Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong bối cảnh vô cùng khó khăn vừa giải quyết vấn đề nội tại của ngành vừa phải ứng phó nhanh nhạy trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tương đối lớn. Nhưng dưới dự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp với các bộ, ngành, ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã nhiều nỗ lực cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng.
Đó là điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng. Kết quả quan trọng nữa NHNN đã chèo chống giữ vững ổn định hệ thống. Nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng phải mặt với biến cố chưa từng có trong lịch sử như trường hợp ngân hàng SCB.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng NHNN nhận thấy rằng, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế. Nhất là các giải pháp ưu tiên tăng trưởng kinh tế liên quan đến lãi suất, tiếp cận tín dụng… cũng là những nhóm vấn đề được đề cập tới tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Đối với nhóm vấn đề lãi suất, theo Thống đốc có thể nói, năm 2023, bất chấp nhiều NHTW trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất cao, duy trì CSTT thắt chặt, nhưng NHNN mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành, điều tiết tiền tệ hợp lý tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Theo báo cáo của các TCTD, đến hết tháng 10/2023, lãi suất các khoản cho vay mới giảm khoảng 3% - bằng mức lãi suất cho vay trước đại dịch Covid 19. Đây là nỗ lực lớn của các ngân hàng. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn, Thống đốc đề nghị, các ngân hàng tiết giảm chi phí, nhất là đối với ngân hàng có khả năng tiếp tục giảm thêm lãi suất tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với nhóm vấn đề tăng trưởng tín dụng, theo đánh giá của Thống đốc điều hành tăng trưởng tín dụng là vấn đề khó. Lý do là bởi nội tại Việt Nam nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng. Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn. Thị trường BĐS, trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên gần như doanh nghiệp không phát hành TPDN, áp lực đổ dồn lên tín dụng ngân hàng vốn đã khó lại càng khó hơn. Trong khi đó, tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo NHNN làm thế nào các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; thực hiện giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo giải pháp căn cơ trong dài hạn.
Trong bối cảnh đặc thù như vậy, Chính phủ cũng rất quan tâm vấn đề tăng trưởng tín dụng. Về phía ngành Ngân hàng, chưa năm nào mà đến tháng 7 NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023 NHNN đã tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với tỷ lệ lớn đối với các TCTD.
Trên cơ sở các ý kiến đại biểu tại Hội nghị, Thống đốc nhận thấy tập trung 3 nhóm vấn đề: tiếp cận vốn (điều kiện vay vốn); tài sản bảo đảm và cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Làm rõ thêm về dư nợ tín dụng, Thống đốc cho biết, tính đến tháng 10/2023, theo báo cáo doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng như vậy cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn nhưng tại sao tăng 9,15% chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. Điều này cho thấy mắc ở đây tín dụng cho vay trung, dài hạn khó khăn. Khó khăn chủ yếu do yếu tố khách quan. Trong phần đánh giá tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Riêng đối với tín dụng bất động sản, Thống đốc khẳng định lần nữa, NHNN chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro ở đây là lo rủi ro kỳ hạn. Nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng. Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn lập tức tín dụng lập khơi thông. Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt triển khai giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn vấn đề pháp lý.
Về vấn đề tài sản đảm bảo, Thống đốc cũng nhắc lại lần nữa, trong hoạt động cấp tín dụng không có quy định nào bắt buộc các TCTD cho vay khách hàng phải có TSĐB mà có thể vay không có TSĐB thế chấp. Còn việc định giá TSĐB để cho vay bao nhiêu thuộc thẩm quyền của TCTD. Tuy nhiên, Thống đốc đề nghị các ngân hàng ghi nhận ý kiến đề xuất làm sao trong quá trình cho vay vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo chặt chẽ.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới khoảng 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, bình thường hạn chế khó khăn về năng lực tài chính, nay chịu tác động của Dịch Covid 19 lại càng khó khăn, gần như không còn TSBĐ. Để tạo điều kiện, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị cần đẩy mạnh vai trò, giải pháp từ các Quỹ như Quỹ Hỗ trợ DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV…
Về hành lang pháp lý, NHNN đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu đề xuất trên.
Đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, NHNN xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.
Còn một số ý kiến liên quan đến TCTD thủ tục cho vay, định giá TSĐB, cho vay tín chấp, giảm lãi suất… NHNN đế nghị TCTD cố gắng nhất có thể để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024