Huyện Giao Thủy - tỉnh Nam Định có 22 xã và 2 thị trấn nhưng chỉ có 6 QTDND được thành lập và hoạt động (bao gồm QTDND Giao Lâm, QTDND Giao Nhân, QTDND Giao Thịnh, QTDND Hoành Sơn, QTDND Bạch Long và QTDND Giao Thanh), trong đó có một số QTDND hoạt động liên xã. Địa bàn huyện có thế mạnh phát triển kinh tế - dịch vụ du lịch và làng nghề, vì vậy các QTDND của huyện Giao Thủy nhìn chung trong thời gian qua hoạt động đều có sự tăng trưởng và an toàn. Trong đó QTDND Giao Lâm là QTDND có tổng dư nợ cho vay lớn nhất cụm và lớn nhất hệ thống QTDND tỉnh Nam Định. Năm 2002, nhằm liên kết và hỗ trợ hoạt động với nhau, các QTDND huyện Giao Thủy đã hình thành câu lạc bộ tự quản với những quy ước, quy định hoạt động cụ thể. Đến nay, sau 20 năm thành lập dựa trên sự kế thừa đồng thời điều chỉnh và phát triển thêm những quy định mới phù hợp với từng giai đoạn thì câu lạc bộ vẫn hoạt động nghiêm túc, duy trì sự liên kết bằng hình thức mỗi năm một lần luân phiên một Quỹ trong cụm đăng cai tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc QTDND Giao Lâm khái quát qua về tình hình hoạt động của quỹ.
Là đơn vị đăng cai tổ chức năm 2022, ngày 4/6/2022 tại trụ sở QTDND Giao Lâm đã tổ chức chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa 6 QTDND trên địa bàn huyện đồng thời vinh danh QTDND Giao Lâm được nhận bằng khen của UBND tỉnh Nam Định về thành tích hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Đến dự chương trình với sự có mặt của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội); Ông Trần Văn Phiệt - Phó Chủ tịch Liên minh HTX chi nhánh tỉnh Nam Định; Ông Mai Văn Úy - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác (NHHT) chi nhánh Nam Định; đại diện UBND xã Giao Phong và tất cả các cán bộ nhân viên 6 QTDND địa bàn huyện Giao Thủy. Phát biểu khai mạc và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm vừa qua của QTDND Giao Lâm, Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Quỹ cho biết: tổng nguồn vốn là 177 tỷ; tổng dư nợ cho vay là 164 tỷ; tỷ lệ nợ xấu: 0,64%; về chấm điểm xếp hạng Quỹ đạt 95/100 điểm và được xếp loại A (theo số liệu mà Quỹ gửi Phòng thanh tra NHNN chi nhánh Nam Định). Như vậy mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng với các biện pháp điều chỉnh linh hoạt (hạ lãi suất cho vay…) thì QTDND Giao Lâm vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, ông Vinh cho biết vấn đề vướng mắc hiện nay không chỉ riêng QTDND Giao Lâm mà ở một số QTDND khác là bị khống chế tăng trưởng tín dụng dẫn đến dư thừa nguồn cho vay.
Ông Mai Văn Úy - Giám đốc NHHT chi nhánh Nam Định phát biểu tại buổi làm việc Trước vấn đề đó, Ông Mai Văn Úy - Giám đốc NHHT chi nhánh Nam Định nhận định việc áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng là cần thiết do trên địa bàn đang xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng về tín dụng, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp. Phát biểu về vai trò của NHHT trong việc hỗ trợ thành viên, Ông Úy cho biết NHHT chi nhánh Nam Định luôn giám sát và có những biện pháp can thiệp kịp thời để hỗ trợ giải quyết các khó khăn đối các QTDND trên địa bàn tỉnh thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng; chương trình đồng hành cùng thành viên (hạ lãi suất, phát triển mới hình thức cho vay thấu chi), tổ chức đào tạo miễn phí về công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng số (triển khai dịch vụ thẻ chíp, chuyển tiền Mobile Banking...) Đánh giá về sự tăng trưởng chung thì hệ thống QTDND tỉnh Nam Định đang có mức độ tăng trưởng thấp hơn so với mặt bằng chung, cụ thể là thấp hơn so với hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình về phát triển thành viên. Riêng cụm Giao Thủy, tính đến thời điểm 31/5/2022 số liệu bình quân của 6 QTDND địa bàn huyện Giao Thủy như sau: số lượng thành viên bình quân gần 800 thành viên; Vốn bình quân: hơn 100 tỷ; Dư nợ cho vay bình quân: gần 100 tỷ; Lợi nhuận bình quân: 476 triệu đồng.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư Ký Hiệp hội phát biểu tại buổi làm việc Đánh giá về góc độ sự gắn kết chặt chẽ và lâu bền của cụm QTDND huyện Giao Thủy, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư Ký Hiệp hội mong muốn mô hình này có nhiều hơn nữa trên toàn hệ thống. Hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Nam Định là một trong những tỉnh tham gia và ủng hộ thường xuyên các hoạt động Hiệp hội (thống nhất sử dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ QTDND là phần mềm ITD-VAPCF của Công ty tin học VAPCF trực thuộc Hiệp hội, tham gia các hoạt động hội thao do Hiệp hội tổ chức…). Tại hội nghị, Bà Thanh nhấn mạnh vai trò và sự đồng hành của Hiệp hội trong việc liên kết và hỗ trợ sự phát triển chung của hệ thống đồng thời bà chỉ ra ba vấn đề:
Thứ nhất, các QTDND cần phải tuân thủ pháp luật và hoạt động đúng tôn chỉ mục đích mà Chính phủ và NHNN đặt ra. Để định hướng các QTDND theo sự phát triển chung đó, NHNN đang thực hiện quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND, hoàn thiện khung pháp lý để các QTDND vận dụng và hoạt động hiệu quả thông qua việc tổng hợp ý kiến, phối hợp thực hiện giữa các đơn vị trong đó Hiệp hội được NHNN mời tham gia đề án đánh giá tổng thể và định hướng phát triển hệ thống QTDND. Do vậy để đạt hiệu quả cao nhất và đồng nhất trong hệ thống, NHNN và Hiệp hội sẽ tiến hành khảo sát toàn hệ thống để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về các vấn đề hiện nay của các QTDND, trên cơ sở đó đưa ra được các cơ chế chính sách sát với thực tế cuộc sống.
