16.01.2024 16:33

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết

Hiện tại vấn đề các ngân hàng lo lắng nhất đối với hoạt động xử lý nợ xấu trong thời gian tới chính là Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý đã hết hiệu lực trong bối cảnh Luật Các TCTD (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua.

Xử lý nợ xấu đối mặt nhiều thách thức

Năm 2024 nền kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức từ xung đột chính trị, lạm phát cao tại thị trường đối tác chủ chốt, trong nước đối mặt với nhiều vấn đề về tháo gỡ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, bảo hiểm. Hiện tại, NHNN và toàn bộ hệ thống ngân hàng đều đang quyết tâm để đẩy mạnh tín dụng lành mạnh, tăng trưởng hiệu quả cho nền kinh tế, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn vừa qua, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khả năng trả nợ cũng suy giảm. Hiện 70 - 80% tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, các ngân hàng cũng gặp khó trong xử lý nợ xấu. Ngoài ra, hiện tượng thái độ bất hợp tác của khách hàng trong việc bàn giao tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Khi quyền của người cho vay được đảm bảo hơn thì ngân hàng mới dám cho vay, để tín dụng đen không hoành hành.

Song hiện tại vấn đề các ngân hàng lo lắng nhất đối với hoạt động xử lý nợ xấu trong thời gian tới chính là Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý đã hết hiệu lực trong bối cảnh Luật Các TCTD (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình khẳng định, sự đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ góp phần tích cực trong kết quả thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên đến nay Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD và VAMC đặc biệt khi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đa phần là bất động sản. Do đó, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các TCTD cũng khó kiếm được người mua nợ phù hợp. “Việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, mà phần lớn nguyên nhân do phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài đại dịch Covid 19, các cuộc xung đột Nga-Ukraine, tại Trung Đông đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ, Qua đó có thể thấy vấn đề nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không chỉ là vấn đề của riêng ngành Ngân hàng”, ông Bình nhấn mạnh.

Chung quan điểm, lãnh đạo VAMC cho biết, trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42, biện pháp bán nợ xấu cho các tổ chức và cá nhân thông qua các hình thức đấu giá hoặc thông qua hình thức thỏa thuận của các tổ chức tín dụng và VAMC là một trong những biện pháp hữu hiệu trong vấn đề gì nợ xấu. Kết quả thực hiện xử lý nợ xấu từ biện pháp này có thể chiếm tới trên 30% tổng số xử lý nợ xấu của toàn hệ thống. Vì vậy, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì biện pháp bán nợ xấu ra cho các tổ chức và cá nhân khác mà không có chức năng kinh doanh món nợ này vô hình chung sẽ hạn chế các đối tượng tham gia, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác xử lý nợ xấu. Không những vậy, theo lãnh đạo VAMC còn ảnh hưởng đến việc không huy động được rộng rãi các nguồn lực xã hội tham gia vào xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm bày tỏ lo ngại, nếu không có việc thay thế hoặc gia hạn sẽ làm chậm lại quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các ngân hàng. Việc phát mại, khởi kiện qua tòa thường kéo dài gây khó khăn, tốn kém thời gian chi phí trong xử lý nợ. Chưa kể, quan điểm, nhìn nhận của các cơ quan chức năng cũng gây khó khăn cho các TCTD trong xử lý nợ.

Một khó khăn nữa được ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC cho biết, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các TCTD chỉ được bán nợ xấu của các dự án bất động sản cho các công ty có chức năng kinh doanh mua bán nợ mà không được bán cho những người khác, vì vậy không dễ tìm được người mua phù hợp. “Thực tế chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động sàn giao dịch của mình, đơn cử như hành lang pháp lý bảo vệ cho người bán và người mua trên Sàn giao dịch nợ VAMC, cũng như tính thanh khoản của các tài sản bảo đảm, khoản nợ mà các TCTD đăng tải chào bán trên sàn giao dịch nợ là tương đối thấp”, ông Minh thông tin thêm.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Trước thực trạng trên, đại diện các ngân hàng đề xuất Luật hóa Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có liên quan rà soát toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, để đề xuất ban hành sửa đổi/bổ sung, thiết lập mối liên kết giữa các quy định pháp luật, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi phát sinh những quy định khác nhau. Các cơ quan Tòa án, Thi hành án đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thời hạn tố tụng, thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD.

Vấn đề Nghị quyết 42 hiện cũng đang là nội dung được các bàn thảo nhiều trong dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Về vấn đề này, một số đại biểu i cho rằng, việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết; bởi vì thu hồi này không phải tạo ra đặc quyền đặc lợi cho gì cho TCTD mà việc thu giữ theo Nghị quyết để đảm bảo là quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị giữ nguyên quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhằm đảm bảo tính pháp lý và xử lý hiệu quả nợ xấu. Theo đại biểu Hà, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, do các TCTD muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên. “Tại Nghị quyết 42, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế”, đại biểu Nguyễn Việt Hà nói thêm.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo công tác xử lý nợ xấu triển khai hiệu quả, khơi thông dòng chảy vốn vào nền kinh tế

Giới chuyên gia cũng đang rất sốt ruột đối với tình hình nợ xấu và đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, tránh khoảng trống pháp lý kéo dài. Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách TS. Cấn Văn Lực bày tỏ mong muốn Quốc hội cho phép giữ lại chương này để tạo ra khung pháp lý cho xử lý nợ xấu tốt hơn, hiệu quả hơn. Đây là vấn đề rất quan trọng nhất là trong bối cảnh nợ xấu luôn hiện hữu trong hệ thống ngân hàng. Thực tế thời gian vừa qua đã chứng mình điều này”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

TS. Đoàn Văn Thắng - Phụ trách điều hành HTĐV - Tổng Giám đốc VAMC cho biết, VAMC đang trông chờ nhiều vào Luật Các TCTD sửa đổi được Quốc hội thông qua, trong đó có điều chỉnh quy định xử lý nợ xấu. “Đây là nền tảng quan trọng để VAMC xử lý nợ xấu và thực hiện sứ mệnh của Đảng và Nhà nước giao”, TS. Đoàn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo Thời báo Ngân hàng.

Các tin liên quan