19.05.2006 10:42

Tăng vốn điều lệ của QTDND Trung ương

Đòi hỏi từ thực tiễn

Phạm Hoàng Long

Trong quá trình hoạt động và phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND), vai trò của QTDND Trung ương (TW) với tư cách là tổ chức đầu mối, điều hoà vốn trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, QTDND TW lại đang đứng trước một vấn đề khá bất cập, đó là khả năng vốn tự có tương đối nhỏ. Điều này đã là một trở ngại không nhỏ để QTDND TW phát triển thành một định chế tài chính mạnh, đủ sức phát huy hết tiềm năng và vai trò của mình. Vì vậy, yêu cầu về tăng vốn điều lệ đã trở nên cần thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của chính thực tiễn đặt ra….

Năm 1995, khi hệ thống QTDND hình thành được 2 năm thì QTDND TW mới thành lập. §ó là một yêu cầu tất yếu, song, như vậy đã tạo ra không ít những khó khăn cho sự phát triển của QTDND TW đó là: Hoạt động của hệ thống chưa thật ổn định, tình hình tài chính của QTDND cơ sở còn yếu, khả năng tham gia đóng góp tài chính, xây dựng, phát triển đầu mối Quỹ Trung ương còn hạn chế. Trong khi đó nhu cầu đòi hỏi hỗ trợ, giúp đỡ từ QTDND cơ sở là rất lớn nhưng tiềm lực tài chính của QTDND TW còn nhỏ nên luôn tạo ra áp lực lớn trong cân đối nguồn vốn; các thiết chế đảm bảo an toàn (tổ chức liên kết, quỹ an toàn) chưa được hình thành nên QTDNDTW phải “kiêm” luôn cả chức năng liên kết cũng gây ra những khó khăn trong hoạt động. Đây là giai đoạn quy mô hoạt động của QTDND TW còn nhỏ, mọi hoạt động chủ yếu diễn ra tại Hội sở chính, mạng lưới chi nhánh mới chỉ có tại TP. Hồ Chí Minh nên yêu cầu đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất cũng chưa cao; các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh doanh còn hạn chế nên sức ép về vốn cũng chưa cấp thiết.

Từ tháng 4/2001, hoạt động của QTDND TW đã có những bước chuyển cơ bản. Sau khi củng cố, chấn chỉnh, 21 QTDND khu vực đã được sáp nhập chuyển thành 21 chi nhánh QTDND TW. Phạm vi và quy mô của QTDND TW đã có sự thay đổi lớn, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như: quản trị điều hành, đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế tài chính... Đồng thời, hoạt động kinh doanh được mở rộng và phát triển hơn. Tốc độ tăng trưởng về nguồn vốn, dư nợ tăng nhanh, đặc biệt là nguồn vốn điều hoà đã tăng mạnh và ổn định. Các nghiệp vụ phát triển đa dạng hơn và đang có xu hướng mở rộng, từng bước phát triển. Trong khi đó các QTDND cơ sở thành viên sau thời gian củng cố, chấn chỉnh đã dần đi vào hoạt động ổn định, tiếp tục phát triển về nhiều mặt, đòi hỏi sự hỗ trợ cao hơn từ QTDND TW. Vấn đề bất hợp lý đã nảy sinh từ đây: Nguồn vốn huy động, điều hoà, dư nợ và yêu cầu hỗ trợ thanh toán, chi trả... tăng nhưng vốn điều lệ không tăng. Sự mất cân đối này từng bước đưa các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của QTDND TW tới giới hạn thấp dần. Do vậy, vấn đề căn bản ở đây là việc xử lý cơ cấu nguồn vốn của QTDND TW theo hướng nâng cao vốn tự có, đảm bảo tỷ lệ phát triển cân đối, hợp lý.

Hiện nay, vốn tự có cấp 1 của QTDND TW là 167 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 111,5 tỷ đồng, được hình thành từ: vốn hỗ trợ của Nhà nước 82 tỷ đồng (73,5%), vốn góp của các ngân hàng thương mại Nhà nước 20 tỷ đồng (17,9%), vốn góp của các QTDND cơ sở 9,5 tỷ đồng (8,6%). Thực tế, vốn góp của các QTDND không những không tăng mà còn giảm dần do trong quá trình củng cố, chấn chỉnh một số QTDND bị rút giấy phép hoạt động nên vốn điều lệ của QTDND TW cũng giảm theo. Trong khi đó, bước sang giai đoạn củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND đã từng bước đi vào nề nếp và ngày càng phát triển vững chắc, ổn định hơn, tốc độ tăng trưởng cao đã gây khó khăn cho QTDND TW trong việc trực tiếp điều hoà, cho vay, hỗ trợ đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả và mở rộng tín dụng cho gần 1.000 QTDND cơ sở với tổng nguồn vốn điều lệ hơn 388 tỷ đồng, tổng nguồn vốn hoạt động gần 7.300 tỷ. Đây là một đại lượng phản ánh sự bất cập chung của toàn hệ thống QTDND nói chung và của QTDND TW nói riêng. Vì vậy, xuất phát từ thực tiễn của hệ thống, việc tăng vốn điều lệ cho QTDND TW đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết không chỉ là để mở rộng phát triển kinh doanh, đảm bảo an toàn theo quy định mà trước hết là nhằm đảm bảo năng lực tài chính đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của các QTDND Cơ sở.

Theo quy định của Điều lệ QTDND TW thì vốn điều lệ của QTDND TW có thể tăng từ các QTDND cơ sở, các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác và Nhà nước. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia thì việc tăng vốn góp từ các QTDND cơ sở là rất nhỏ (nếu tăng thêm mỗi QTDND cơ sở 10 triệu đồng thì cũng chỉ tăng được 9 tỷ đồng), còn các tổ chức tín dụng, kinh tế khác thì rất khó vì QTDND TW hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu là tương trợ hệ thống QTDND nên lợi tức chưa đủ sức hấp dẫn các tổ chức này. Vì thế, chỉ có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước mới mang tính quyết định, tạo ra những bước thay đổi căn bản nhằm tăng cường năng lực tài chính cho QTDND TW hỗ trợ phục vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của toàn hệ thống, đồng thời tạo điều kiện cho đơn vị cải tiến công nghệ, áp dụng khoa học tiên tiến vào hoạt động chuẩn bị cho hội nhập, từng bước mở rộng, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung cấp cho hệ thống QTDND nói riêng và khách hàng nói chung. Việc Nhà nước hỗ trợ tăng vốn điều lệ cho QTDND TW chính là hỗ trợ cho hệ thống QTDND một định hướng phù hợp với tinh thần tại Quyết định 272/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010) là: “… Xây dựng và phát triển hệ thống QTDND từ Trung ương đến Cơ sở vững mạnh theo hướng liên kết chặt chẽ, tiến tới xây dựng Ngân hàng Hợp tác xã…. đảm bảo hệ thống QTDND phát triển ổn định, vững chắc và nâng cao chất lượng hoạt động…” Việc xây dựng và phát triển hệ thống QTDND không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế đơn thuần mà còn là một “giải pháp quan trọng” về mặt xã hội. Do đó, với tính chất, mục tiêu hoạt động của mình, hệ thống QTDND rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước mà trực tiếp ở đây là tăng bổ sung vốn điều lệ cho QTDNDTW để tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ đủ sức hỗ trợ phục vụ tốt hơn cho toàn hệ thống, đồng thời, nó cũng mang tính lâu dài, ổn định, bền vững và tăng thêm uy tín, sức mạnh cho toàn hệ thống QTDND.

Các tin liên quan