Sáng 8/5, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức. Hiệp hội QTDND Việt Nam xin trích đăng toàn văn bài phát biểu như sau:
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024
Thưa Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương!
Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia là 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Năm nay, Chính phủ lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Theo đó, Chính phủ đặt trọng tâm cho việc phát triển kinh tế số, coi đây là trụ cột quan trọng, làm đòn bẩy để thúc đẩy các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg).
Ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực trong nền kinh tế. Bởi vậy, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm và xác định ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên, tiên phong trong chuyển đổi số.
Với chủ đề Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn cho Ngày chuyển đổi số ngân hàng 2024 về “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” đã phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, Chính phủ và chủ đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2024.
Với quan điểm xuyên suốt của Chính phủ tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia là việc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 06/QĐ-TTg với mục tiêu tổng quát là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt với quyết tâm cao về công tác chuyển đổi số: (i) tiếp tục kiện toàn bộ máy của Ủy ban và các Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương; (ii) hoàn thiện thể chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia: đã ban hành 1 Nghị định về khu công nghệ cao; đang khẩn trương, tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...; (iii) hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống; hình thành nhiều trung tâm dữ liệu lớn, hiện đại; Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai; (iv) CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ: trong đó CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp Nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản;…; (v) dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh: gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4 (tăng 5 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023). Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng; (vi) kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực: Hiện có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản;…
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số quốc gia nêu trên có sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng. Đây là lần thứ 2 tôi tham dự sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, lần đầu tiên là vào ngày 4/8/2022 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Năm 2023 do có lịch công tác của Chính phủ nên tôi đã không tham dự và có đồng chí Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự, chỉ đạo. Ngày hôm nay, sau gần 2 năm quay lại với sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, qua thông tin phát biểu khai mạc của đồng chí Thống đốc, báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các tham luận của các tổ chức tín dụng và đặc biệt là được trực tiếp trải nghiệm tại các gian hàng cho thấy những thành quả và bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Những trải nghiệm trực tiếp tại các gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo, các giải pháp ứng dụng công nghệ mới của các đồng chí hôm nay cho thấy chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý tài chính, minh bạch dòng tiền và qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Những sản phẩm dịch vụ này gắn chặt chẽ với đời sống hàng ngày của người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh QR…; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp;… kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với xuất hóa đơn điện tử vừa tạo thuận tiện cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch tài chính và hỗ trợ công tác quản lý thuế… Những trải nghiệm này đã cho tôi thấy rõ sự tiến bộ vượt trội so với những sản phẩm, dịch vụ mà tôi đã trải nghiệm 2 năm trước.
Những thành quả về chuyển đổi số ngành Ngân hàng còn được minh chứng thông qua nhiều thông tin, số liệu cho thấy nhiều chỉ tiêu đạt, vượt hoặc tiệm cận với mục tiêu đến năm 2025:
Các số liệu về thanh toán không dùng tiền mặt đã vượt so với mục tiêu đến năm 2025 đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Quyết định 749/QĐ-TTg: (i) Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87% vượt mục tiệu 80% vào năm 2025; (ii) Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50% về số lượng; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh điện thoại di động đạt hơn 100% cả về số lượng và giá trị; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50% về số lượng. (iii) tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt hơn 49% - vượt mục tiêu 40% tại Quyết định 1813/QĐ-TTg; (iv) Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP - tiệm cận mục tiêu 25 lần GDP tại Quyết định 1813/QĐ-TTg. (v) Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, hạ tầng thanh toán vẫn đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, không để xảy ra ách tắc.
Bên cạnh dịch vụ thanh toán, các nghiệp vụ ngân hàng đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số và đặc biệt hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử cũng đã được nhiều tổ chức tín dụng triển khai đến khách hàng.
Về các mục tiêu xây dựng Chính phủ số, Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong số Bộ, ngành đã hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ bí mật nhà nước).
