Thực hiện nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao tại công văn số 1203/NHNN-TTGSNH ngày 27/2/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), ngày 24 và 25/6/2023, Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã tổ chức khóa tập huấn Nghiệp vụ tín dụng tại tỉnh Quảng Bình cho gần 200 học viên đến từ Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Quảng Bình, Hà Tĩnh và QTDND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tham dự buổi Lễ khai giảng có: Bà Hoàng Thị Từ Như - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình; Ông Tô Hoài Thanh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã, Ông Lê Thanh Cường - Phó Giám đốc Quỹ bảo toàn - Phó phòng tín dụng và chăm sóc thành viên Ngân hàng Hợp tác xã; Ông Phan Xuân Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Quảng Bình; Ông Đoàn Trọng Huấn - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Hà Tĩnh; Ông Trần Ngọc Tuyên - ủy viên BCH Hiệp hội - Trưởng VPĐD miền Trung- Giám đốc QTDND Bắc Lý, Quảng Bình, Ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội, Bà Nguyễn Thị Kim Thanh- Phó Tổng thư ký Hiệp hội và các Ông, Bà Lãnh đạo, cán bộ QTDND 04 tỉnh miền Trung Bắc Bộ.
Bà Hoàng Thị Từ Như - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước CN Quảng Bình phát biểu tại Lễ khai giảng Phát biểu tại Lễ khai giảng Bà Hoàng Thị Từ Như - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tương đối ổn định, tăng trưởng về hoạt động huy động vốn và cho vay, tỷ lệ nợ xấu thấp, nghiêm túc chấp hành các quy định về phân loại nợ, trích lập và xử lý rủi ro đối với các khoản nợ, thực hiện kiểm soát chặt chẽ lãi dự thu, dự chi đúng quy định - phản ánh đúng thực trạng tài chính của đơn vị. Các QTDND đã dần nâng cao năng lực quản trị điều hành, tăng cường công tác kiểm soát và kiểm toán nội bộ, làm tốt công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác truyền thông, phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương- hạn chế phát sinh tín dụng đen. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được các QTDND còn nổi lên một số tồn tại, công tác chỉ đạo điều hành của HĐQT, Ban điều hành của một số QTDND chưa sát sao, chưa chấn chỉnh kịp thời các tồn tại sai phạm trong hoạt động; công tác kiểm tra, kiểm soát chưa thường xuyên, vẫn còn những trường hợp chưa kịp thời phát hiện những sai sót; trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ QTDND vẫn còn bất cập so với yêu cầu, năng lực thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng và kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cấp tín dụng chưa cao, công tác thẩm định giá tài sản đảm bảo còn chưa được chú trọng; sự am hiểu pháp luật của một số cán bộ QTDND vẫn còn hạn chế.
Bà Hoàng Thị Từ Như cho rằng việc tổ chức khóa tập huấn này là hết sức cần thiết để các học viên cập nhật những kiến thức mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại các QTDND, đây cũng là dịp học viên và giảng viên cùng nhau trao đổi, giải đáp, làm rõ những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn. Để đạt được kết quả đó Bà hy vọng trong 2 ngày tập huấn các học viên sẽ tập trung học tập nghiêm túc, nghiên cứu, tiếp thu những kiến thức mà giảng viên đã truyền đạt để vận dụng một cách tốt nhất vào công việc mà mỗi cá nhân đang đảm nhận tại các QTDND.
Phát biểu tại buổi lễ Ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết: được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, các QTDND đã và đang hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, là kênh dẫn vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn. Nhìn chung thời gian qua, hệ thống QTDND tăng trưởng ổn định, chất lượng, hiệu quả, khẳng định vai trò TCTD “gần dân, gần nhà” kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Công tác quản trị điều hành từng bước được nâng cao và thực hiện hiệu quả, hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ đã được thiết lập và dần đi vào hoạt động, các QTDND luôn nỗ lực nâng cao trình độ nghiệp vụ…
Ông Nguyễn Đức Dũng - TTK Hiệp hội phát biểu tại khóa tập huấn Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy vẫn còn những tồn tại và sai sót cần được khắc phục như: về công tác quản trị điều hành: các văn bản quy định nội bộ tuy đã ban hành nhưng vẫn còn một số yếu tố chưa đầy đủ; hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ tuy đã vận hành nhưng chưa thực sự hiệu quả nên khả năng phát hiện và phòng ngừa rủi ro chưa cao; về công tác tín dụng ở một số QTDND chưa thực sự chặt chẽ, nội dung tờ trình thẩm định chưa thực sự chặt chẽ, việc phân tích dòng tiền, nguồn thu và tính hiệu quả của dự án/phương án vay vốn chưa thực sự rõ ràng; việc thẩm định, đánh giá, định giá tài sản cũng chưa được các QTDND theo dõi sát sao, quá trình kiểm tra tài sản đảm bảo chưa được theo sát, công tác kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ vay chưa kịp thời… Đó là những vấn đề mà nhiều QTDND đã kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội QTDND Việt Nam cần sớm mở các lớp đào tạo nhằm hoàn thiện kiến thức cho Lãnh đạo và cán bộ QTDND để triển khai có hiệu quả phần hành, công việc được giao góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND.
Toàn cảnh buổi khai giảng Ông Dũng cho biết, ngày 27/2/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 1203/NHNN-TTGSNH yêu cầu Hiệp hội phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã triển khai công tác đào tạo nghiệp vụ tín dụng và công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, xây dựng quy định, quy chế nội bộ mẫu về nghiệp vụ cho vay; bảo đảm tiền vay; huy động tiền gửi; quản lý ấn chỉ quan trọng và quy định về tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động. Trên cơ sở đó, Hiệp hội và Ngân hàng Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho các QTDND trên toàn quốc tập trung vào 02 lĩnh vực nghiệp vụ trên giúp cho các QTDND nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ tại đơn vị mình. Không những Hiệp hội mời được các Giảng viên có nhiều kinh nghiệm về hoạt động QTDND để giúp cho các học viên có nhận thức đầy đủ hơn và cả những sai sót, vướng mắc thường gặp trên thực tế để cùng rút kinh nghiệm, khóa học còn được Ngân hàng Hợp tác xã hỗ trợ về cơ sở vật chất nên đã giúp giảm học phí cho các học viên một cách hợp lý để công tác đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các QTDND triển khai thành công.
Với khóa tập huấn Nghiệp vụ tín dụng đầu tiên được tổ chức tại Quảng Bình, Ông Nguyễn Đức Dũng bày tỏ niềm vui mừng khi nhận được sự tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của đông đảo các QTDND trên địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ông hy vọng rằng, sau khi kết thúc khóa tập huấn các học viên sẽ có những nhìn nhận mới hơn, cập nhật đầy đủ hơn và vận dụng những kiến thức đã học vào trong công việc hàng ngày được hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động cho từng QTDND và góp phần đưa hoạt động của hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả./.
Ban Lãnh đạo Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm tại khóa tập huấn Phạm Hồi