Trong bối cảnh phát triển sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, xu hướng chuyển dịch các giao dịch theo phương thức truyền thống sang môi trường điện tử gia tăng. Khách hàng được trải nghiệm đa dạng các dịch vụ tiện ích, hiện đại và tiết kiệm thời gian, chi phí. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà các sản phẩm, dịch vụ số hóa mang lại, xu hướng gia tăng của các tội phạm mạng cũng đặt ra những thách thức về công tác đảm bảo an ninh, an toàn và nhận biết, xác minh chính xác thông tin khách hàng. Nhận thức rõ các vấn đề trên, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động, tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ chuyển đổi số ngân hàng một cách thực chất, hiệu quả đi cùng với chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn.
Tăng cường công tác truyền thông, triển khai chương trình giáo dục tài chính phù hợp để khách hàng nhận thức đúng, đầy đủ về bảo mật dữ liệu, phòng, tránh tội phạm lừa đảo, gian lận (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
1. Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia của ngành Ngân hàng
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Mục tiêu tổng thể của Đề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Là một trong những ngành, lĩnh vực được xác định có mức độ sẵn sàng cao, ưu tiên chuyển đổi số trước, thời gian qua, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác của Chính phủ triển khai Đề án 06, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ thực trạng để tổ chức triển khai Đề án 06 trong ngành Ngân hàng một cách đồng bộ, hiệu quả.
Ngày 18/02/2022, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 với nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công, hoạt động nghiệp vụ của NHNN và của các ngân hàng. NHNN và Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN ngày 24/4/2023 triển khai Đề án 06 gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, xác minh, xác thực thông tin khách hàng và sử dụng cho nhiều hoạt động ngân hàng khác trên môi trường số. Đến nay, việc triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, NHNN tích cực triển khai kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN: (i) NHNN (đầu mối là Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - CIC) đã phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an thực hiện 04 đợt rà soát, hoàn thành đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng. Hiện tại, đang tiếp tục làm sạch thêm khoảng 6,5 triệu hồ sơ khách hàng phát sinh trong năm 2023. Việc làm sạch hồ sơ khách hàng CIC là dữ liệu quan trọng để các đơn vị trong ngành Ngân hàng xét duyệt hồ sơ cho vay và cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Ban Lãnh đạo NHNN; (ii) Để phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, NHNN đã kết nối kỹ thuật và hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, hiện đang thực hiện các thủ tục kiểm tra an toàn, bảo mật hệ thống trước khi chính thức kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ hai, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu về dân cư, CCCD gắn chíp, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) để làm sạch dữ liệu, nhận biết, xác minh chính xác khách hàng nhằm phòng, chống, ngăn ngừa việc tội phạm mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp; đồng thời, nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn nhất đến với người dân, khách hàng. Đến nay, đã có: (i) 48 TCTD và 15 trung gian thanh toán đã liên hệ, phối hợp với C06 để triển khai phương án làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại TCTD; (ii) 53 TCTD và 31 trung gian thanh toán đang phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng CCCD gắn chíp để nghiên cứu, triển khai giải pháp xác thực khách hàng, trong đó có 09 TCTD đã triển khai thực tế; (iii) 19 TCTD và 13 trung gian thanh toán đã và đang liên hệ với C06 để triển khai ứng dụng VNeID trong mở tài khoản thanh toán; (iv) 04 TCTD đang phối hợp C06 để nghiên cứu triển khai giải pháp kết nối xác thực trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (v) 04 TCTD và 01 trung gian thanh toán cũng đã phối hợp với C06, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan để triển khai luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả an sinh xã hội; (vi) 14 TCTD liên hệ với C06 để tìm hiểu thông tin về triển khai giải pháp đánh giá khả tín khách hàng để nghiên cứu, tham khảo trong triển khai dịch vụ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân, trong đó có 04 TCTD đang thí điểm áp dụng.
Thứ ba, công tác phối hợp ứng dụng dữ liệu dân cư trong phòng, chống tội phạm được các TCTD tích cực triển khai thông qua các chương trình đào tạo nhận biết giấy tờ tùy thân và rà soát đối tượng nghi ngờ gian lận, giả mạo, triển khai dịch vụ tích xanh tài khoản... Đến nay: (i) Có 26 TCTD phối hợp với C06 để triển khai các lớp đào tạo cho giao dịch viên, cán bộ chăm sóc khách hàng, kiểm soát… về các dấu hiệu, cách thức nhận biết CCCD thật, giả, qua đó góp phần phát hiện sớm, ngăn chặn việc tội phạm sử dụng giấy tờ tùy thân làm giả mạo qua mắt nhân viên ngân hàng để đăng ký sử dụng dịch vụ phục vụ mục đích phạm pháp, vi phạm pháp luật; (ii) Có 02 TCTD đã gửi thông tin, dữ liệu sang C06 để phối hợp đối soát xác minh các trường hợp nghi ngờ sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo; (iii) Có 07 TCTD đã liên hệ với C06 để tìm hiểu nội dung về tích xanh tài khoản đảm bảo, đảm bảo dữ liệu khách hàng tại TCTD phải được đối chiếu chính xác, làm sạch thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản VNeID.