Tôi đã có dịp đi một số nước, lắng nghe trình bày của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, các chuyên gia quốc tế; tuy nhiên qua báo cáo của các đồng chí và với những trải nghiệm thực tế các sản phẩm dịch vụ của ngành Ngân hàng trình diễn ngày hôm nay cho thấy, những giải pháp, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều được ứng dụng, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ mới và không thua kém so với các nước trên thế giới…
Tôi cho rằng, để có thể đạt được những thành quả nêu trên thì Ngân hàng Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Thống đốc, đã sớm có các quyết sách phù hợp, trong đó đã sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, với việc ban hành các quy định về nhận tiền gửi, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, cho vay, bảo lãnh… bằng phương tiện điện tử; ban hành các Kế hoạch, chỉ thị và tổ chức thực hiện các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn ngành. Đồng thời chú trọng việc nâng cấp, phát triển hạ tầng, công nghệ, đảm bảo an ninh an toàn, bố trí nguồn lực cho công tác chuyển đổi số.
Và đặc biệt, ngành Ngân hàng ghi dấu ấn là ngành đi đầu, tích cực trong việc ứng dụng, triển khai Đề án 06/QĐ-TTg về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Theo thông tin từ đ/c Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06, việc ứng dụng dữ liệu dân cư không chỉ phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua Căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID mà còn hỗ trợ tích cực trong quá trình phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán trực tuyến, thanh toán chi trả an sinh xã hội, đánh giá điểm khả tín khách hàng vay,… mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là góp phần công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong bối cảnh gia tăng rủi ro lừa đảo, gian lận, mạo danh…
Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận và biểu dương ngành Ngân hàng đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với nhiều mục tiêu cụ thể và đã đạt được những thành quả tích cực, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức về công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ… Do đó, tôi đề nghị ngành Ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Do đó, để tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, vượt qua các thách thức và tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những bộ, ngành, lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số, trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thời gian qua, tôi đề nghị đồng chí Thống đốc quán triệt, chỉ đạo trên toàn ngành tập trung, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế:
(i) Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật các Tổ chức tín dụng 2024 vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt;…
(ii) Đồng thời rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật giao dịch điện tử,... và thực tiễn cung ứng, thực hiện các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Thứ hai, về hạ tầng:
(i) Tiếp tục nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế;
(ii) Thúc đẩy việc tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, các ngành, lĩnh vực khác để người dân, doanh nghiệp được cung ứng và trải nghiệm các dịch vụ một cách liền mạch, xuyên suốt từ khâu tiếp nhận, đăng ký, sử dụng dịch vụ cho đến khâu thanh toán, kết thúc.
Thứ ba, về dữ liệu:
(i) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06/QĐ-TTg về ứng dụng dữ liệu dân cư, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp.
(ii) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai liên thông dữ liệu, qua đó cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở khắp các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế
(iii) Tổ chức tốt công tác quản trị, bảo mật dữ liệu khách hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo/Học máy, Dữ liệu lớn,… để phục vụ công tác quản trị điều hành, xây dựng chính sách và phát triển các sản phẩm - dịch vụ đổi mới sáng tạo, tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, về nguồn lực:
(i) Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng; bố trí nguồn lực hợp lý cho công tác đầu tư hạ tầng, đảm bảo phát triển phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
(ii) Tăng cường hợp tác, đẩy mạnh học hỏi nghiên cứu kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong công tác chuyển đổi số để vận dụng một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động Ngân hàng tại Việt Nam.
Thứ năm, về công tác đảm bảo an ninh, an toàn: tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.
Thứ sáu, về công tác truyền thông, giáo dục tài chính: tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết tài chính và hiểu biết số cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ kẻ xấu, tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích gian lận, lừa đảo.
Nhờ sự quyết tâm, chủ động và sáng tạo của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số, kết hợp với các hoạt động đáng chú ý tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số năm 2024" của ngành Ngân hàng hôm nay, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục đóng góp những phần quan trọng, thiết yếu cho 04 trụ cột đã đề ra nhằm phát triển kinh tế số quốc gia. Với sự quyết tâm từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự góp phần tích cực của các bộ ngành và địa phương, cùng với sự chủ động, quyết tâm và nỗ lực tăng cường từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức trong ngành, ngành Ngân hàng sẽ gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng là một trong những lĩnh vực tiên phong, dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo Thời báo Ngân hàng.