08.12.2021 09:38

Phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, bền vững

NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ kinh tế tập thể (KTTT) và hợp tác xã (HTX), trong đó có HTX phi nông nghiệp phát triển và sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ khu vực này.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp, diễn ra ngày 7/12/2021.

Lớn mạnh cả lượng và chất

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động. Cụ thể, đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX, 16 liên hiệp HTX, 44.226 tổ hợp tác, thu hút gần 3 triệu thành viên; vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Đặc biệt Luật HTX năm 2012 ra đời là điểm tựa để khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, Luật HTX có những tác động đến phát triển KTTT, HTX như thành lập, đăng ký HTX, liên hiệp HTX; phát triển thành viên và tổ chức cung ứng dịch vụ cho thành viên; năng lực tổ chức quản lý, điều hành; tài sản, tài chính và hiệu quả hoạt động. Theo đó, hiện có khoảng 55-80% số HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh thu của các HTX ước đạt 74.669 tỷ đồng (tăng 16.173 tỷ đồng so với năm 2013), bình quân doanh thu đạt 8 tỷ đồng/HTX, tỷ lệ doanh thu cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên chiếm trên 80%. Giai đoạn 2013-2021 tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm của một lao động đạt 6,41%; cung ứng dịch vụ cho thành viên với chi phí đầu vào giảm khoảng 20%-25%, giá bán sản phẩm tăng từ 10%-15%...

Mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm qua đã khiến cho hoạt động của khu vực KTTT, HTX gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhưng vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi mới cho phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển. Đồng thời, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đi đôi với đảm bảo nguồn lực thực hiện...

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế HTX, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả để phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.

Ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Luật HTX 2012, NHNN đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển KTTT trên 2 phương diện, đó là hoàn thiện cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng ngân hàng nhằm tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng phục vụ phát triển KTTT, HTX; Chỉ đạo quản lý và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng được tổ chức vận hành theo mô hình là HTX.

Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm cho người lao động

Theo đó, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần phát triển kinh tế, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực KTTT phát triển. Đồng thời, không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT. Bên cạnh việc được bình đẳng như các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận vốn và các dịch vụ tiền tệ, thanh toán, trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, NHNN đã ban hành/trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách tín dụng có đối tượng thụ hưởng là HTX, trong đó có các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp với nhiều ưu đãi về mức cho vay và cơ chế, thủ tục, điều kiện; về cho vay không có tài sản bảo đảm... Trong đó phải kể đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP) và các chương trình tín dụng đặc thù.

Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đối với khu vực HTX phi nông nghiệp, NHNN đã triển khai nhiều cơ chế, giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này như điều hành lãi suất theo xu hướng ổn định và giảm dần, trong đó, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và nhiều lần giảm mức lãi suất này, hiện chỉ còn 4,5%/năm, thấp hơn 1-2% so với mức lãi suất cho vay thông thường. Đồng thời ưu tiên các TCTD có tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn từ 40% trở lên được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 50% so với các TCTD khác. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh cho vay mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong giai đoạn 20 năm, từ năm 2001 - 2021, doanh số cho vay khu vực KTTT đạt 68.878 tỷ đồng. Đến nay dư nợ cho vay đối với HTX, liên hiệp HTX đạt gần 5.600 tỷ đồng, gấp 7 lần dư nợ từ thời điểm ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW.

Vừa qua, các TCTD cũng đã tích cực triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn trong trả nợ vay ngân hàng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay lũy kế giá trị nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 785 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt 2.277 tỷ đồng.

Phó Thống đốc cũng cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, 10 năm thực hiện Luật HTX, NHNN đã củng cố, hoàn thiện và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển KTTT trong lĩnh vực Ngân hàng và phát triển các TCTD là HTX. Đến nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TCTD là HTX tương đối đầy đủ và phù hợp với quy định tại Luật các TCTD và quy định pháp luật có liên quan, góp phần hoàn thiện mô hình các TCTD là HTX theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững. Hệ thống QTDND có sự phát triển mạnh mẽ, đến nay, toàn hệ thống có gần 1.200 QTDND, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố, với hơn 1,8 triệu thành viên tham gia.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục đồng hành để hỗ trợ phát triển khu vực KTTT, HTX; lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của khu vực KTTT thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin, nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ khu vực KTTT phát triển.

Mục tiêu phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đến năm 2030: Số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng trưởng từ 10% - 16%/năm; cả nước có khoảng 250.000 THT, 26.000 HTX, 70 liên hiệp HTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; thu hút hầu hết hộ cá thể ở nông thôn và khoảng 30% hộ cá thể thành thị tham gia HTX, THT lĩnh vực phi nông nghiệp.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan