần 2 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp – nông thôn. Dư nợ cho vay thành viên đạt 73.829 tỷ đồng, trong đó trong đó chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn. Nợ xấu thấp, chưa đến 1% tổng dự nợ. Thành công của hệ thống QTDND Việt nam được tổng kết qua việc đã tiếp thu được những kinh nghiệm về phát triển của các quốc gia trên thế giới như: Canada, Đức, Hà Lan, Thái lan…Đồng thời, phát huy được những ưu thế riêng trong công tác huy động vốn, cho vay, thu nợ nên đảm bảo an toàn trong hoạt động, uy tín ngày càng được nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng cũng đánh giá cao những thành quả mà hệ thống QTDND đã đạt được như sau: Huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư để cho vay thành viên qua đó góp phần giảm tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy mở rộng và khôi phục làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp nông thôn. Hầu hết các QTDND hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững, góp phần tích cực hình thành mô hình Hợp tác xã tín dụng kiểu mới ở nông thôn, khôi phục lòng tin của người dân và tạo sự đồng tình của cấp uỷ chính quyền địa phương với mô hình QTDND.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, đồng chí Nguyễn Đức Dũng cũng cho rằng, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác nói riêng và hệ thống QTDND vẫn còn nhiều khó khăn thách thức nhất là về các chính sách, cơ chế hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và Hệ thống QTDND; nhu cầu phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND là rất lớn, đòi việc đầu tư và hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hoạt động, hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Hợp tác thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, Ngân hàng Hợp tác kiến nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù hoạt động của QTDND, đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và Ngân hàng Hợp tác; đồng thời ban hành cơ chế xử lý đối với khoản vay hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động khi không thu hồi được nợ.

Bổ sung thêm với Đoàn về sự thành công của mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND tại Việt nam, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác nhấn mạnh đến giá trị cốt lõi của tính liên kết hệ thống. Hiện nay, giữa Ngân hàng Hợp tác và các QTDND mặc dù độc lập về tài chính nhưng với vai trò là Ngân hàng của các QTDND, Ngân hàng Hợp tác luôn coi nhiệm vụ chính trị trọng tâm là hoàn thành tốt vai trò liên kết hệ thống, tích cực hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác cũng tích cực phát triển công nghệ và dịch vụ Ngân hàng hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của hệ thống QTDND, ưu tiên nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ để hỗ trợ các QTDND: sản phẩm cho vay đồng tài trợ, cho vay liên kết, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán…; Tranh thủ các nguồn vốn quốc tế hỗ trợ các QTDND về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thể chế, Hỗ trợ đào tạo và truyền thông quảng bá hình ảnh thương hiệu của hệ thống QTDND; hỗ trợ kiểm toán nội bộ. Ngân hàng Hợp tác còn hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động để giúp đỡ, tư vấn trong quản trị điều hành, huy động vốn và cho vay.

Đặc biệt, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ngân hàng Hợp tác đã triển khai đến các QTDND hệ thống Ngân hàng điện tử (CF-eBank), đến nay đã kết nạp 433 QTDND, nâng tổng số điểm kết nối thanh toán của hệ thống lên trên 500 đơn vị. Dịch vụ này cũng nối gần hơn các QTDND với Ngân hàng Hợp tác trong công tác điều hoà vốn, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Đồng thời hạn chế giao dịch tiền mặt của thành viên, khách hàng tại khu vực nông thôn…

Chia sẻ về những tồn tại, hạn chế của hệ thống QTDND, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đã thẳng thắn nhìn nhận: một số QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích hoạt động, chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng nóng, chưa quan tâm đến các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN.

Đóng góp ý kiến về phát triển các Hợp tác xã , đồng chí Đỗ Mạnh Hùng đề nghị tổ Biên tập Đề án nên nghiên cứu để tìm ra bản chất của Hợp tác xã. Từ việc định nghĩa đúng bản chất của Hợp tác xã, sẽ tìm ra được đường đi đúng cho các Hợp tác xã phát triển tại Việt nam. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: “Đối với các Hợp tác xã, Ngân hàng Hợp tác rất ưu tiên cho vay vốn và đã triển khai đối thoại, kết nối với các hợp tác xã ngành nghề tại một số tỉnh. Tuy nhiên, việc cho vay các hợp tác xã cần được triển khai thí điểm vùng, từ đó tập trung giải quyết tồn tại phát sinh, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để các hợp tác xã từng bước có thể tiếp cận được các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định và phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới…”.

Rất tâm huyết với việc phát triển Hợp tác xã tại Việt nam, đồng chí Trần Quang Khánh – Chủ tich HĐQT Ngân hàng Hợp tác đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển Hợp tác xã trên thế giới với Tổ biên tập Đề án. Theo đó, Hợp tác xã trước đây và hiện tại chưa xác định đúng bản chất của kinh tế Hợp tác xã, đó là các xã viên Hợp tác xã cùng góp vốn, cùng vận hành Hợp tác xã và Hợp tác xã phục vụ và gia tăng lợi ích cho chính những xã viên của mình. Đồng chí Trần Quang Khánh cũng đánh giá các Hợp tác xã ngành nghề hiện nay chưa có sự liên hiệp để tăng tính cạnh tranh và tương trợ lẫn nhau. Đồng chí cũng đề nghị nên thành lập một cơ quan chuyên trách về Hợp tác xã để ban hành các cơ chế chính sách về phát triển Hợp tác xã tại Việt nam.

 

Đ/c Cao Đức Phát – Ủy viên ban chấp hành TW Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban kinh tế TW phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ghi nhận và đánh giá cao những thành quả mà Ngân hàng Hợp tác cũng như hệ thống QTDND đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Cao Đức Phát – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương cho rằng: “Qua quá trình theo dõi đánh giá của Tổ biên tập Đề án thì trong mấy chục năm vừa qua Hợp tác xã lâm vào tình trạng trì trệ, kém hiệu quả. Hợp tác xã có những tiến bộ nhưng chậm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhưng điểm sáng đó là Ngân hàng Hợp tác và Hệ thống QTDND. Điều đó đã khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc hình thành và phát triển loại hình TCTD hợp tác hoạt động không vì lợi nhuận và mục tiêu chủ yêu là liên kết, tương trợ hệ thống. Hệ thống QTDND đã khẳng định là một kênh dẫn vốn hiệu quả, là một công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu; chẳng những góp phần đẩy lùi cho vay nặng lãi mà còn đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn… thành công đó có sự đóng góp rất lớn của Ngân hàng Hợp tác với vai trò đầu mối liên kết và hỗ trợ cho các QTDND”

Chia sẻ khó khăn cùng Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND, đồng chí Cao Đức Phát cho rằng: “Hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND là rất đặc thù nên cần có những cơ chế riêng, phù hợp để Ngân hàng Hợp tác hỗ trợ ngày một hiệu quả hơn, đặc biệt là phát triển QTDND an toàn, hiệu quả, bền vững…

 Đồng chí Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: “Qua buổi toạ đàm với Ngân hàng Hợp tác Tổ biên tập Đề án cần có sự điều chỉnh về cách tiếp cận và nghiên cứu. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ mô hình TCTD hợp tác để áp dụng những thành công về xây dựng Hợp tác xã vào Đề án Phát triển Hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cho phù hợp”.

Trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của đồng Chí Cao Đức Phát, thay mặt HĐQT và Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác, đồng chí Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT cam kết, Ngân hàng Hợp tác với vai trò là Ngân hàng của các QTDND sẽ luôn nỗ lực tối đa vì hệ thống, phục vụ hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả bền vững; luôn đồng hành cùng nông nghiệp – nông thôn, cùng người dân và doanh nghiệp các địa phương.

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi làm việc:

 
 
 
 
 

Theo Ngân hàng Hợp tác

Các tin liên quan