2. Một số vấn đề đặt ra và định hướng triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia trong hoạt động ngân hàng thời gian tới
2.1. Cùng với sự phát triển công nghệ là xu hướng gia tăng tội phạm mạng với các thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi và khó lường trên toàn cầu. Thực tế cho thấy, tội phạm lừa đảo cũng đang có xu hướng gia tăng, nhiều khách hàng đã bị lừa và chủ động chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ dẫn của tội phạm, các khoản tiền này ngay sau đó được chuyển đi đến các tài khoản khác (trong đường dây lừa đảo), vì thế, rất khó để giúp người bị hại thu hồi được số tiền bị lừa đảo.
Trước bối cảnh đó, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp để góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo và mất an ninh, an toàn thanh toán, như: (i) Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng hoặc tham mưu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trên môi trường số; (ii) Ban hành các văn bản chỉ đạo, khuyến nghị, cảnh báo toàn Ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán; (iii) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để phát hiện, xử lý các vi phạm, chấn chỉnh các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nghiêm túc chấp hành các quy định của NHNN và pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho khách hàng; (iv) Thường xuyên tổ chức triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục tài chính, góp phần phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn...
Đặc biệt, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024), trong đó quy định yêu cầu các giao dịch thanh toán điện tử của khách hàng cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng sẽ phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học: (1) Đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chíp tại thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp; (2) Thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; (3) Hoặc dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, khuyến khích kết hợp với phương thức xác thực OTP gửi qua SMS/Voice hoặc Soft OTP/Token OTP.
Việc triển khai áp dụng Quyết định số 2345/QĐ-NHNN dự kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp TCTD nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tội phạm thuê, mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử… sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Tuy nhiên, với quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN áp dụng từ 01/7/2024 cũng đặt ra yêu cầu đối với các TCTD trong phối hợp với C06 và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các giải pháp kết nối, đối chiếu xác thực khách hàng để thực hiện đúng thời hạn.
2.2. Trong công tác chuyển đổi số, thời gian qua, NHNN đã rà soát, ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên ứng dụng công nghệ hiện đại, mang lại tiện ích an toàn cho khách hàng; đồng thời, chỉ đạo thống nhất toàn Ngành tích cực triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả tích cực: (i) Hơn 77,4% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; (ii) Nhiều nghiệp vụ ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng, ví điện tử; chuyển tiền; bảo lãnh; cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân…); (iii) Nhiều TCTD đạt hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; (iv) Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành Ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng cũng đặt ra những thách thức trong công tác nhận biết, xác thực chính xác khách hàng khi mà đa số giao tiếp, tương tác với khách hàng đều được thực hiện trên kênh số (không tiếp xúc, gặp mặt trực tiếp) và việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng về tính tiện lợi, nhanh chóng và dịch vụ cá nhân hóa.
Đến nay, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chíp và 70,2 triệu tài khoản VNeID, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” đã được kết nối, tích hợp thông tin với một số nguồn dữ liệu đáng tin cậy khác (bảo hiểm xã hội, dịch vụ công...). Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng không những giúp định danh, xác minh chính xác khách hàng mà còn có thể giúp TCTD, trung gian thanh toán có thêm thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ việc phân tích, đánh giá khách hàng để thiết kế, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu khách hàng và đơn giản quy trình thủ tục, đẩy nhanh tốc độ thời gian xử lý trong quá trình cung ứng dịch vụ.
2.3. Phát huy những kết quả đã đạt được và để tiếp tục triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia trong hoạt động nghiệp vụ, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số đi liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tập trung thực hiện một số công việc sau:
Một là, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, tập trung vào việc hoàn thành kết nối hệ thống thông tin tín dụng, hệ thống phòng, chống rửa tiền với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hoạt động kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chíp và ứng dụng VNeID của các đơn vị trong ngành Ngân hàng.
Hai là, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia, tài khoản định danh và xác thực điện tử, khai thác thông tin từ CCCD gắn chíp... trong các hoạt động nghiệp vụ (làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng...) và cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Ba là, các TCTD tiếp tục tích cực triển khai Đề án 06, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nêu tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN, trong đó ưu tiên tập trung: (i) Xây dựng lộ trình, có kế hoạch cụ thể phối hợp với C06 và các đơn vị liên quan làm sạch dữ liệu và triển khai giải pháp đối chiếu, so khớp dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chíp của thẻ CCCD, hệ thống định danh và xác thực điện tử... để sẵn sàng cho việc áp dụng Quyết định số 2345/QĐ-NHNN kể từ ngày 01/7/2024; (ii) Tích cực nghiên cứu để ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong xác minh và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, trong đó xem xét tham khảo giải pháp chấm điểm khả tín khách hàng do C06 cung cấp trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.
Bốn là, tăng cường công tác truyền thông, triển khai chương trình giáo dục tài chính phù hợp để khách hàng nhận thức đúng, đầy đủ về bảo mật dữ liệu, phòng, tránh tội phạm lừa đảo, gian lận; đồng thời, nắm vững, hiểu những kiến thức, kỹ năng thực hiện giao dịch ngân hàng thông qua CCCD gắn chíp hoặc tài khoản VNeID một cách thông suốt, an toàn.
Theo Tạp chí Ngân hàng.