Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành sự quan tâm của mình đến hoạt động ngân hàng và ngành Ngân hàng. Người luôn dặn dò cán bộ ngân hàng phải nâng cao đạo đức cách mạng và hết lòng phục vụ nhân dân. “Cán bộ kinh tế - tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công, vô tư, cần, kiệm liêm, chính. Một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ. Chiến sĩ ta liên tiếp thắng giặc ngoài mặt trận. Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế - tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khǎn, làm cho mặt trận kinh tế - tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”. Bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là phải “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu”, vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của. Bác đã đề cập đến những khía cạnh hết sức cụ thể như phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành… Quan điểm của Bác về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính”. Đó chính là các đức tính, phẩm chất đạo đức cần có của người cán bộ, đảng viên, cán bộ ngân hàng, nó thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động công vụ, phục vụ nhân dân.
Bác Hồ với Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp ngày 19/5/1957)
Thực hiện lời dạy của Bác với quyết tâm xây dựng hệ thống QTDND “vừa hồng, vừa chuyên” hướng tới hoạt động phát triển an toàn - hiệu quả. Ban lãnh đạo Hiệp hội đã xây dựng và cho Ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp & quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” cùng với đó xây dựng giáo trình giảng dạy kèm theo giáo trình lớp nghiệp vụ Quyết định 1011 để giảng dạy cho cán bộ, nhân viên hệ thống QTDND hướng tới thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Để có thể thực hiện tốt Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp này đòi hỏi cán bộ quỹ cần phải hiểu sâu, hiểu đúng các quy định pháp luật, điều chỉnh hoạt động của Quỹ nhất là lĩnh vực mình đang phụ trách, luôn luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, đưa ra được những giải pháp thúc đẩy sự pháp triển của quỹ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Sau hai năm triển khai đến nay nhiều QTDND hội viên đã triển khai nhân rộng từ đó, đóng góp tích cực xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành vừa đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống:
Nói về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đại điện QTDND Thanh Lãng - Vĩnh Phúc chủ tịch Ông Lưu Tuấn Đào cho biết cho biết “Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp & quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” rất có ý nghĩa đối với cán bộ, nhân viên của Quỹ. Đây là chủ đề luôn được QTDND Thanh Lãng coi trọng, thực hiện bởi từng cán bộ, nhân viên hàng ngày, hàng giờ đều phải tuân thủ thực hiện, ngoài ra đó là nét văn hóa ứng xử cần thiết của mỗi cán bộ khi khách đến giao dịch. Trước đây, quỹ đã xây dựng quỹ tắc ứng xử cơ bản cho cán bộ, nhân viên, xong vẫn chưa thực sự đầy đủ. Từ khi Hiệp hội Ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp & quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” Tôi thấy đó là bộ cẩm nang thật sự ý nghĩa là “Kim chỉ nam” xuyên suốt đối với bản thân, cán bộ, nhân viên của Quỹ. Ngoài ra Ông Đào còn chia sẻ bộ ứng xử tới các thành viên trong gia đình.
Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ III, nguyên Chủ tịch QTDND Dân Hòa - Hà Nội Ông Phạm Văn Sê chia sẻ: “Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp & quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” là cẩm nang rất giá trị cho cán bộ hệ thống QTDND nói chung và QTDND Dân Hòa nói riêng. Sau khi nhận được Bộ cẩm nang cá nhân Ông nhận thấy, nghiệp vụ ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro từ việc nhận gửi tiền, cho vay và còn nhiều quy trình, nghiệp vụ khác phát sinh, đòi hỏi cán bộ cần phải thực hiện đúng, đầy đủ. Trong hoạt động tiền tệ vấn đề đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay đỗ vỡ của đơn vị. Đã có rất nhiều QTDND đổ vỡ do suy thoái đạo đức, không tôn chỉ mục tiêu hoạt động dẫn đến con đường lao lý…
“Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp & quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” rất quan trọng. Ban lãnh đạo QTDND Dân Hòa đã họp thống nhất triển khai đến toàn thể cán bộ nhân viên và cho in Pano để treo trong phòng giao dịch để từ đó cán bộ, nhân viên ai cũng có thể xem và học tập. Sau thời gian triển khai tại QTDND Dân Hòa đã có nhiều thay đổi: Cách ứng xử với khách hàng, thành viên nhẹ nhàng đón tiếp, trọng thị chu đáo hơn; Cán bộ nhân viên có cách nói, cách nghĩ, cách làm đúng mực, mềm dẻo, biết kiềm chế… hết lòng vì thành viên, khách hàng.
Theo Ông Sê để “Bộ chuẩn mực đạo đức, nghề nghiệp & quy tắc ứng xử của cán bộ QTDND” đi vào cuộc sống, kiểm soát các rủi ro đạo đức trong hoạt động, ngay từ khi tuyển dụng lao động, cần đề cao chất lượng công tác tuyển lựa và thanh lọc nhân sự, nhất là trong các khâu quan trọng trong quy trình thu - chi, thanh toán ngân hàng. Áp dụng bộ quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và các quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết. Điều đó sẽ ngăn chặn được những hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động và giúp cho hệ thống phát triển an toàn, hiệu quả./.
Ban Đối ngoại