Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu “tháo” điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng hiện đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Vì sao tín dụng tăng chậm dù ngân hàng dành mọi nguồn lực hỗ trợ
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7 mặc dù trong thời gian vừa qua, toàn ngành Ngân hàng rất nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ở góc độ cơ quan quản lý, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 04 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về phía các ngân hàng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN về việc giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới… Trên tinh thầnh đó cũng rất chủ động giảm mạnh lãi suất huy động, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Điển hình như Agribank, từ ngày 23/8/2023, Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,3% - 0,5% các kỳ hạn. Tính từ đầu năm, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9% - 4,5% các kỳ hạn, để có cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Đây là mức lãi suất cạnh tranh nhất thị trường hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Ước tính, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ.
Không chỉ giảm lãi suất, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng. Lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng này rất chủ động đưa ra các gói giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ giảm 3% so với lãi suất thông thường, giảm từ 1,5 - 2% với các khoản vay cũ. Tổng mức hỗ trợ của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm với chương trình này có dư nợ khoảng 58.000 tỷ đồng.
Với mong muốn hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở… Agribank cũng dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đa dạng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cần phải triển khai đồng bộ giải pháp cải thiện sức hấp thụ vốn
Có thể nói, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp. TS. Nguyễn Minh Thảo Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn giảm bất thường thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm, mức độ khó khăn rất lớn của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, việc tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút. Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực như: xuất khẩu tháng 7 tăng 2,1% so với tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 3,9%... song do ảnh hưởng dồn tích từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của doanh nghiệp bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả; TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng trở lại.
Việc giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu “tháo” điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. “Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng hiện đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua. Ngân hàng rất khác với doanh nghiệp, ngân hàng chỉ lãi ít lãi nhiều. Nếu ngân hàng lỗ gây khó khăn không chỉ trong hệ thống mà cả nền kinh tế, các nước cũng vậy chứ không riêng Việt Nam, Phó Thống đốc nói.
Bài học từ giai đoạn trước việc cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá gây hậu quả khôn lường nợ xấu. Chính vì vậy, mặc dù rất muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng các ngân hàng rất thận trọng đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng để nợ xấu không bị dềnh lên. Hiện tại hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn do thị trường BĐS vẫn còn ảm đạm nên TSĐB khó xử lý, thu hồi nợ. “Nếu ngân hàng không giữ trận địa, đến lúc nợ xấu tăng nhanh sẽ rất vất vả để chống đỡ”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Giới chuyên môn đánh giá, chính sách tiền tệ Việt Nam đã hỗ trợ khá tốt trong giai đoạn phục hồi, thời điểm này vai trò này nên nhường lại cho chính sách tài khoá. Bởi thực tế tín dụng đang tăng trưởng chậm chạp dù mặt bằng lãi suất giảm rất mạnh, có những ngân hàng lãi suất cho vay thấp hơn trước khi đại dịch Covid xảy ra, thậm chí theo như chia sẻ của lãnh đạo Agribank, lãi suất cho vay đồng VND đối với lĩnh vực ưu tiên như thuỷ sản, lâm sản tương đương với lãi suất cho vay USD. Điều này cho thấy giảm lãi suất không phải chìa khoá vạn năng để mở được mọi “cánh cửa” tăng trưởng. Trong khi nếu lãi suất huy động thấp dòng tiền có thể từ ngân hàng chảy sang các lĩnh vực đầu tư kinh doanh khác như chứng khoán, bất động sản… và sẽ lại xuất hiện bong bóng tài sản, gây rủi ro cho nền kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất và các giải pháp khác của ngành Ngân hàng đã và đang triển khai, cần phải có thêm giải pháp khác từ các bộ, ngành, để cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp... Khi cung - cầu vốn gặp nhau, dòng tiền rẻ mới chảy đúng chỗ, mới thẩm thấu vào nền kinh tế và có thể mang lại hiệu quả như mong đợi.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng khuyến nghị, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất dồn dập. Hiện dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều bởi tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao (lần lượt 1,25 và 1,5 lần vào cuối 2022); lạm phát cơ bản giảm chậm, trung bình 7 tháng vẫn xấp xỉ 4,67%. Ngoài ra, còn chịu sức ép đảm bảo về lãi suất thực dương, rủi ro tỷ giá… Mặt khác, chính sách tiền tệ ít hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp bi quan và sức cầu yếu. Thay vào đó, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa đang có nhiều dư địa hơn. Ngoài ra cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực… Song song với đó là kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm VAT hàng thiết yếu nội địa…
Theo Thời báo Ngân hàng