Thứ hai, để nâng cao năng lực cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác, các QTNDND phải tăng cường các giải pháp để đảm bảo và duy trì thị phần. Một trong số những giải pháp được Hiệp hội tổ chức thực hiện để hỗ trợ hội viên và tăng cường tính liên kết đó là thống nhất biển hiệu hệ thống QTDND, tăng cường hoạt động đào nâng cao nghiệp vụ cán bộ QTDND (tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ thuế, nghệ thuật lãnh đạo, truyền thông…). Vì vậy, Hiệp hội đề nghị các QTDND trên địa bàn huyện Giao Thủy nói riêng và các QTDND nói chung tích cực tham gia chương trình đạo do Hiệp hội tổ chức để vừa nâng cao năng lực, vừa giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các QTDND với nhau trong toàn hệ thống.
Cuối cùng, với vấn đề tăng trưởng tín dụng nóng, bà Thanh chỉ rõ việc áp dụng hạn mức tín dụng với QTDND trên địa bàn tỉnh hiện nay được coi là van khóa an toàn, là một trong những công cụ tài chính được các tổ chức tín dụng trên thế giới áp dụng để hạn chế nợ xấu và kiểm soát lạm phát. Nếu để tăng trưởng quá nóng thì Quỹ sẽ xa rời tôn chỉ mục đích hoạt động và khó lựa chọn khách hàng tốt để đảm bảo thu hồi khoản tín dụng cho vay. Ngược lại, nếu đưa ra hạn mức tín dụng, Quỹ sẽ kiểm soát được và lựa chọn được đối tượng cho vay tốt, phù hợp với mục đích phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của thành viên. Bà tin tưởng rằng nếu thành viên vay với mục đích sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống thì NHNN chi nhánh sẽ xem xét nới lỏng hạn mức tín dụng cho các Quỹ. Bên cạnh đó, bà Thanh cũng đề cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, tạo điều kiện cho QTDND hoạt động. Việc hệ thống QTDND phát triển bền vững, an toàn không chỉ phụ thuộc vào QTDND mà còn sự chung tay của nhiều tổ chức, đơn vị, nhất là vai trò của cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương; vai trò của NHHT và Hiệp hội QTDND Việt Nam.
Cùng quan điểm về vai trò của Hiệp hội và Liên minh trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích của các hội viên, Ông Trần Văn Phiệt - Phó Chủ tịch Liên minh HTX chi nhánh tỉnh Nam Định cho rằng đây thực sự là một chương trình ý nghĩa, tạo điều kiện cho các cán bộ nhân viên Quỹ được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quản lý với nhau đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý dễ dàng nắm bắt tình hình hoạt động, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc và có những đề xuất, chỉ đạo kịp thời đối với hoạt động của QTDND.
Quang cảnh buổi làm việc Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đại diện các cơ quan quản lý phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Thế Vinh đại diện cho các QTDND trên địa bàn huyện Giao Thủy bày tỏ mong muốn trong thời gian tới mô hình câu lạc bộ của cụm sẽ được tổ chức bài bản hơn và sẽ tiến tới mô hình giống câu lạc bộ của các QTDND địa bàn tỉnh Sơn La dưới sự quản lý của NHNN chi nhánh tỉnh và Hiệp hội QTDND Việt Nam. Việc kết nối và tăng cường sự liên kết thông qua các hình thức như trên thực sự cần được lan tỏa và nhân rộng trong hệ thống QTDND, đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống.
Hà Trần.