15.11.2021 09:01

Từng bước đẩy lùi tín dụng đen trong đời sống người dân

“TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen”, nhấn mạnh của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do NHNN phối hợp với Báo Lao động tổ chức chiều ngày 12/11.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo
Sự vào cuộc quyết liệt của ngành Ngân hàng

Những năm gần đây, tín dụng đen với nhiều hình thức, thủ đoạn đang bủa vây những người yếu thế, từ thành thị cho tới nông thôn. Theo con số cung cấp từ Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, qua rà soát hiện đã phát hiện hơn 6.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Riêng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.

Cũng theo ông Phương, bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Chỉ thị số 12/CT ngày 25/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen” tuy mới triển khai được hai năm song ông Phương nhận thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao…

Cùng với các bộ, ngành, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống ngân hàng trong mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn đã kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp..., NHNN thời gian qua đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng.

Đồng thời chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...

Bằng việc chú trọng phát triển mạng lưới, tới nay toàn hệ thống hiện có 124 TCTD và gần 1.200 Quỹ Tín dụng Nhân dân; 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; 04 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, phòng giao dịch.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. NHNN đã ban hành các Thông tư tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch.

Đặc biệt, dù khó khăn nhưng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vẫn đạt kết quả khả quan với trên 9,99 triệu tỷ đồng (tính tới cuối tháng 10/2021). Khu vực nông nghiệp, nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen - có mức tăng trưởng khá với dư nợ trên 2,48 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế (tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12). 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020.

Tuy đã có những tín hiệu tích cực, song các diễn giả tại Hội thảo đều có chung nhìn nhận rằng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; nhiều người dân lâm vào tình cảnh giảm thu nhập, mất việc làm, nhu cầu vay tiền phục vụ sinh hoạt, đời sống tăng cao. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao nhưng chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, nhất là nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ các bên

Chia sẻ từ triển khai hoạt động tín dụng chính sách, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: Nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ; vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng…

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, BIDV đã triển khai chiến lược đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, dư nợ bán lẻ đã tăng trưởng mạnh mẽ gấp 12 lần so với năm 2011 và từ chiếm tỷ trọng 13,3% tổng dư nợ tín dụng BIDV năm 2011 lên khoảng 38%. Tận dụng lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp của ngân hàng, Tổng Giám đốc BIDV cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh gia tăng liên kết với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức trên toàn quốc và có kế hoạch tiếp cận khách hàng tại khu vực nông thôn. Tiếp tục phát triển, số hóa các sản phẩm tín dụng, đơn giản hoá thủ tục và triển khai cho vay online đối với khách hàng cá nhân.

Ông Lâm cũng nêu kiến nghị về việc chú trọng phát triển tài chính vi mô để hỗ trợ cho vay đối với người dân có thu nhập thấp, không ổn định, dưới chuẩn ngân hàng; sớm ban hành các quy định và quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng; tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đề nghị NHNN phối hợp cùng các Bộ/ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý trong cho vay online của TCTD.

Lắng nghe những trao đổi từ phía các đại biểu tham dự, theo Phó Thống đốc, các bộ, ngành, địa phương thời gian tới cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, sẽ chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

“Ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thiên tai dịch bệnh hoặc gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện cho nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp; xây dựng sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đa số người dân…”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cũng lưu ý tới tăng cường công tác truyền thông, sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, các bộ, ngành nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về các cơ chế, chính sách, các chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm về các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động tín dụng đen…
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan