23.11.2021 09:40

Thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp nông thôn đã được thụ hưởng các chính sách đồng bộ, quyết liệt của ngành Ngân hàng thời gian qua, nhất là trong giai đoạn Covid-19.Chính sách đồng bộ từ ngân hàng

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV mới đây, nhiều đại biểu nêu quan điểm: nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhận định từ phía Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu quả giảm nghèo và tránh mất an ninh lương thực cao gấp 2-3 lần so với tăng trưởng trong các lĩnh vực khác.

Đối với ngành Ngân hàng, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm. Theo đó từ năm 2010, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP, sau đó được thay thế bằng Nghị định 55/2015/NĐ-CP; tới năm 2018 Nghị định 55 lại được sửa đổi bằng Nghị định 116/2018/NĐ-CP. Các Nghị định này quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực NNNT để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), mỗi lần sửa đổi bổ sung mức cho vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) lại được nâng lên, hiện đang duy trì ở mức từ 100 triệu đến 3 tỷ đồng, tuỳ từng đối tượng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong Nghị định 55 (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 116) có quy định rất rõ liên quan câu chuyện xử lý rủi ro đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp thiên tai do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng xảy ra trên phạm vi rộng. Tại Nghị định 116 cũng đã có những chính sách khuyến khích phát triển các mô hình liên kết trong nông nghiệp, đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tam nông.

Nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà băng

Nhờ đó, dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 18%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tới cuối quý III/2021, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 2,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,2%; chiếm tỷ trọng khoảng 25,1% tổng dư nợ.

Đặc biệt, NHNN cũng chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong trường hợp gặp khó khăn do nguyên nhân thiên tai, dịch bệnh. Chẳng hạn như 3 tháng trước đây, khi dịch Covid-19 bùng lên ở các tỉnh phía Nam buộc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến việc thu mua lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn. NHNN đã nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt để hỗ trợ gỡ khó giúp tiêu thụ lúa cho bà con Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ trong hai tháng triển khai, doanh số cho vay thu mua lúa gạo hè thu tăng lên 9.600 tỷ đồng, hạn mức các NHTM cam kết tăng thêm cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo cũng đạt trên 7.200 tỷ đồng…

Có thể thấy, các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp nông thôn đã được thụ hưởng các chính sách đồng bộ, quyết liệt của ngành Ngân hàng thời gian qua, nhất là trong giai đoạn Covid-19.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam cũng chia sẻ, hoạt động ủy thác giữa Hội Nông dân và ngân hàng đã phát huy được những điểm mạnh, tích cực của mỗi bên, đã và đang là kênh dẫn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân nông thôn một cách nhanh chóng, hiệu quả. Từ đó mở ra cơ hội để họ có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Cần thêm sản phẩm chuyên biệt

Theo các chuyên gia, dù đạt được nhiều kết quả tích cực song việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nông dân vẫn còn có những thách thức. Bên cạnh đó, rủi ro đối với lĩnh vực này rất khó lường, do phụ thuộc vào những yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh… Trong khi cơ chế phòng ngừa, khắc phục rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được phát triển tương xứng đã phần nào ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn khi gặp rủi ro. Chưa kể, mô hình liên kết còn khiêm tốn, chưa hiệu quả cũng là khó khăn với các TCTD trong kiểm soát dòng tiền khi đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.

PGS.TS Tô Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Đại học Hoà Bình chia sẻ, thúc đẩy tín dụng đối khu vực nông thôn sẽ chỉ mang lại hiệu quả khi có những sản phẩm chuyên biệt phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Các phương thức cho vay cũng cần được kết hợp linh hoạt hơn như cho vay dự án đầu tư, cho vay hạn mức tín dụng, cho vay hợp vốn... nhằm giúp cho người nông dân chủ động hơn trong việc sử dụng vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất trong nông nghiệp, giảm thiểu các thủ tục vay, tiết kiệm được các chi phí gián tiếp khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

“Việc đặt mục tiêu ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn cần phải được thực hiện trong một khuôn khổ chính sách tổng thể và dài hạn, thay vì tính chất hỗ trợ và bao cấp như trước đây. Can thiệp của Chính phủ không nhất thiết là phải cung cấp tín dụng với số lượng nhiều và giá rẻ mà có dưới nhiều hình thức khác, ví dụ như cung cấp vốn, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thực hiện các chương trình thí điểm rồi từ đó nhân rộng ra, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức cho vay lưu động ở vùng khó khăn...”, ông Hưng nêu quan điểm.

Thời gian tới, bà Hà Thu Giang cho hay, NHNN sẽ tiếp tục rà soát các khuôn khổ pháp lý liên quan đến cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để từ đó có những đề xuất, sửa đổi chính sách cho phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn; đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng… Quan điểm của NHNN lưu ý với các TCTD là nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng nhằm quản lý dòng tiền tốt hơn, tăng khả năng cho vay không có TSĐB, tháo gỡ khó khăn về TSBĐ cho khách hàng…

Một trong những vấn đề cũng được giới chuyên gia quan tâm đó là với thị trường trên 97 triệu dân, nhu cầu của người Việt Nam về nông, hải sản sạch hiện là rất lớn. PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài - Viện trưởng Viện Tài chính Bền vững (SFI), Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc các TCTD tạo ra được chất xúc tác để kết nối cung - cầu cho hàng nông sản sạch sẽ đóng góp một phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Ngoài việc hướng đến người tiêu dùng trong nước, cần quan tâm cải thiện hoạt động tài trợ các dự án nông nghiệp xanh liên kết giữa nhà nông - nhà chế biến/nhà phân phối hướng đến người tiêu dùng ở các thị trường ưa chuộng nông sản của Việt Nam (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...). Đồng thời, NHNN cần có những cơ chế để khuyến khích các TCTD chuyển đổi số gắn với mục tiêu “xanh hoá”.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan