10.08.2018 13:38

Muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau

Tiếp nối những nền tảng của những năm trước, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2018 của Hiệp hội QTDND đã góp phần hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực hoạt động thông qua công tác đào tạo. 

Vai trò cầu nối của Hiệp hội không chỉ gắn kết các QTDND trong hệ thống mà còn kết nối với các cơ quan chức năng của Nhà nước trong xây dựng và thực thi chính sách, góp phần đưa hệ thống QTDND trở thành một trụ cột vốn trong phát triển kinh tế tập thể và nông nghiệp nông thôn.

 

Hiệp hội đã góp phần hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực hoạt động thông qua công tác đào tạo 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ phát triển, chất lượng nguồn nhân lực với việc cập nhật kiến thức mới là một trong những yếu tố quyết định sự thành công, nâng cao năng lực hỗ trợ thành viên của các QTDND. Đây cũng là trọng trách mà NHNN giao cho Hiệp hội và đã được triển khai tích cực trong 6 tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng khóa học nghiệp vụ cơ bản cho các QTDND thuộc tỉnh Thái Bình mới đây, ông Trần Minh Hạc - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình thêm một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa của việc thực hiện Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc Ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND và Quyết định số 1012/QĐ-NHNN về việc Ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND. Tuy hoạt động của các Quỹ khá đơn giản là cho vay và huy động vốn các thành viên nhưng mỗi QTDND là một cá thể độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động nên tiềm ẩn rủi ro là khá lớn.

Chính vì vậy, NHNN đã ban hành chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND để giúp cho cán bộ hệ thống hiểu được những kiến thức cơ bản về hoạt động của các quỹ cũng như kiến thức về pháp luật để có thể làm việc tốt và đúng quy định của pháp luật và của NHNN, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra do thiếu kiến thức.

Được NHNN Việt Nam giao làm đầu mối đào tạo lại hệ thống QTDND trên toàn quốc theo Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc Ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND và Quyết định số 1012/QĐ-NHNN về việc Ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND đến nay Hiệp hội đã chủ động mới những giảng viên kiêm chức từ NHNN chi nhánh tỉnh thành phố nơi mở lớp tham dự giảng dạy với nội dung phù hợp.

Đặc biệt để đảm bảo việc tổ chức lớp học có hiệu quả và thuận tiện cho học viên đi lại, ngay từ đầu năm, Hiệp hội đã rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo đến các NHNN chi nhánh tỉnh thành phố với 1215 học viên, từ đó lên kế hoạch đào tạo phù hợp cho từng vùng miền. Các khóa đào tạo đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước như Thái Bình, Quảng Bình, Đà Lạt, Phú Yên, Tiền Giang, Thanh Hóa…

Để triển khai đào tạo đạt chất lượng cao hơn, Hiệp hội cũng thường xuyên liên hệ và làm việc với Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố để tranh thủ nguồn kinh phí cũng như nắm bắt nhu cầu đào tạo phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh thành phố trong việc mở các lớp đào tạo.

Hiệp hội cũng đã dự thảo kế hoạch phương hướng chương trình đào tạo theo Quyết định số 1011/QĐ-NHNN từ nay đến năm 2020 hiện đang xin ý kiến đóng góp của NHHT. Đồng thời đã báo cáo Vụ Tổ chức cán bộ NHNN Việt Nam về tình hình đào tạo hệ thống QTDND trong thời gian qua để có phương hướng giải pháp nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các QTDND tái cơ cấu các QTDND theo đề án được phê duyệt. Song song với việc đào tạo nghiệp vụ cơ bản, Hiệp hội đã tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu cho 246 cán bộ QTDND.

Cũng từ thực tế đào tạo, Hiệp hội đã chủ động làm việc với Học viện Ngân hàng để điều chỉnh, cập nhật những vấn đề mới phát sinh liên quan đến nội dung giảng 8 học phần để làm rõ hơn những kiến thức cơ bản và truyền đạt những văn bản mới liên quan đến nội dung học cho học viên theo Quyết định số 1012/QĐ-NHNN. Hiệp hội cũng đã ban hành quy chế học tập, chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND; quy định in ấn, cấp phát chứng chỉ, chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND;

Quy trình chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND. Kết quả là qua các lớp học này, ngoài kiến thức thu được thì việc kết nối giữa các hội viên với nhau, giữa hội viên với Hiệp hội đã có những cải thiện nhất định. Các học viên đã đánh giá cao việc tổ chức các khóa đào tạo ngắn ngày và mong muốn Hiệp hội tiếp tục tổ chức thường xuyên các khóa học ngắn ngày, chuyên sâu.

