Ngày 10/11/2021, tại Hà Nội, Hội thảo quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam” do Tạp chí Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức. Tham dự và chủ trì hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo
Luôn hướng đến các lĩnh vực ưu tiên
Nông nghiệp, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn, Đảng ta luôn chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân. Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, đối với ngành Ngân hàng, NHNN đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và luôn xác định tín dụng nông nghiệp, nông thôn là một trong năm lĩnh vực ưu tiên.
“Các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn, cơ chế thuận lợi về thủ tục, điều kiện, lãi suất... cho khách hàng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ trong việc cấp tín dụng, mà còn hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nông nghiệp bằng nhiều hình thức cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như gói sản phẩm, dịch vụ cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói sản phẩm dịch vụ dành cho hộ sản xuất...”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết.
Đánh giá, thực trạng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho biết, hệ thống các NHTM tại Việt Nam đa dạng về quy mô, tính chất hoạt động và hình thức sở hữu, là lực lượng nòng cốt cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến các chủ thể trên thị trường. Xét về mật độ bao phủ của mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trên lực lượng dân số trong độ tuổi lao động, khu vực thành thị có mức phân bổ dày hơn khu vực nông thôn.
Ngoài các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, các NHTM đã thực hiện kết nối trực tiếp khách hàng qua phương tiện viễn thông, liên kết thu hộ thuế, thu cước điện thoại, điện nước... Các dịch vụ tiện ích đi kèm thẻ ngày càng được đa dạng hóa. Đây là cơ sở để phát triển mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nhiều lĩnh vực trên cả nước, Trưởng Khoa Tài chính, Học viện Ngân hang khẳng định.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển) đánh giá, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn qua có tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 10/2020, tổng tín dụng của khu vực này ước đạt trên 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, trên 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều dấu ấn quan trọng. PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài, Viện trưởng Viện Tài chính bền vững (SFI) – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững đã tận dụng lợi thế của các công nghệ mới nổi để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra được các quyết định tài chính và đầu tư vừa đảm bảo đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn lồng ghép được mục tiêu xã hội và môi trường.
“Hệ thống ngân hàng trở thành bên liên quan có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc định hướng và thiết lập các nguyên tắc tài trợ cho các dự án nông nghiệp”, PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài khẳng định.
Toàn cảnh hội thảo
Nhanh chóng xây dựng các giải pháp bền vững
Những kết quả trên là rõ ràng và không thể phủ nhận, song vẫn phải kể đến một số hạn chế như việc tiếp cận dịch vụ tài chính của cá nhân, tổ chức ở khu vực nông thôn, đặc biệt là người có thu nhập còn một số hạn chế xét trên phương diện quy mô người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính; mức độ thường xuyên sử dụng; chất lượng của sản phẩm, dịch vụ tài chính. Xét về khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ do hệ thống ngân hàng cung cấp, hiện vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giữa các thành phố lớn và các tỉnh vùng sâu, vùng xa, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương đánh giá.
Bên cạnh đó, nhìn từ thực tiễn toàn cầu và tại Việt Nam, ngành Ngân hàng vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng để có thể đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu phát triển bền vững nói chung và thực hành nông nghiệp bền vững nói riêng. Điều này cần có sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội và của nhiều cơ quan ban ngành khác nhau.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, đòi hỏi phải có hệ thống các giải pháp tổng thể, từ xây dựng chính sách điều hành vĩ mô, đến các biện pháp về kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để tăng năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm xanh đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế rộng lớn...; trong đó, tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng.
Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai các giải pháp như đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh cung ứng, các sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục chủ động, sáng tạo để đưa ra các giải pháp mới nhằm đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại khu vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tạo ra ngày càng nhiều những tác động bất lợi đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, cần đẩy mạnh tín dụng xanh hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững.
Cũng tại hội thảo các diễn giả đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, đóng góp thiết thực cho công tác điều hành của NHNN nói riêng và các bộ, ngành nói chung, cũng như gợi mở nhiều ý tưởng mới cho hoạt động thực tiễn của tổ chức tín dụng; giúp các cơ sở đào tạo trong và ngoài Ngành trong công tác đào tạo, nghiên cứu; đặc biệt, giúp các tổ chức tín dụng có các giải pháp ứng phó với những thách thức, tận dụng các cơ hội trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam hiện nay
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024