Trong những ngày này, khi người dân cả nước cùng hướng về Hà Nội, với lòng tiếc thương vô hạn khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước đều đăng những bài viết, hình ảnh sống động về cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vô cùng vẻ vang của Tổng Bí thư. Trong giây phút thiêng liêng và xúc động này, Hiệp hội QTDND Việt Nam xin chia sẻ bài viết của Thời báo Ngân hàng giới thiệu những ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021) cùng những hình ảnh thể hiện sự gần gũi, quan tâm của Tổng Bí thư đối với ngành Ngân hàng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam
Tổng Bí thư vui mừng trước những thành tựu của ngành Ngân hàng
Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trải qua 70 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL, ngày 6/5/1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức người lao động của ngành Ngân hàng đã luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ cho sự phát triển của đất nước.
Trong 35 năm đổi mới, Ngành phát huy tốt vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế quốc dân, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, biện pháp sáng tạo, có tính khả thi cao để quản lý, vận hành có hiệu quả thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 2011-2020, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 và đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết. Ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chủ động linh hoạt hơn các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thanh khoản các thị trường tiền tệ, ngoại hối luôn ổn định và thông suốt. Các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước giúp mặt bằng lãi suất giảm, cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch…
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng cần phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, ngành Ngân hàng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy thật tốt những kết quả đạt được và quyết liệt khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy những thành quả mà các thế hệ trước đã để lại, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ tư duy để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập, phấn đấu nâng cao hơn nữa để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: "Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và với nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự năng động, sáng tạo, trong thời gian tới ngành Ngân hàng Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục viết nên những trang sử mới hào hùng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày báo Xuân của ngành Ngân hàng tại Hội Báo xuân toàn quốc năm 2015 tại Hà Nội
Năm điều lưu ý của Tổng Bí thư với ngành Ngân hàng
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, bên cạnh việc ghi nhận những thành quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong suốt 70 năm qua, Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề.
Một là, ngành Ngân hàng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên trong Ngành cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành Ngân hàng nói riêng. Đặc biệt chú ý "Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối".
Hai là, nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Ngân hàng: Là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế rất phức tạp, nhạy cảm, có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, tập trung ưu tiên xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt chiến lược, kế hoạch, các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các đồng chí cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; Vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày của ngành Ngân hàng tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.
Năm là, ngành Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhà nước, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển của Ngành, của đất nước. Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đề xuất đổi mới phải được cấp uỷ, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền, cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai, cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn.
Còn nhớ, cả hội trường trực tiếp và trực tuyến hôm đó đều như vỡ oà bằng những tràng vỗ tay không ngớt sau lời chúc mừng của Tổng Bí thư: “chúc ngành Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mới, có bước trưởng thành mới, mạnh mẽ hơn nữa, vững chắc hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng thịnh vượng, hùng cường, đi lên chủ nghĩa xã hội, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và cũng là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam ta”.
Theo Thời báo Ngân hàng.