 Tăng cường kết nối và hỗ trợ

Với 1110 hội viên, công tác kết nối và hỗ trợ hội viên là một thách thức không nhỏ với Hiệp hội. Tuy nhiên, những nỗ lực trong thời gian qua cũng như trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy rõ những nỗ lực của Hiệp hội trong việc kết nối hội viên cũng như với cơ quan quản lý nhà nước.

Thông qua hoạt động của các văn phòng đại diện, Hiệp hội  thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn các hội viên thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng.

Các hình thức kết nối được mở rộng. Như buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệp giữa các QTDND tại Mộc Châu vừa qua không chỉ là nơi các QTDND chia sẻ những kinh nghiệm thành công, mà còn là dịp nhìn nhận lại những vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Chủ động hơn, Hiệp hội đã xuống các quỹ tìm hiểu hoạt động, tâm tư nguyện vọng các hội viên. Những ý kiến tiếp tục phản hồi từ các QTDND về thực hiện các quy định nhà nước như Thông tư 03/2014/TT-NHNN và Thông tư 04/2015/TT-NHNN, một mặt Hiệp hội vừa tuyên truyền vận động các QTDND thực hiện, mặt khác có công văn kiến nghị gửi NHNN để góp phần tháo gỡ.

Cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như các thông tin thường xuyên về ngành Ngân hàng, hệ thống QTDND và NHHT trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội. Đây được xem là kênh thông tin có chất lượng về hoạt động của hệ thống QTDND.

Cùng với đó là những trợ lực cho các QTDND về công tác tin học. 6 tháng đầu năm Công ty tin học của Hiệp hội tiếp tục mở rộng, triển khai phần mềm ngân hàng bán lẻ (ITD-VAPCF) cho 12 QTDND trên địa bàn Hà Nội, Ninh Bình, Phú Yên, Hưng Yên, Bạc Liêu đưa tổng số các QTDND sử dụng phần mềm lên 412 quỹ. Đồng thời nâng cấp, cập nhật tính năng an toàn bảo mật, kiểm soát người dùng trong các giao dịch phần mềm trên ngân hàng bán lẻ.

 

 Cán bộ QTD đang giao dịch trên phần mềm ITD_VAPCF

Công ty đã nâng cấp và hoàn thiện, cập nhật miễn phí phần mềm theo yêu cầu tại văn bản 2947/NHNN-DBTK. Đồng thời tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai cho các QTDND đang sử dụng đảm bảo đáp ứng kịp thời công tác báo cáo theo yêu cầu của NHNN.

Hệ thống phần mềm giám sát từ xa đáp ứng yêu cầu quản lý của NHNN chi nhánh đối với các QTDND được hoàn thiện trong khuôn khổ dự án nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng giám sát từ xa qua phần mềm kết nối với NHNN tỉnh”. Cùng với việc tổ chức đào tạo theo kế hoạch, trong những tháng cuối năm, Hiệp hội đặt mục tiêu có thêm 50 QTDND được cài đặt phần mềm tin học trên địa bàn Hải Dương và Bình Định. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHHT, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc đào tạo cũng như nắm bắt tình hình hoạt động của các hội viên từ đó phản ánh kịp thời đến các cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ.

Nhấn mạnh đến các giải pháp của Hiệp hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT NHHT, Chủ tịch Hiệp hội QTDND, kỳ vọng thông qua các lớp đào tạo, các QTDND hội viên không những được nâng cao trình độ mà còn có cơ hội chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong hoạt động.

Để từ đó, tạo sự liên kết trong hệ thống, hỗ trợ cùng phát triển, góp phần ổn định hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đây cũng là tâm huyết của Hiệp hội QTDND cũng như NHHT mà như ông Đỗ Mạnh Hùng khẳng định, Hiệp hội và NHHT sinh ra để hỗ trợ và đồng hành cùng hội viên.

Như lời ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc NHHT phát biểu mới đây tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Văn phòng đại diện khu vực miền Trung “Các QTDND cần liên kết để tạo ra sức mạnh của hệ thống vì nếu chúng ta đi một mình thì có thể đi rất nhanh nhưng nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. 

 

Thời Báo Ngân Hàng 

Các tin liên quan