Để tránh tình trạng nợ xấu dồn ứ, ảnh hưởng đến khả năng cấp vốn ngân hàng đến nền kinh tế, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị cần có hướng giải pháp hiệu quả hơn đối với hoạt động thu hồi tài sản, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.
Chủ động tăng bộ đệm dự phòng
Một trong những điểm chú ý tại báo cáo kết quả kinh doanh ba quý đầu năm của các ngân hàng đó là nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù tỷ lệ nợ xấu tuyệt đối không tăng. Chẳng hạn, tại ABBank, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 19% so với cùng kỳ, lên 962,8 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2022. Lãnh đạo ABBank cho hay, sở dĩ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do ngân hàng trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt, đồng thời thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo quy định mới. Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro thời gian tới.
Hay như MSB cũng đẩy mạnh kiểm soát rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/NHNN của MSB ở mức 1,08%, tiếp tục cải thiện so với mức 1,1% tại thời điểm 30/6/2022, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao 95,7% cho thấy ngân hàng này rất chú trọng tăng “bộ đệm” phòng ngừa rủi ro.
Ngân hàng đẩy mạnh xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ
Mặc dù bộ đệm dự phòng toàn hệ thống cải thiện với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, nhưng với diễn biến thị trường hiện tại, nguy cơ nợ xấu tăng cao khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14/2021-TT/NHNN hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022. Nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng cao, trong khi hoạt động kinh doanh ngân hàng dự báo khó khăn hơn trong giai đoạn tới. Do đó bộ đệm dự phòng rủi ro của ngân hàng cũng khó mà duy trì được dày dặn như hiện tại. Chưa kể, không phải ngân hàng nào cũng nâng được tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Khó thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ
Để nợ xấu không bị dồn ứ, các ngân hàng đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ qua nhiều hình thức, nhất là rao bán, đấu giá tài sản. BIDV lại vừa tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Sản xuất điện tử Thành Long gồm hệ thống máy móc thiết bị khẩu trang, nhà xưởng... Giá khởi điểm cho tổng số các tài sản bảo đảm trên của CTCP Sản xuất điện tử Thành Long là 157,3 tỷ đồng.
Cũng như BIDV, hiện tại rất nhiều ngân hàng phải đẩy mạnh rao bán tài sản nhất là BĐS từ nhà đất, đến căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự… để thu hồi nợ. Tuy nhiên do thị trường BĐS trầm lắng nên việc rao bán ế ẩm buộc các ngân hàng liên tục phải hạ giá bán. Bán tài sản thu hồi nợ đã khó, nhưng trước đó việc thu giữ tài sản bảo đảm cũng gặp nhiều trắc trở hơn.
Lãnh đạo một công ty mua bán nợ cho biết, bên cạnh sự phối hợp chưa tích cực từ chính quyền địa phương trong thu giữ tài sản, một trong những vướng mắc hiện nay là nhiều giao dịch tín dụng có tài sản đảm bảo của các ngân hàng (trong đó tập trung vào tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất) khi đưa ra tòa vẫn bị tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho… do bên bảo đảm thực hiện trước khi thế chấp ngân hàng). Nhiều trường hợp tài sản thế chấp tại TCTD có sự tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng giữa chủ sở hữu cũ và bên bảo đảm là chủ sở hữu hiện tại. Theo đó, chủ sở hữu cũ yêu cầu tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng với chủ sở hữu hiện tại và yêu cầu hủy luôn Hợp đồng thế chấp mà chủ sở hữu hiện tại đã ký với TCTD. Quá trình giải quyết những vấn đề trên đã nảy sinh nhiều bất cập, không thống nhất giữa các cơ quan. Đã có trường hợp Tòa án tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng tài sản và tuyên hủy Hợp đồng thế chấp, mặc dù Hợp đồng thế chấp đã được ký, công chứng hoặc chứng thực, đăng ký biện pháp bảo đảm đầy đủ, vì cho rằng TCTD không phải bên thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Theo vị này, mặc dù ngân hàng giải thích, dẫn chứng quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015 có nhắc tới bảo vệ người thứ 3 ngay tình, nhưng nhiều toà án từ cấp huyện đến cấp tỉnh không chấp nhận. Nhiều bản án tước đi quyền của bên thứ 3 ngay tình là đơn vị xử lý nợ.
Quan điểm chưa phù hợp cả về pháp lý và thực tiễn trên, dẫn đến hệ quả nguy hiểm là khoản nợ từ vài chục, đến vài trăm thậm chí có khi đến hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng tại TCTD trở thành khoản nợ không có tài sản bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD. Trong khi nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, các TCTD căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp cho Bên bảo đảm để xác định chủ sở hữu tài sản và thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ. Ngoài ra, không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp GCN; cũng như quy định TCTD có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo GCN đó.
Nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối, gây bất lợi cho các ngân hàng cũng như các công ty mua bán nợ trong quá trình xử lý nợ, đại diện một ngân hàng đề nghị các cơ quan liên quan như toà án có văn bản áp dụng thống nhất quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình thông qua văn bản hướng dẫn hoặc ban hành án lệ trong các tình huống cụ thể như giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó...
Để tránh tình trạng nợ xấu dồn ứ, ảnh hưởng đến khả năng cấp vốn ngân hàng đến nền kinh tế, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị cần có hướng giải pháp hiệu quả hơn đối với hoạt động thu hồi tài sản, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Đại diện MB, AMC bày tỏ mong muốn có khung pháp lý vững chắc và ổn định tạo điều kiện cho việc xử lý nợ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, những vướng mắc trên cần sớm được tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ việc thu hồi nợ, xử lý nợ xấu của các TCTD. Đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu, nợ tồn đọng, nợ xấu tiềm ẩn của các TCTD vẫn đang tiếp tục phát sinh và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Theo Thời báo Ngân hàng
12.11.2024